Mưu đồ Mỹ nói Nga xóa hiện trường tấn công VKHH?

Việc Mỹ cho rằng Nga làm xáo trộn hiện trường nghi sử dụng VKHH tại Douma, cho thấy sự khác biệt quá lớn giữa ứng xử Nga với hành xử Mỹ..

Mỹ nghi ngờ Nga làm xáo trộn hiện trường vụ tấn công vũ khí hóa học ở Douma

Reuters đưa tin, ngày 16/4 phát biểu tại phiên họp của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Đại sứ Mỹ tại OPCW Kenneth Ward cho rằng Nga có thể đã làm xáo trộn hiện trường.

“Theo thông tin chúng tôi có được thì người Nga có thể đã tới địa điểm xảy ra vụ tấn công.

Chúng tôi quan ngại họ có thể gây xáo trộn địa điểm này với ý đồ cản trở những nỗ lực của phái đoàn OPCW đi tìm kiếm sự thật".

Đại sứ Ward hối thúc OPCW lên án việc tái diễn sử dụng những vũ khí có độc bị cấm và nhấn mạnh :

"Đáng lẽ từ lâu OPCW phải lên án chính quyền Syria vì cai trị bằng khủng bố hóa học và yêu cầu giải trình quốc tế về những hành vi tàn ác đó".

Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học Kenneth Ward

Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học Kenneth Ward

Hiện các thanh sát viên OPCW đang có mặt tại thủ đô Damascus để bắt đầu công tác điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, với nhiệm vụ xác định có vụ tấn công vũ khí hóa học nào xảy ra tại đây hay không.

Nga cam kết không can thiệp vào công việc của phái đoàn tìm kiếm sự thật do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học cử tới Syria nhằm điều tra vụ tấn công nghi sử dụng khí độc tại thị trấn Douma ở Syria.

"Nga khẳng định cam kết của mình trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho phái đoàn của OPCW và sẽ không can thiệp vào công việc của họ", Đại sứ quán Nga tại The Hague, Hà Lan cho biết.

Đại diện Nga tại OPCWcũng lên án Mỹ và đồng minh về cuộc tấn công hồi cuối tuần qua vào 3 cơ sở - được cho là nơi sản xuất và cất giữ vũ khí hóa học - tại Syria là một nỗ lực "hủy hoại niểm tin" của phái đoàn OPCW.

OPCW đã có mặt ở Syria vào cuối năm 2013 khi Syria đồng ý chuyển giao kho vũ khí hóa học của mình.

Đến tháng 6/2014, toàn bộ kho vũ khí hóa học của quân đội Syria đã được bàn giao cho OPCW.

Mặc dù vậy, cho đến nay Mỹ và phương Tây vẫn liên tục cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công, bất chấp việc chính quyền Damascus nhiều lần bác bỏ chưa bao giờ sử dụng loại vũ khí như vậy.

Ngày 13/4/2018, Mỹ, Anh và Pháp đã đưa ra lý do tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma xảy ra ngày 7/4/2018.

Mỹ và phương Tây cáo buộc chính quyền Damascus là thủ phạm "sự kiện Douma", còn Nga và Syria kịch liệt bác bỏ và cho rằng vụ việc tại Douma là kịch bản được Mỹ và đồng minh dàng dựng để tiếp tục can thiệp vào quốc gia Trung Đông này.

OPCW đang chịu áp lực từ Mỹ và đồng minh về việc điều tra vũ khí hóa học của Syria

Điều đáng nó là, cũng như trong "sự kiện Idlib" tháng 4/2017, sau khi Washington và phương Tây cáo buộc Damascus trong "sự kiện Douma", Moscow đã yêu cầu điều tra quốc tế ngay lập tức.

Tuy nhiên, Washington luôn mặc định Damascus sử dụng vũ khí hóa học để giết hại dân thường, rồi nhanh chóng thực hiện hành động quân sự trừng phạt Syria. Sau đó các nhà điều tra quốc tế mới được cử đến tiếp cận hiện trường.

Trong khi vũ khí hóa học mà Damascus bị cáo buộc sử dụng trong cả "sự kiện Idlib" tháng 4/2017, lẫn trong "sự kiện Douma" tháng 4/2018 đều tồn tại ở dạng khí, nên thời gian luôn là "kẻ thù" của các nhà điều tra quốc tế.

Vậy nhưng Mỹ lại không chấp nhận điều tra ngay theo đề xuất của Nga để việc làm rõ trắng đen sẽ dễ dàng hơn, nay thì Washington còn cho rằng có thể Nga đã làm xáo trộn hiện trường.

Thực ra, hiện trường vụ việc, nếu có, cũng chẳng còn nhiều dấu vết để có thể giúp làm rõ trắng đen, nên làm xáo trộn hay giữ nguyên hiện trường cũng như nhau.

Vì vậy, dư luận cho rằng cáo buộc Nga làm xáo trộn hiện trường chỉ là mưu đồ Mỹ.

Mỹ muốn gì?

Theo giới phân tích, dù hướng sự chú ý về Moscow với nghi ngờ Nga làm xáo trộn hiện trường vụ tấn công vũ khí hóa học tại Douma, nhưng thực ra Washington gửi lời cảnh báo OPCW khi thực hiện kiểm tra hiện trường tại Douma.

Tại sao lại nhận định như vậy?

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 5/12/2002 khi Ủy ban Thanh sát vũ khí của LHQ do ông Hans Blix đứng đầu chuẩn bị kết thúc điều tra tại Iraq và được dự báo sẽ đưa ra kết luận cho rằng chính quyền Saddam Hussein không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ngay lập tức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld cho biết Mỹ rất không hài lòng nếu kết luận Ủy ban Thanh sát vũ khí LHQ tại Iraq (UNMOVIC) đưa ra theo chiều hướng như vậy và cảnh báo hậu quả.

Đây là hình ảnh tiêu biểu cho việc Washington vô hiệu hóa các cơ chế thanh sát quốc tế về vũ khí, trong đó UNMOVIC tại Iraq và là lời cảnh báo cho OPCW tại Syria

Người đứng đầu Lầu Năm Góc đe dọa rằng một khi Washington đã không hài lòng với báo cáo về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq dự kiến được đệ trình lên HĐBA LHQ ngày 7/12/2002, thì Mỹ sẽ tấn công Iraq mà không cần cần LHQ cho phép.

Kết quả ông Hans Blix phải từ chức, rồi hoang tin chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được Mỹ trưng ra tại LHQ và một cuộc tấn công Iraq đã được Mỹ-Anh tiến hành. Nghĩa là UNMOVIC đã bị vô hiệu hóa.

Vì vậy, lời cáo buộc Nga làm xáo trộn hiện trường vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma là lời nhắc nhở của Washington tới các điều tra viên của OPCW đang đi tìm sự thật, nếu không muốn chịu chung số phận như UNMOVIC.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/muu-do-my-noi-nga-xoa-hien-truong-tan-cong-vkhh-3356576/