Mưu sinh dưới chân núi Đèn

Sáng sớm, khi những tia nắng len lỏi qua hàng dương, từ bãi Nò chạy dài đến bãi Sỏi nằm dưới chân núi Đèn, TP Hà Tiên (Kiên Giang) người dân tất bật vào cuộc mưu sinh của một ngày mới.

Cảnh nhộn nhịp dưới chân núi Đèn, dọc theo bãi Nò, bãi Sỏi vào buổi sáng.

Sóng biển vỗ mạnh vào bờ, va vào bãi đá tạo nên âm thanh xạc xào sống động. Dọc bãi đá ven biển nhiều phụ nữ tay cầm cây sắt dài chừng 30cm, một đầu bẻ cong, được mài nhọn bắt đầu vào việc quen thuộc hàng ngày - cạy hàu bám trên các ghềnh đá.

Vừa gõ thanh sắt vào mép miệng những con hàu cho tróc phần vỏ cứng để lấy thịt, bà Thị Nữ, ngụ phường Pháo Đài, TP Hà Tiên cho biết: “Khi nước ròng (thủy triều xuống), tôi bắt đầu đi cạy hàu. Hàu cạy được tôi bán cho các quán ăn gần nhà. Nếu khách đi chơi khu vực này hỏi mua tôi cũng bán. Nhà tôi nghèo, neo người, nhờ mấy con hàu này mà có tiền mua gạo, đồ ăn qua ngày”.

Theo những người làm nghề này, khi con nước ròng một người có thể cạy được từ 1,5-2kg hàu thịt, người cạy giỏi có thể cạy được nhiều hơn. Mỗi kg hàu thịt bán được từ 90.000 đến 120.000 đồng. Số tiền này đủ trang trải cuộc sống hàng ngày cho một gia đình và có ít tiền cho con, cháu ăn vặt.

Hàu bám trên những ghềnh đá lởm chởm, trơn trượt nên nghề cạy hàu không hề đơn giản. Nghề này đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một để tránh bị vỏ hàu cắt đứt tay chân và thịt hàu không bị nát.

Chị Đào Thị Mỹ Nhung, ngụ phường Pháo Đài, TP Hà Tiên chia sẻ: “Tôi theo chồng ra đây, đợi ảnh giăng lưới bắt cá. Thấy mọi người cạy hàu nên tôi cũng tập cạy theo. Lần đầu gặp khó nhưng tôi cố gắng cạy để bổ sung thêm vào bữa ăn gia đình. Thịt hàu này chiên bột ăn kèm rau sống, nấu cháo hay xào dưa leo đều ngon”.

Bà Thị Nữ và cuộc mưu sinh bằng công việc cạy hàu ở phố biển Hà Tiên.

Ở khu vực từ bãi Nò đến bãi Sỏi được xem như bãi ngư trường sống của người dân địa phương. Ngoài cạy hàu, chài, giăng lưới, những hộ có ghe nhỏ thì đi đánh lưới ghẹ, đặt lồng bắt cua đá… Tất cả tập trung về đây khiến không gian trở nên nhộn nhịp.

Cách đó không xa, anh Trương Văn Khánh, ngụ phường Pháo Đài, TP Hà Tiên xách lỉnh kỉnh ngư cụ và thành quả sau thời gian lênh đênh trên biển. Anh Trương Văn Khánh nói: “Tôi đi đặt lợp cua đá và lưới ghẹ gần 3 ngày 2 đêm mới vào bờ. Lần này trúng được ghẹ và cua đá nên tôi mừng khá vui”.

Theo anh Khánh, do ghe nhỏ nên anh và nhiều người trong xóm chỉ khai thác hải sản cách bờ chừng 4-5km. Sau khi ngư dân thả hết ngư cụ thì bồng bềnh canh thời gian đi thăm. Tối đến, ngư dân neo ghe khuất sau các hòn đảo để tránh gió. Cứ như vậy, đến khi cua, ghẹ nằm trên ghe kha khá ngư dân mới thu gom ngư cụ, hướng mũi ghe vào bờ.

"Ngủ trên biển không vui sướng gì, nhưng thời buổi giá cả mắc mỏ nên ngư dân buộc lòng, vì để tiết kiệm chi phí xăng, dầu", anh Khánh giải thích.

Cười thật tươi, anh Khánh nói tiếp: “Với số ghẹ, cua đá này, trừ chi phí cũng còn được vài triệu đồng. Nhưng tôi còn phải chia lại tiền công cho đứa em đi cùng. Nói chung nghề này kiếm ăn cũng hên xui chứ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Mùa gió, bão thì cực lắm”.

Dọc khu vực bãi Nò, bãi Sỏi thành chợ khi ghe của ngư dân vào bờ nhiều, các mối thu mua hải sản có mặt. Và phiên chợ nhanh chóng kết thúc khi những sản vật tươi ngon của biển từ ghe lên xe.

Người dân chài lưới dọc theo mé biển đầy đá dưới chân núi Đèn kiếm thêm ít tôm, cá về cho gia đình.

Những ngư dân sau vài ngày lênh đênh trên biển trở về nhà mang theo ít "lộc biển", đó cũng là niềm hy vọng lớn nhất của gia đình họ.

Thương lái nhanh chóng thu mua hải sản của ngư dân về bán lại cho nhà hàng phục vụ du khách hoặc gửi đi cho bạn hàng ở nơi khác.

Những ngư dân làm nghề lưới gỡ cá tạp bán cho những hộ nuôi cá lồng bè trên biển.

Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng những người dân sống dưới chân núi Đèn, TP. Hà Tiên vẫn luôn lạc quan, vui tươi, yêu đời và hăng say lao động.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/muu-sinh-duoi-chan-nui-den-12896.html