Mưu sinh trên đồi cát cháy

Trên những đồi cát hoang dã trữ tình ở miền biển Mũi Né (TP Phan Thiết) luôn hiện diện bóng hình của những người phụ nữ tần tảo với gánh hàng rong trĩu nặng và những bước chân trần nhỏ nhoi hằn sâu trên cát của đám trẻ con nhà nghèo ngày lại ngày tắm nắng gội gió, mưu sinh với nghề cho thuê máng trượt...

Nhọc nhằn đời cát Cuối tuần, chúng tôi đến Mũi Né xả stress. Điểm dừng chân đầu tiên của cuộc hành trình là khu Hòn Rơm, nơi có con suối Hồng thơ mộng được thiên nhiên kiến tạo bằng hiện tượng xâm thực với vô số thành quách, điện đài như chốn tiên cảnh. Cạnh bên suối Hồng là dãy đồi cát thoai thoải, nhấp nhô, nơi ngày lại ngày níu bao bước chân lãng du đắm mình với trò chơi trượt cát. Vừa bước chân xuống xe, như nhiều du khách khác, mọi người trong đoàn được những đứa trẻ từ 10 - 15 tuổi da đen nhẻm đón chào bằng những tiếng rao mời: "Ván trượt đây… Ván trượt đây… Trượt đã cả ngày, năm ngàn (5.000 đồng) một tấm". Chân trần, đầu trần giữa trời nắng như đổ lửa, với lời giới thiệu "con 12 tuổi, có thâm niên cho thuê ván trượt được 4 năm", thằng bé tên Minh đã gây ấn tượng với nhiều khách tham quan. Nghe vài người hỏi "Trượt cát thế nào đây?" thì nó đáp lời bằng pha trượt cát ngoạn mục. Nó cầm tấm ván trượt chạy ù lên ngọn đồi cao khoảng 20m rồi nằm sấp trên tấm ván lao thẳng xuống dưới với tốc độ chóng mặt. Sau màn biểu diễn ấy của thằng bé, nhiều du khách lập tức "xông trận"… Sau một hồi vui đùa, lúc ngồi nghỉ mệt, các vị khách đổ dồn thăm hỏi với đám trẻ đang mưu sinh trên đồi cát: "Con cho thuê ván trượt vầy lâu chưa? Ở đây có bao nhiêu đứa cho thuê ván trượt như con…?. Một ngày cháu kiếm được bao nhiêu tiền, công việc có vất vả lắm không? Em còn đi học chớ…?". Chừng như quá quen với những câu hỏi đại loại thế này nên bọn nhóc nhau nhảu trả lời. Đứa bảo: "Con làm được 3 năm rồi, làm phụ giúp ba mẹ cho đỡ cực", đứa trả lời: "Nhà con đông anh em, còn anh hai, học đến lớp 4 thì "hy sinh" làm kiếm tiền cho mấy đứa em đi học". Một thằng bé gầy đét tên Toàn vừa nói vừa cười: "Ở đây có nhiều đứa cho thuê ván trượt lắm, sao mà nhớ hết". Toàn cho biết ngày nào nắng to, khách ghé trượt cát đông thì nó kiếm được khoảng 4 - 5 chục ngàn, hôm nào mưa là "ăn cát" trừ cơm vì không có khách đi trượt cát. Thằng bé kết luận nghề cho thuê ván trượt bằng câu đúc kết già chát: "Nghề này cực lắm, nghèo khổ mới theo thôi chú ơi!". Cực vì phải suốt ngày phơi mình ngoài nắng! Cực vì nắng mưa thất thường đã làm cho đám trẻ liên tục đổ bệnh. Rồi những khi trời nổi gió cát quất rát vào mặt, cát chui vào mắt, xộc vào mũi vào miệng… như ăn cơm bữa. Gánh nặng áo cơm đã trói buộc khát vọng đến trường của nhiều trẻ em đồi cát. Chút tâm tình đời cát Theo anh Nguyễn Văn Tâm, nhân viên quản lý Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, khu vực đồi cát có khoảng 50 em nhỏ hành nghề cho thuê ván trượt và được cấp thẻ hành nghề hẳn hoi. "Cấp thẻ để dễ bề quản lý đó mà" - anh Tâm, cho biết: "Ngoại trừ một số em làm việc thời vụ, tranh thủ ngày nghỉ kiếm thêm, số còn còn đều chinh chiến với đồi cát quanh năm suốt tháng. Phần lớn các em đều là con nhà nghèo, việc học bữa đực bữa cái, có em lớn rồi mà chẳng biết đọc biết viết". Đang trò chuyện, thấy một đoàn khách ngoại quốc đang tiến vào trung tâm đồi cát, không bỏ lỡ cơ hội "làm ăn", đám trẻ cho thuê ván trượt lập tức túa đến mời chào bằng những câu tiếng Anh khá chuẩn. Hỏi: "Ai dạy mà nói hay quá vậy?" thì con bé tên thường gọi Bé Hai cười khì khì: "Dạ, tụi con học từ mấy anh chị thông dịch viên". Những vị khách nước ngoài lắc đầu, bọn trẻ tản ra. Không nài ép khách, không văng tục chửi thề, không lấy trộm đồ của khách, không nói 1 đòi 2, có tiếp xúc và mục kích hành trình mưu sinh của những đời cát mới thấy anh Tám khen đám nhóc là không quá lời. Anh trải lòng: "Cha đi biển, mẹ bán hàng rong cũng trên đồi cát này, tuy nghèo khổ nhưng được cái đứa nào cũng ngoan và được mẹ cha giáo dục lòng tự trọng rất nghiêm khắc. Có những khi khách làm rớt tiền, máy chụp ảnh, thậm chí bỏ quên cả túi xách với rất nhiều tiền tụi nhóc nhặt được là tìm trả cho khổ chủ ngay". Chiều chạng vạng, khách dần rời đồi cát. Trước khi uể oải dấn những bước chân nặng nề về với gia đình sau ngày dài bán mình trên đồi cát, thật xúc động khi thấy đám trẻ tùy thu nhập mà đứa góp 5.000 đồng, đứa 10.000 đồng đặng giúp cho thằng cu tên Khang vì bị cát bay vào mắt nhiễm trùng nay mai phải lên TP HCM phẫu thuật. Một hình ảnh đáng để nhiều người lớn đã và đang sống trong sự thờ ơ, có khi lạnh lùng đến vô cảm trước nỗi đau, sự bất hạnh của những người quanh mình, phải suy ngẫm! Rời Hòn Rơm, chúng tôi mang theo những gương mặt trẻ thơ sạm đen. Cả những nụ cười trong vắt, hồn nhiên của đám trẻ đồi cát!

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/3/128108.cand