Mưu sinh trong giá rét

Những ngày qua, Hà Nội trải qua đợt rét đậm. Nhiệt độ ngoài trời ban đêm hạ thấp đến 9 độ C. Bất chấp cái lạnh căm căm, những người lao động vẫn tất bật mưu sinh để lo cuộc sống đủ đầy cho người thân khi cái Tết đang cận kề.

Đây là đợt rét thứ hai trong mùa đông năm nay, kéo dài và giá buốt hơn nhiều so với đợt đầu. Khoảng 20 giờ, phố phường Hà Nội vắng vẻ khác thường. Các tuyến đường gần bến xe Mỹ Đình, người qua lại thưa thớt. Đối diện bến xe là hàng nước của hai bà cháu bé Trần Diệu Linh (5 tuổi). Bé Linh theo bà nội từ Hà Nam ra Thủ đô mưu sinh. Hai bà cháu hì hụi nhóm một đống lửa nhỏ để sưởi ấm. Bên cạnh cô bé là những chiếc ghế nhỏ vắng khách ngồi. Khuôn mặt và đôi bàn tay lem nhem vì nhọ, Linh vừa thổi phù phù đống lửa trước mặt vừa kể, bố em đang làm việc ở Hưng Yên, mẹ bé đi xuất khẩu lao động tại Trung Quốc. Hằng ngày, cô bé theo bà đi bán nước vỉa hè. Những ngày rét mướt, bà cháu Linh mua thêm ít ngô, khoai nướng bán cho khách, vừa ấm người, vừa có thêm thu nhập. “Hôm nay vắng khách, bà cháu tôi chỉ ngồi đây đến hơn 9 giờ tối rồi về”, bà nội bé Linh kể chuyện.

Dựng xe máy ngay cạnh quán nước của bà cháu bé Linh, kéo lại chiếc mũ gần như chỉ còn hở mỗi đôi mắt, anh Bàn Văn Thành, 34 tuổi, quê ở Tuyên Quang cho biết, nếu là ngày thường, rét mướt đến 9 độ C, phần lớn khách chọn phương tiện đi lại là ta-xi, ít người đi xe ôm. Tuy nhiên, vì những ngày qua, người dân về quê đông, nhu cầu đi lại rất lớn, cho nên cánh lái xe ôm như anh không sợ đói. “Mấy hôm cuối tuần không chỉ rét mà còn mưa lớn. Mình trùm kín người, mặc áo mưa chạy đường dài mà vẫn nghe răng va vào nhau. Mưa lớn, buốt thấu xương, những người cả ngày phơi lưng ngoài trời để mưu sinh như chúng tôi cực nhọc lắm”, anh Thành chia sẻ. Mỗi ngày, nếu chăm chỉ làm việc từ sáng đến khuya, người đàn ông này có thu nhập từ 400 nghìn đến 700 nghìn đồng. Trừ tiền ăn uống, thuê nhà trọ, phần lớn số tiền kiếm được, anh Thành đều dành dụm gửi về quê cho vợ để chăm lo hai cô con gái nhỏ đang tuổi ăn học.

Trên phố Đinh Tiên Hoàng lúc gần 1 giờ sáng những ngày đầu tiên của năm mới 2019, chị Thảo, công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài làm việc. Người phụ nữ cầm túi ni-lông mầu đen, cẩn thận nhặt từng chai nhựa, bìa các-tông bỏ vào. Những thứ rác thải được lọc riêng ra như vậy sẽ giúp chị có thêm chút thu nhập. Chị Thảo cho biết, gần sáng mới kết thúc ca làm việc. Đêm cuối năm 2018, tại khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm có rất đông thanh niên tập trung tham dự chương trình chào mừng năm mới. Vì vậy, lượng rác xả ra rất nhiều. “Tôi đã mặc áo giữ nhiệt bên trong rồi, nhưng nửa đêm, nhiệt độ xuống thấp vẫn thấy giá buốt lắm. Đặc thù công việc là vậy cho nên mình phải chấp nhận. Chỉ mong mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, để công việc của những công nhân như chúng tôi bớt phần khó nhọc”, chị Thảo nói.

Khi hầu hết mọi người say giấc, không gian chìm trong màn đêm tĩnh lặng thì cũng là lúc chợ Long Biên vào thời điểm hoạt động tấp nập nhất. Lẫn trong khu chợ đông đúc đó là bóng dáng của những người khuân vác. Họ là những người đàn ông, phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ và đôi bàn tay chai sần đang gồng mình lên kéo những xe hàng nặng trĩu để kiếm kế sinh nhai. Đang ngồi co ro trên chiếc xe kéo của mình ở góc chợ, hai tay chà vào nhau để tìm hơi ấm, đôi mắt bà Lài sáng hơn, tấm lưng như thẳng hẳn lên khi nghe có người gọi kéo hàng.

“Cứ có việc làm là có tiền, đêm hôm rét mướt, phải chui khỏi chăn để ra đây ai chả ngại. Nhưng nghề của chúng tôi mà ngại khó, ngại khổ chỉ có nước nhịn đói. Có người thuê chở hàng là mừng rồi, chứ rét mướt ngồi thu lu một chỗ, đã lạnh lại thêm rầu”, người phụ nữ vừa tất tả kéo xe hàng vừa nói.

Khắp phố phường Hà Nội, trong những ngày đầu tiên của năm 2019 có hàng trăm người đang miệt mài làm việc trong rét buốt. Cánh buôn hàng, những người khuân vác, những người lái xe hay công nhân trên công trường... ai cũng mũ, áo ấm kín mít. Dù có vất vả, nhọc nhằn nhưng họ xem đó là chuyện rất đỗi bình thường.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn trung ương, chỉ trong tháng 1-2019, miền bắc sẽ còn tiếp tục hứng chịu từ ba đến năm đợt rét đậm nữa. Và để mưu sinh, những đống lửa nhỏ của những người lao động ngoại tỉnh như bà cháu bé Diệu Linh sẽ lại tiếp tục cháy, để sưởi ấm họ trong những đêm đông xa nhà.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38787002-muu-sinh-trong-gia-ret.html