Mưu sinh với nghề 'muôn năm cũ'

Hàng chục năm về trước, nghề vá nhựa, rút căm xe rất phát triển tại TP.Biên Hòa do nhu cầu hàn, gắn đồ nhựa, sửa xe đạp, xe máy còn cao. Nghề này hiện đang bị mai một, ít người làm. Trên địa bàn TP.Biên Hòa chỉ còn khoảng 20 người làm nghề 'muôn năm cũ này' để mưu sinh. So với hơn 20 năm về trước thì đã có hàng trăm người bỏ nghề.

Nhóm thợ vá nhựa, bửng xe tập trung tại khu vực Cổng 2, đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đoàn Phú

Nhóm thợ vá nhựa, bửng xe tập trung tại khu vực Cổng 2, đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đoàn Phú

“Khi nào xã hội hết người nghèo; bửng xe bị hỏng, vành xe đạp, xe máy hư không cần sửa thì tôi mới bỏ nghề” - thợ vá nhựa Nguyễn Thành Hưng (đường Phan Đình Phùng, KP.2, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) vui vẻ nói.

* Bám phố thị mưu sinh

Chỗ vá nhựa của ông Hưng nằm ở một góc nhỏ trên đường Phan Đình Phùng tấp nập xe cộ qua lại. Ông Hưng cho biết, khách hàng của ông ngoài khu vực TP.Biên Hòa còn có thêm các xã vùng giáp ranh ở H.Vĩnh Cửu tìm tới. Ngoài vá bửng xe máy các loại, ông còn nhận hàn luôn đồ gia dụng bằng nhựa bị vỡ.

Học nghề từ một ông giáo nghèo, hành nghề vá nhựa từ năm 1990, nay tay nghề của ông Hưng được khách hàng đánh giá cao về độ khéo léo, tỉ mỉ. Ông có thể hàn gắn tất cả những đồ bằng nhựa vỡ lành lặn trở lại gần như mới chỉ bằng chiếc mỏ hàn điện và mảnh vụn nhựa theo kiểu “da thịt” nó đắp cho nó. Tuy vậy, sản phẩm được ông hàn vá vẫn để lại vết sẹo to nhỏ và nó chỉ biến mất khi phun lên những lớp sơn mới. Chính vì vậy, công việc vá nhựa của ông Hưng có mối liên kết mật thiết với người thợ sơn, sửa xe máy.

“Ngoài khách hàng vãng lai, mối hàng của tôi chủ yếu do các thợ sơn, sửa xe máy mang lại. Do đó, tùy vào loại xe đời mới hay đời cũ, sự vỡ nứt các bửng nhựa nhiều hay ít mà tôi lấy giá từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng/bộ” - ông Hưng nói.

Thợ vá nhựa Nguyễn Thành Hưng (đường Phan Đình Phùng, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đang hàn bửng xe cho khách. Ảnh: Đoàn Phú

Trên đường Phan Đình Phùng hiện chỉ còn 3 người thợ hàn nhựa, bửng xe máy: Nguyễn Thành Hưng, Trần Đức Nhã, Võ Văn Viêm hành nghề. Ông Nhã cho biết, trước kia 3 người cùng thuê mặt bằng nhưng mối của ai người ấy nhận. Sau này, ông Hưng tìm được chỗ mới (cách chỗ cũ 10m) không tốn tiền thuê nên giờ chỉ còn ông Nhã và ông Viêm (cậu ruột của ông Nhã) chia nhau trả phần tiền thuê mặt bằng để bám trụ. Thời xe máy nội địa có giá trị vài cây vàng, công việc của các ông thu nhập rất khá, còn dư dả chút đỉnh, còn hiện nay thì chỉ đủ chi phí sinh hoạt hằng tháng.

“Cha tôi là người chuyên vá đồ nhựa: dép, vật dụng gia đình, bửng xe. Tôi theo cha học và làm nghề từ năm 13 tuổi. Lúc đó, có rất nhiều người xin học nghề và đi khắp nơi hành nghề. Nay chỉ có người bỏ nghề chứ không ai thèm học cái nghề này nữa” - ông Nhã tâm sự.

* Tử tế với nghề

Đường Hưng Đạo Vương (KP.4, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) rợp bóng cây xanh, ông giáo Nguyễn Văn Thái (59 tuổi) sau cuốc xe ôm, bình yên ngồi rút căm những vành xe đạp cho những cô cậu học trò nhỏ. Ông giáo Thái hiền hậu sau cặp kính tâm tư, ông làm công việc này không chỉ kiếm tiền mưu cầu cuộc sống mà còn muốn gửi một chút tình đến các trò nhỏ bằng những vòng xe đạp êm ái tới trường.

Sau khi rút căm xe xong, ông Nguyễn Văn Thái (trái) đề nghị khách hàng kiểm tra lại xem có vừa ý hay không. Ảnh: Đoàn Phú

Vì hoàn cảnh gia đình, ông rời bục giảng từ năm 2000 và chọn cho mình một ngã rẽ mới là sửa xe đạp để mưu sinh. Đồng nghiệp tỏ ra tiếc nuối thay ông nhưng ông điềm nhiên chia sẻ, nghề chọn người, nghề nào cũng cao quý nếu biết yêu và sống chân chính bằng sức lao động của mình thì mỗi ngày đều là một niềm vui. Chính vì vậy, khi nghề sửa xe đạp không còn thịnh hành thì ông kiêm thêm công việc chạy xe ôm. Dù vậy, tay nghề rút căm xe của ông luôn được đánh giá là “chuẩn”.

“Bánh xe bị méo mó không tròn thì người đạp xe có cảm giác rất khó chịu. Vì vậy phải tỉ mỉ vặn chỉnh lại từng cây căm xe cho đều. Với các em học sinh, người lao động cảm giác bánh xe đi êm không căng là được nhưng với người chơi xe đạp thể thao thì phải canh chuẩn cho họ. Với tôi khách hàng nào cũng cần phải được đối xử công bằng, đạt độ chuẩn, chính xác như nhau” - ông Thái nói.

Thợ rút căm Nguyễn Trần Hùng (đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa) tỉ mỉ cân vành xe cho khách. Ảnh: Đoàn Phú

Chờ đoàn tàu lửa đi qua và mở gác chắn, ông Tám Sang mới thủng thẳng dắt xe đạp tới tiệm của ông Nguyễn Trần Hùng (đường Phạm Văn Thuận, đối diện Sở KH-CN) rút căm bánh xe sau vừa bị một người đi xe máy tông phải khi ông đang đạp xe thể dục. Ông Tám Sang kể với ông Hùng, người đụng trúng ông rất tử tế khi đưa tiền cho ông sửa xe và còn dặn ông tới đây để rút căm xe.

Bám cây da cổ thụ gần đường ray xe lửa 37 năm hành nghề rút căm xe đạp, xe máy, ông Hùng chứng kiến rất nhiều câu chuyện tử tế và không tử tế của những người đi xe đạp, xe máy va chạm nhau. “Thương lắm cảnh những em học sinh, người lao động khi xe bị cong vành không đi được, túi lại không có tiền nên không dám dắt vào sửa. Trường hợp họ kẹt thì tôi cho nợ, còn khó quá thì tôi sửa không lấy tiền” - ông Hùng bộc bạch.

“Cái nghề này nhìn qua ai cũng tưởng sẽ làm được ngay. Nhưng thú thật, nếu thiếu sự tỉ mỉ, kiên trì và hoa tay thì khó thành nghề. Bởi vì không khách hàng nào chịu bỏ tiền ra để gắn thêm cục nhựa thừa nơi mảnh vỡ của bửng xe và chiếc xe chạy lúc nào cũng phát ra tiếng kêu lục cục” - thợ vá nhựa Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202104/muu-sinh-voi-nghe-muon-nam-cu-3051412/