MWG tham vọng dẫn đầu thị trường TMĐT: 'Miếng bánh ngọt' có dễ ăn?

Một trong những định hướng chủ lực của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) trong năm 2024 là phát triển mảng thương mại điện tử, đưa các trang bán hàng online của chuỗi lên vị trí số 1.

Tại Đại hội cổ đông 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) Nguyễn Đức Tài nhận định, thương mại điện tử là một xu hướng không thể đảo ngược. “Sắp tới mảng điện máy, di động của MWG sẽ có một cánh quân mới, độc lập tác chiến trong lĩnh vực thương mại điện tử”, ông khẳng định.

Theo kế hoạch đề ra, MWG đặt mục tiêu kênh bán hàng online sẽ đóng góp 5 – 30% (tùy theo từng ngành hàng) vào doanh thu năm 2024 của công ty. Trong đó, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ tiếp tục là hai chuỗi chính trong kế hoạch này. Ngoài ra, một chuỗi khác là AvaKids cũng được MWG đặt mục tiêu trở thành “trang mua sắm online số 1” của đối tượng khách hàng là mẹ bỉm sửa.

Chuỗi Bách Hóa Xanh cũng không nằm ngoài chiến lược này khi MWG tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa tham vọng đưa trang bán hàng online của chuỗi lên vị trí số 1.

MWG đủ tự tin?

Tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài được đưa ra trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão và cuộc cạnh tranh giành thị phần đang nóng hơn bao giờ hết. Vậy MWG lấy đâu ra tự tin để có thể hoàn thành kế hoạch về thương mại điện tử đã đề ra?

Đầu tiên, MWG đã vận hành kênh bán hàng online từ rất sớm và gặt hái được nhiều thành công nhất định. Theo báo cáo tài chính năm 2023, kênh bán hàng online đóng góp 16.899 tỷ đồng, tương đương 14% vào tổng doanh thu của MWG.

Cụ thể hơn, doanh thu online của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương 19% tổng doanh thu của hai chuỗi. Đáng nói, nếu xét về doanh thu và số lượng đơn hàng thiết bị di động – điện máy trên nền tảng online, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đều đang giữ vững vị thế số 1, CEO Đoàn Văn Hiểu Em nói.

Đối với Bách Hóa Xanh, kênh online của chuỗi phục vụ hơn 2,6 triệu lượt giao dịch, đóng góp 3%, tương đương 900 tỷ đồng, vào tổng doanh thu của chuỗi. Doanh thu online của AVAKids đóng góp tới 30% doanh thu của chuỗi.

Bên cạnh đó, theo lời của CEO Đoàn Văn Hiểu Em, MWG đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp lớn. Từ đó, kênh online của MWG được kỳ vọng sẽ được hậu thuẫn về giá cũng như danh mục hàng hóa đa dạng.

MWG còn sở hữu hệ thống chuỗi cửa hàng rộng khắp, hệ thống kho bãi. Những yếu tố này đều sẽ trở trợ lực cho dịch vụ giao nhận, lắp đặt và chăm sóc khách hàng của MWG trở nên nổi trội hơn so với các đối thủ khác trên thị trường thương mại điện tử.

Trước đó, từ cuối quý IV/2023, MWG cũng đã tiến hành tái cấu trúc khi đóng cửa hơn 200 cửa hàng vật lý. Trong năm nay, MWG vẫn tiếp tục đóng thêm các cửa hàng vật lý với tiêu chí “dẹp bỏ những thứ không mang lại hiệu quả”.

Với kế hoạch cắt giảm những mảng kinh doanh không hiệu quả, MWG hứa hẹn sẽ có thêm nguồn lực cho những chiến lược kinh doanh chủ chốt của mình trong năm 2024, trong đó chắc chắn có phát triển kênh online.

Có dễ “mang tiền về cho mẹ”?

Phải thừa nhận rằng MWG đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kênh online của mình. Tuy vậy, trong cuộc chiến khốc liệt của thương mại điện tử, kênh online của MWG có thể tiếp tục “mang tiền về cho mẹ” hay không là điều khó có thể nói trước.

Theo thống kê của Statista, tại Việt Nam, hình thức thương mại điện tử B2C (mô hình người bán kết nối với người mua thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc các website bán hàng, mạng xã hội) tăng từ 8 tỷ USD vào năm 2018 lên 20,5 tỷ USD trong năm 2023. Tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử B2C cũng chiếm tới 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Với sự phát triển rầm rộ của các nền tảng thương mại điện tử trên, kênh online của MWG chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình cạnh tranh. Trên thực tế, trong khi doanh thu online của MWG trong năm 2023 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước thì ngành hàng điện tử trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tảng TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki,...).

Doanh thu ngành hàng Điện thoại & Máy tính bảng trên các nền tảng thương mại điện tử tăng từ mức chưa đến 10.000 tỷ đồng lên gần 14.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 – 2023. Con số này chỉ thấp hơn khoảng 2.000 tỷ đồng so với doanh thu online của MWG.

Bên cạnh đó, chiến lược cạnh tranh về giá có thể giúp doanh nghiệp giành thêm thị phần nhưng ở chiều ngược lại, điều này cũng sẽ ăn mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Không đâu xa, trong năm 2023, MWG đã “khơi mào” chiến dịch giá rẻ trong ngành bán lẻ điện tử - điện lạnh. Điều này đã góp phần khiến doanh thu của MWG giảm tới 96% lợi nhuận sau thuế.

Hay như đối thủ của MWG là Shopee cũng đã chấp nhận rơi vào tình trạng “trắng doanh thu” từ năm 2016 khi thực hiện hàng loạt chiến dịch ưu đãi, giảm giá. Mãi đến năm 2022, doanh nghiệp này mới bắt đầu có lãi.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mwg-tham-vong-dan-dau-thi-truong-tmdt-mieng-banh-ngot-co-de-an-d111017.html