Mỳ ăn liền 'cháy hàng', trứng gia cầm tăng mạnh trong mùa dịch

Sau 4 ngày thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, thị trường hàng hóa, lương thực, thực phẩm bắt đầu ổn định trở lại. Giá nhiều mặt hàng rau xanh, có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, trứng lại là mặt hàng tăng giá chóng mặt.

Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường vào chiều 21/7, trong giai đoạn giãn cách xã hội, mỳ ăn liền và trứng gia cầm là 2 mặt hàng bán chạy nhất.

Ông Trần Văn Dũng, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Mỳ ăn liền tại một số địa phương tạm hết hàng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng.

Trứng gia cầm tăng mạnh ở nhiều địa phương.

Trong khi đó, trứng vịt tại một số địa phương không đủ cung ứng cho người tiêu dùng, do địa phương chờ nguồn cung ứng ngoài tỉnh trên địa bàn tỉnh, theo thông tin của các cơ sở sẽ cung ứng hàng kịp thời nhu cầu người dân trong khoảng 2 đến 3 ngày tới.

Đối với các loại vật tư, trang thiết bị y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… nguồn cung và giá cả ổn định, không có biến động.

Về thị trường hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại các địa phương có diễn biễn khác nhau. Đơn cử, tại Bình Thuận, người dân tại các huyện, thành phố (trừ thị xã La Gi) tiếp tục tăng mua tích trữ hàng hóa thiết yếu, sức mua vẫn còn cao.

So với đầu tháng 7/2021, giá nhiều mặt hàng tại Bình Thuận tăng rất mạnh. Cụ thể, thịt heo, thịt bò tăng 7-12%; gà công nghiệp tăng 11%; gà ta tăng 17%; cá lóc, cá điêu hồng tăng 8%; trứng tăng 43-80%; rau củ quả tăng 50%; chanh, sả, gừng tăng 50%).

Riêng mặt hàng trứng gà, trứng vịt tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh thuộc các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, thị xã La Gi và tại các chợ Huy Khiêm, Đức Phú thuộc huyện Tánh Linh không đủ cung ứng trong ngày.

Tại tỉnh Long An, sức mua tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị giảm, nguồn thực phẩm tươi sống đáp ứng như cầu tiêu dùng, giá có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, các loại hàng hóa đóng gói (mì gói, cháo, cá hộp…), có dấu hiệu khan hiếm tại tất các các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Tại Tiền Giang, giá cả một số mặt hàng tương đối ổn định, một số mặt hàng giảm so với ngày hôm trước như: rau, củ, quả giảm 1,7%; mặt hàng mì ăn liền tăng 3,8%; mặt hàng gạo tăng 1,7%; mặt hàng cá, tôm các loại giảm 5%; mặt hàng trứng tăng 7%, mặt hàng khẩu trang tăng 7,8%.

Tại tỉnh An Giang, nhìn chung, tình hình trao đổi hàng hóa trên địa bàn diễn ra ổn định với sức mua không tăng so với hôm qua, hiện tại một số nơi trên địa bàn áp dụng phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình, vì vậy lượng người tập trung tại chợ cũng rất hạn chế.

Hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch có nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Siêu thị thực hiện đóng gói sẵn các sản phẩm theo dạng kg để tiết kiệm thời gian mua sắm, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho Khách hàng.

Tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung ứng hàng hóa, thực phẩm tươi sống rau, củ, quả, trứng, thịt, cá,... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, nguồn hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng.

Trong đó, rau, củ, quả tăng dao động từ 5.000 đ/kg đến 10.000 đ/kg tùy loại, bằng 25% đến 40%; giá cả mặt hàng thịt lợn giảm nhẹ dao động từ 15% đến 30% so với ngày 1/7.

Tại các tỉnh, thành phố khác, tình hình thị trường hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, người đi mua hàng giảm do đã mua dự trữ trước đó, lo ngại dịch bệnh nên hạn chế đi mua hàng, một số địa phương phát phiếu đi chợ để hạn chế người dân ra đường.

Giá hàng rau củ quả, thịt, cá tăng hoặc giảm nhẹ. Nhiều mặt hàng giảm so với những ngày trước. Các địa phương chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.Mặt hàng trứng gà, trứng vịt nhiều nơi vẫn thiếu hàng, giá tăng cao.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-an-lien-chay-hang-trung-gia-cam-tang-manh-trong-mua-dich-post145805.html