Mỹ, Anh Pháp tấn công Syria - Phản ứng của thế giới

Sáng 14-4, theo giờ Việt Nam, quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã đồng loạt tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhằm vào các mục tiêu tại Syria để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Đông Ghouta.

Liên hợp quốc kêu gọi các bên kiềm chế

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các bên “kiềm chế trong bối cảnh đầy nguy hiểm”. Ông Guterres cũng thúc giục các quốc gia có liên quan cần tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và gây thương vong cho người dân Syria.

“Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng đoàn kết và thực hiện trách nhiệm này”, ông Guterres nói.

3 dân thường bị thương

Kênh truyền hình nhà nước Syria đưa tin, có 3 người đã bị thương trong các cuộc không kích do liên quân Mỹ, Anh, Pháp tiến hành tại thành phố Homs, Syria. Các mục tiêu bị tấn công bao gồm 2 trung tâm nghiên cứu khoa học ở Damascus, 1 trung tâm nghiên cứu ở Homs và 5 căn cứ quân sự của quân đội Syria.

“Có một vài tên lửa đã bị đánh chặn và đổi hướng, vì thế, chúng đã làm một số người dân bị thương”, kênh truyền hình nhà nước Syria cho hay.

Các khu vực phòng không của Nga an toàn

Không có tên lửa nào do Mỹ và các đồng minh bắn ra chạm tới các khu vực phòng không của Nga - được thiết lập để bảo vệ các cơ sở ở Tartus và Khmeimim - Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Các chiến cơ và tàu chiến của Không quân Mỹ cùng các đồng minh Pháp, Anh "đã phóng tên lửa vào các cơ sở dân sự và quân sự" ở Syria vào sáng sớm ngày thứ Bảy, 14-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.

Moscow đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công trên.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Damascus đã bị tấn công vào lúc Syria đang trở lại cuộc sống yên bình. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Một cuộc tấn công đã được tiến hành tại thủ đô của một quốc gia có chủ quyền, vốn nhiều năm nay đang cố gắng hồi sinh dưới sự đe dọa của khủng bố".

Vụ nổ ở ngoại ô Damascus sau cuộc tấn công của phương Tây

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi giảm thiểu gây thương vong cho dân thường

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi quân đội Mỹ và các đồng minh cần hạn chế tối thiểu gây thương vong cho dân thường trong tất cả các cuộc không kích ở Syria.

“Người dân Syria đã phải hứng chịu 6 năm xung đột với sức tàn phá nặng nề. Bất kỳ hành động quân sự nào cũng cần phải thận trọng để giảm thiểu tổn thương cho con người. Những người dân vốn đang sống trong sợ hãi khi mạng sống của họ bị đe dọa không thể là đối tượng bị trừng phạt do các cáo buộc nhằm vào chính phủ Syria”, thông cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế nhấn mạnh.

Trước đó, tổ chức Ân xá Quốc tế là 1 trong 45 tổ chức phi chính phủ cùng ký thông cáo chung, thúc giục Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Bầu trời Damascus sáng rực vì các vụ nổ:

Tên lửa Mỹ tấn công mục tiêu ở Damascus. Video: Twitter.

Phản ứng của các Thượng nghị sỹ Mỹ

Theo CNN, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump cần thận trọng để tránh gây ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở Syria. “Việc tiến hành các động thái có trọng tâm và giới hạn nhằm trừng phạt và ngăn chặn chính quyền Assad tái diễn việc sử dụng vũ khí hóa học là phù hợp, nhưng chính quyền cần thận trọng để không bị sa lầy vào một cuộc chiến lớn hơn tại Syria”, ông Schumer nhận định.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer

Thượng nghị sỹ John McCain hoan nghênh quyết định không kích Syria của Tổng thống Trump nhằm đáp trả cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông McCain cũng kêu gọi Tổng thống cần có một “chiến lược toàn diện” cả ở Syria và Trung Đông.

Giới chức Mỹ: “Kết thúc làn sóng không kích”

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (trái) và ông Dunford phát biểu tại Lầu Năm Góc sau cuộc không kích Syria.

Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết, các cuộc không kích đã kết thúc. “Làn sóng không kích đã kết thúc và đó là lí do vì sao chúng tôi ở đây để nói cho các bạn biết”, ông phát biểu.

Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ làm rõ rằng, đây là một chiến dịch kéo dài và các cuộc không kích chỉ chính thức kết thúc khi chính quyền Syria dừng sử dụng vũ khí hóa học.

Những hình ảnh đầu tiên về cuộc không kích của Mỹ và đồng minh tại Syria

Ảnh cắt từ video chụp dải sáng trên bầu trời Damascus, Syria.

Vụ nổ tại Homs

Mỹ “đặc biệt xác định” mục tiêu tránh nhắm vào các lực lượng của Nga

Theo ông Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nước này “đặc biệt xác định” các mục tiêu để “giảm thiểu rủi ro các lực lượng của Nga bị liên quan”.

Ông Dunford cũng cho biết, một đường dây liên lạc tránh xung đột đã được sử dụng trước cuộc tấn công nhằm giải phóng không phận ở khu vực.

Syria tuyên bố đã chặn cuộc tấn công ở Homs

Truyền hình nhà nước Syria tuyên bố các tên lửa tấn công thành phố Homs đã bị đánh chặn và không gây thiệt hại nào.

Nga: Mỹ đang vi phạm quy tắc quốc tế

Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Alexander Sherin cho biết, việc Mỹ triển khai các cuộc tấn công tại Syria đã vi phạm mọi quy tắc quốc tế và Nga coi đây là hành động gây hấn.

Trong khi đó, ông Yuri Shvytkin, Phó Chủ tịch khác của Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga cảnh báo, cuộc tấn công tại Syria là một hành động thiếu suy nghĩ, kích động và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Facebook, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cáo buộc phương Tây đã dựng nên kịch bản vụ tấn công hóa học để lấy cớ tấn công Syria, đồng thời cảnh báo Washington, London và Paris sẽ phải gánh chịu hậu quả về cuộc tấn công này.

4 tiêm kích RAF Tornado đã được điều động tham chiến

Bộ Quốc phòng Anh (MOD) xác nhận 4 tiêm kích RAF Tornado đã được điều động tham chiến, nhằm mục tiêu vào một căn cứ quân sự của Syria.

Tiêm kích RAF Tornado. Ảnh: PA

Dẫn tuyên bố từ MOD, Reuters cho biết, địa điểm kể trên từng là căn cứ tên lửa, được cho là nơi chính phủ Syria “giữ những tiền thân của vũ khí hóa học”, điều cho thấy Damascus đã vi phạm Công ước Vũ khí hóa học (CWC) mà nước này tham gia từ năm 2013.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, cộng đồng quốc tế đã đáp trả quyết đoán với lực lượng quân sự hợp pháp và tương xứng, đồng thời nhấn mạnh những hành động quân sự vừa qua là thông điệp rõ ràng rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được và các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.

Anh khẳng định đã cân nhắc kỹ trước khi ra lệnh cho không quân tấn công

“Đây không phải là vấn đề can thiệp một cuộc nội chiến hay thay đổi chế độ mà là một cuộc tấn công có hạn chế, không làm tăng căng thẳng khu vực và ngăn thương vong thường dân nhiều nhất có thể”, Thủ tướng Theresa May tuyên bố.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu chính phủ Anh cũng khẳng định đã cân nhắc kỹ trước khi ra lệnh cho không quân tấn công. Trên cương vị Thủ tướng, đây là lần đầu tiên bà May đưa ra quyết định điều động quân đội tham chiến.

Theo Reuters, việc Anh tấn công Syria còn là thông điệp cảnh báo bất kỳ ai sử dụng vũ khí hóa học. Anh đã cáo buộc Nga đứng sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh hồi tháng trước. Moscow đã lên tiếng bác bỏ, yêu cầu bằng chứng xác thực về vụ việc.

Mỹ tăng gấp đôi số lượng vũ khí so với năm ngoái

CNN dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết, ít nhất 1 tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ đã tham gia vào cuộc tấn công Syria. Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 cũng đã được điều động.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, số lượng vũ khí Mỹ sử dụng trong cuộc tấn công hôm nay ở Syria nhiều gấp đôi so với cuộc tấn công hồi năm ngoái. Cách đây 1 năm, Mỹ đã phóng 59 tên lửa hành trình từ hai tàu khu trục ngoài khơi Syria nhằm vào lực lượng quân chính phủ nước này.

Tên lửa của liên quân rực sáng trên bầu trời Syria.

Syria tuyên bố sẽ phòng vệ tới cùng

Kênh truyền hình nhà nước Syria tuyên bố quân đội nước này đã đối phó với các đợt tấn công của liên quân Mỹ, Pháp, Anh và sẽ phòng vệ đến cùng.

Trước khi cuộc tấn công này xảy ra, cơ quan giám sát nhân quyền Syria cho hay, các lực lượng thân chính phủ đã tiến hành sơ tán các sân bay lớn và căn cứ quân sự chủ chốt. Một số tòa nhà của quân đội Syria tại thủ đô Damascus đã bị bỏ trống do chính quyền lo ngại, đây có thể là những mục tiêu bị không kích. Nhiều máy bay quân sự của Syria đã được chuyển tới căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở khu vực ven biển Địa Trung Hải.

Tuyên bố của Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, cuộc tấn công sẽ cản trở hoạt động của các cơ sở vũ khí hóa học của Syria.

“Chúng ta không thể để tái diễn tình trạng sử dụng vũ khí hóa học, đây là một mối nguy hiểm thực sự đối với người dân Syria và tình hình an ninh nói chung”, thông cáo từ văn phòng Tổng thống Pháp khẳng định.

Mỹ cùng các đồng minh cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar Assad đứng đằng sau vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, phía Đông Ghouta ngày 7-4 khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Trước khi cuộc không kích xảy ra, Washington đã nhiều lần để ngỏ khả năng sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả vụ tấn công này. Anh và Pháp cũng khẳng định sẽ ủng hộ các biện pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Mỹ và các đồng minh đã gửi thông điệp rõ ràng tới Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có bài phát biểu tại Lầu Năm Góc sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố khởi động các cuộc tấn công chính xác nhằm vào Syria.

Ông Mattis cho biết, Tổng thống Trump đã ra lệnh quân đội Mỹ tiến hành các chiến dịch với mục tiêu phá hủy các mục tiêu được cho là cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí hóa học của Syria.

Ông cũng cho biết thêm: “Rõ ràng là chính quyền Tổng thống Assad không quan tâm tới thông điệp hồi năm ngoái. Lần này, Mỹ và các đồng minh đã tấn công mạnh mẽ hơn”. Ông nhấn mạnh rằng, chính quyền Tổng thống Assad không được phép thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ bằng vũ khí hóa học nào nữa và nếu điều này xảy ra, Syria sẽ phải chịu trách nhiệm.

6 vụ nổ lớn ở thủ đô Damascus

Ít nhất 6 vụ nổ lớn đã xảy ra tại thủ đô Damascus (Syria) sau khi liên quân bắt đầu các cuộc tấn công. Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhân chứng cho biết, nhiều cột khói lớn đã bốc lên từ hiện trường các vụ nổ.

Quận Barzah ở thủ đô Damascus là một trong những mục tiêu bị tấn công. Đây là nơi đặt trụ sở của một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất của Syria. Theo cơ quan giám sát nhân quyền Syria, một số căn cứ quân sự của Syria cũng đã bị tấn công.

Khói bốc lên từ một vụ nổ ở Damascus.

Trong một bài phát biểu trên kênh tuyên truyền từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ và các đồng minh có ý định "duy trì sự đáp trả này cho đến khi chính phủ Syria dừng sử dụng vũ khí hóa học". Ông Trump cũng cho biết cuộc tấn công sẽ diễn ra nhắm chính xác vào các mục tiêu liên quan đến cơ sở vũ khí hóa học tại Syria.

Các vụ nổ được báo cáo đã xảy ra tại Damascus ngay sau khi ông Trump kết thúc bài phát biểu kéo dài khoảng 7 phút. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, cuộc tấn công tên lửa của Mỹ diễn ra sau khi chính quyền Syria được cho là không dừng lại việc sử dụng vũ khí hóa học kể từ vụ tấn công bằng khí gas độc hồi năm ngoái.

Tại London, Thủ tướng Theresa May đã ra tuyên bố Anh tham gia không kích Syria. Bộ Quốc phòng Anh thông báo, 4 máy bay Tornado của không lực hoàng gia nước này đã tham gia cuộc không kích tại Syria.

Trong khi đó, truyền hình nhà nước của Syria đưa tin, đã có những báo cáo về hành động tấn công dữ dội nhắm vào trung tâm nghiên cứu ở khu vực Barzeh của thành phố Damascus. Hãng thông tấn Syria SANA tuyên bố, quân đội nước này bắn rơi ít nhất 13 tên lửa hành trình ở vùng al-Kaswa, ngoại ô thủ đô Damascus. Hãng tin al-Mayadin khẳng định, Mỹ đã phóng hàng chục quả đạn mồi, nhưng bị phòng không Syria phát hiện.

Tổng thống Donald Trump đêm ngày 13-4 (giờ địa phương) ra lệnh tấn công một loạt cơ sở được cho là chứa vũ khí hóa học của chính phủ Syria. Thủ tướng Anh Theresa May cũng thông báo không quân nhận lệnh tấn công Syria nhằm làm suy yếu khả năng vũ khí hóa học của quốc gia này.

Thủ đô Damascus rung chuyển trong đêm bởi nhiều tiếng nổ. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ tuyên bố, chiến dịch quân sự phối hợp giữa Mỹ - Anh và Pháp đã được tiến hành nhằm mục đích đáp trả, buộc Syria phải ngừng sử dụng vũ khí hóa học. Chiến dịch được liên quân 3 nước thực hiện sau khi Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công thành phố Douma cuối tuần trước, khiến ít nhất 70 người, chủ yếu là thường dân, thiệt mạng.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/898939/my-anh-phap-tan-cong-syria---phan-ung-cua-the-gioi