Mỹ áp thuế cao, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói gì?

Theo phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại khu vực ĐBSCL, với mức thuế cao phi lý từ 3,84-7,74 USD (hơn cả giá bán) như hiện nay thì doanh nghiệp không thể xuất hàng vào thị trường này.

Ông Võ Đông Đức - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex)

Ông Võ Đông Đức - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex)

Chỉ còn 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ

Theo ông Võ Đông Đức - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), rạng sáng 15/3 theo giờ Mỹ, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo về quyết định cuối cùng của thuế chống bán phá giá cá tra phi lê nhập khẩu từ Việt Nam, giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016. Theo quyết định này thì chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất bằng 0 và Công ty cổ phần Thủy sản Biển Đông là 19 cent/kg.

9 doanh nghiệp khác tuy nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt nhưng cũng phải chịu mức thuế 3,87 USD/kg, các doanh nghiệp còn lại phải chịu mức thuế chống phá giá lên đến 7,74 USD/kg. Với mức thuế như trên hiện tại chỉ còn 2 doanh nghiệp là Vĩnh Hoàn và Biển Đông xuất khẩu được sang thị trường này, còn lại phải tìm đường chuyển hướng sang thị trường khác.

Ông Ngô Quang Trường - Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Biển Đông

Thị trường Hoa Kỳ vẫn là lựa chọn hàng đầu

Ông Ngô Quang Trường - Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Biển Đông: Hiện giá bán cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 1,9USD/1pound, tương đương hơn 4 USD/kg, đây là mức giá tốt nhất trong các thị trường. Năm 2017, Mỹ bắt áp dụng đạo luật Farm bill nên xuất khẩu vào thị trường này có sụt giảm nhưng vẫn là thị trường lớn.

Với việc phía Mỹ thực thi chương trình thanh tra cá da trơn để tiến tới công nhận tương đương với quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ cho cá tra Việt Nam. Theo như chúng tôi được biết phía FSIS (Cục Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã chấp thuận Việt Nam là một trong 3 quốc gia hoàn thành bước kiểm tra hồ sơ SRT và đang chuẩn bị sang kiểm tra thực địa nơi sản xuất. Nếu sản phẩm cá tra được công nhận tương đương thì đây là cơ hội rất lớn bởi vị thế của con cá tra được nâng lên có nhiều cơ hội để thâm nhập thêm các thị trường khác.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA)

Hoa Kỳ bảo hộ quá mức cho sản xuất trong nước

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA): Việc Mỹ không sử dụng số liệu nước thứ 3 như Bangladesh, Indonesia mà dùng số liệu có sẵn (AFA) để tính mức áp thuế cho cá tra Việt Nam trong đợt POR 13 là sự bảo hộ quá mức.

VINAPA khẳng định, việc giá xuất khẩu cá tra thấp là do các doanh nghiệp Việt đã thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm và có giá cả rất cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.

VINAPA cùng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã có kiến nghị đến Bộ công thương về việc hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Huỳnh Khởi

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/my-ap-thue-cao-doanh-nghiep-xuat-khau-ca-tra-noi-gi-126459.html