Mỹ áp thuế hơn 400% với thép Việt: Không quá lo ngại?

Ông Nguyễn Văn Sưa - cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, Mỹ nghi ngờ việc thép Trung Quốc mượn đường Việt Nam để vào Mỹ nên muốn đánh triệt để các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, kể cả việc mở rộng ra các nước/vùng lãnh thổ như Đài Loan hay Hàn Quốc, còn với sản phẩm 100% Việt Nam thì Mỹ sẽ chưa áp thuế.

Mỹ áp thuế lên thép Việt có lõi Đài Loan, Hàn Quốc - Ảnh: minh họa

Mỹ áp thuế lên thép Việt có lõi Đài Loan, Hàn Quốc - Ảnh: minh họa

Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 456% đối với một số mặt hàng thép được sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng lớp lõi của Hàn Quốc và Đài Loan để xuất khẩu sang Mỹ. Hai mặt hàng bị đánh thuế là thép chống gỉ và thép cán nguội.

Bộ Thương mại Mỹ nói rằng cơ quan này đã phát hiện thấy các sản phẩm thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cán nguội (corrosion-resistant steel) sản xuất ở Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Hàn Quốc hoặc Đài Loan đã né tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ.

Thuế Mỹ áp lên các sản phẩm thép trên từ Hàn Quốc và Đài Loan có hiệu lực từ tháng 12.2015 và tháng 2.2016. Từ các mốc thời gian này đến hết tháng 4.2019, lượng xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng tương ứng 332% và 916% so với cùng kỳ trước đó - theo tuyên bố.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết cuộc điều tra đã được cơ quan này thực thi theo đề nghị của các công ty thép ở Mỹ gồm ArcelorMittal, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, Califronia Steel Industries, và AK Steel.

Quyết định áp thuế của Mỹ đã dấy lên một số nghi ngại đối với sản xuất thép trong nước.

Ông Nguyễn Văn Sưa, cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói, việc đánh thuế tương tự đã từng được Mỹ thực hiện năm 2017, tuy nhiên lần đó ngành thép Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi từ tháng 6.2017, Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất được thép cán nóng - nguyên liệu để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).

“Năm 2018, Formosa sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng, năm 2019 dự kiến sản xuất 4,5 triệu tấn. Doanh nghiệp có đơn hàng xuất sang Mỹ thì lưu ý không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc để tránh là được”, ông Sưa nói.

Cũng theo ông Sưa, Tổng thống Mỹ Donald Trump nghi ngờ việc thép Trung Quốc mượn đường Việt Nam để vào Mỹ nên muốn đánh triệt để các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, kể cả việc mở rộng ra các nước/vùng lãnh thổ như Đài Loan hay Hàn Quốc, còn với sản phẩm 100% Việt Nam thì Mỹ sẽ chưa áp thuế.

Tuy nhiên, theo TS Phan Ngọc Tâm, Đại học Luật TP.HCM, Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm, động thái này của Chính phủ Mỹ là khá mạnh tay, nhưng không đáng ngạc nhiên vì họ đã từng có những cảnh báo liên quan trong thời gian gần đây.

“Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp thép của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ. Với chính sách mới này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đau đầu tìm kiếm phương án và thị trường thay thế cũng như phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Điều này rõ ràng là không hề dễ dàng, đặc biệt với mặt hàng có ít tính ổn định về mặt thì trường như thép”, ông Tâm nói.

Luật sư này cũng lo ngại rằng, thép có thể chỉ là mặt hàng đầu tiên hứng chịu đòn trừng phạt này, tiếp theo sẽ có thể còn nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng sẽ chịu chung số phận.

Theo luật sư này, để đối phó với những rủi ro chính sách tương tự như cục diện mà ngành xuất khẩu thép đang đối mặt hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp căn cơ và đồng bộ.

Cụ thể, thứ nhất, công tác thông tin và cảnh báo phải thật sự được thực hiện một cách mạnh mẽ, xuyên suốt, chủ động và tích cực; Chính phủ cũng cần có những động thái tích cực và mạnh mẽ, phù hợp với các cam kết quốc tế trước việc ban hành và áp dụng các chính sách thương mại 1 chiều của các quốc gia khác mà chúng có thể gây ảnh hưởng hay tác động tiêu cực đến Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức về các chính sách thương mại quốc tế là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp cần có sự đầu tư đúng đắn trong việc tiếp cận tìm hiểu chính sách thương mại ở các thị trường liên quan, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ các chuyên gia, các nhà tư vấn, các luật sư… để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề có thể phát sinh.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/my-ap-thue-hon-400-voi-thep-viet-khong-qua-lo-ngai-116492.html