Mỹ bác đề xuất của ông Putin, Trung Quốc kêu gọi ngừng đổ dầu vào lửa

Xung đột giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ 3 mà không có dấu hiệu kết thúc, trong khi tình hình cả trên chiến trường và bên bàn đàm phán đều bế tắc.

Đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine nhằm đóng băng xung đột đã bị Mỹ bác bỏ sau các cuộc tiếp xúc giữa các bên trung gian, hãng Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết hôm 13/2.

Theo nguồn tin của Reuters, điều này nghĩa là thế giới đang chứng kiến xung đột Nga-Ukraine kéo dài sang năm thứ 3 và khoảng cách giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới vẫn còn xa đến mức nào.

Một nguồn tin Mỹ phủ nhận đã có bất kỳ liên hệ chính thức nào với phía Nga, và cho biết Washington sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán không có mặt Ukraine.

Trong khi đó, các nguồn tin Nga cho biết, ông Putin đã gửi tín hiệu tới Washington vào năm 2023 một cách công khai và riêng tư thông qua các bên trung gian, bao gồm cả thông qua các đối tác Ả Rập của Moscow ở Trung Đông và những nước khác, rằng ông sẵn sàng xem xét lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Ông Putin đang đề xuất đóng băng cuộc xung đột ở mức độ hiện tại và không sẵn lòng nhượng lại bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine do Nga kiểm soát. Nhưng tín hiệu này được một số nhân vật ở Điện Kremlin coi là con đường tốt nhất hướng tới một nền hòa bình nào đó.

Lính Ukraine bắn vào các vị trí của Nga theo hướng Bakhmut, vùng Donetsk, tháng 11/2023. Ảnh: NY Times

“Các mối liên lạc với người Mỹ chẳng có kết quả gì”, một nguồn tin cấp cao của Nga am hiểu về các cuộc thảo luận vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 nói với Reuters.

Một nguồn tin thứ hai của Nga am hiểu về các mối liên lạc này nói với Reuters rằng người Mỹ đã nói với Moscow, thông qua các bên trung gian, rằng họ sẽ không thảo luận về khả năng ngừng bắn nếu không có sự tham gia của Ukraine, và vì vậy các cuộc liên lạc đã kết thúc trong thất bại.

Nguồn tin thứ ba am hiểu về các cuộc thảo luận cho biết: “Mọi thứ đều đổ vỡ với người Mỹ. Họ không muốn gây áp lực với Ukraine”.

Thông tin trên được đưa ra khi đâu đó vẫn có những lời kêu gọi ngừng thêm dầu vào “chảo lửa” Ukraine để “tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao có hiệu quả”.

Cụ thể, tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Trung Quốc đã đứng về phía Nga trong vấn đề Ukraine và yêu cầu Mỹ ngừng gửi vũ khí tới tiền tuyến của cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Trương Quân (Zhang Jun), nói rằng Mỹ nên ngừng gửi vũ khí tới Ukraine để tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao có hiệu quả.

“Một số quốc gia nên ngừng ngay việc đổ dầu vào lửa và ngừng làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Trung Quốc nói, chỉ đích danh Mỹ trong phiên xem xét về vấn đề Ukraine của Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) hôm 12/2 tại New York.

Ông Trương cũng kêu gọi thực hiện Thỏa thuận Minsk mới đạt được giữa Nga và Ukraine vào năm 2014. Ông nói: “Đáng tiếc là đến nay hầu hết các điều khoản của thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện, xung đột quy mô lớn nổ ra sau đó và bị hoãn lại cho đến ngày nay. Đây là điều đáng tiếc và đáng được các bên phản ánh nghiêm túc”.

“An ninh của một quốc gia không thể gây tổn hại đến an ninh của các quốc gia khác và an ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách tăng cường hoặc thậm chí mở rộng các nhóm quân sự. Lợi ích an ninh của tất cả các quốc gia đều bình đẳng”, nhà ngoại giao Trung Quốc nói tiếp.

Đại sứ Trương tiếp tục nhắm mục tiêu vào NATO, đồng thời kêu gọi liên minh này “ngưng đưa ra các mối đe dọa”.

Đại sứ Trương Quân (Zhang Jun), Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Ảnh: Global Times

“NATO phải tuân thủ đối thoại và tham vấn trong giải quyết tranh chấp và tuân theo phương hướng chung là giải quyết chính trị, thay vì gây áp lực, bôi nhọ và trừng phạt đơn phương…”, ông Trương nói.

Hôm 13/2, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 95,3 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản viện trợ bổ sung 60,06 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, dự luật khó có thể vượt qua ải Hạ viện Mỹ, nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số, để sớm được ký thành luật.

Các chuyên gia lập luận rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine rất quan trọng đối với nỗ lực của Kiev nhằm đẩy lùi Quân đội Nga.

“Nếu không có viện trợ quân sự của phương Tây, Ukraine khó có thể nối lại thành công các hoạt động tấn công quy mô lớn nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát vào năm 2025. Điều đó đòi hỏi một chiến lược dài hạn khác cho Ukraine và cho các đồng minh và đối tác của họ”, ông Eugene Rumer, Giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết hôm 7/2.

Minh Đức (Theo Reuters, Newsweek)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-bac-de-xuat-cua-ong-putin-trung-quoc-keu-goi-ngung-do-dau-vao-lua-a649727.html