Mỹ bán vũ khí để Đài Loan thúc đẩy chiến lược 'con nhím' chống Trung Quốc

Từ lâu Trung Quốc đã phản đối việc Mỹ xuất khẩu vũ khí sang Đài Loan. Sự kiện Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá 4,2 tỉ USD (3 hợp đồng trị giá 1,8 tỉ USD phê duyệt ngày 21/10 và hợp đồng trị giá 2,4 tỉ USD phê duyệt ngày 26/10) vừa qua càng làm cho giới chức Trung Quốc dấy lên lo lắng. Sự hợp tác quân sự ngày càng tăng với Mỹ giúp Đài Loan đẩy mạnh chiến lược 'con nhím' chống lại đối thủ mạnh hơn. Đây chính là điều Trung Quốc lo ngại nhất.

Tên lửa Harpoon Block II phóng từ trên tàu. Ảnh: PLO

Các hợp đồng bán vũ khí được Mỹ phê duyệt trong tháng 10 đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong quan điểm mua vũ khí của Đài Loan, vốn ưa chuộng các dòng xe tăng và máy bay chiến đấu hiện đại. Tuy nhiên, những loại khí tài này lại dễ bị tổn hại trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Do vậy, Đài Loan đã thúc đẩy để Bộ Ngoại giao Mỹ ký hợp đồng bán 100 hệ thống tên lửa hành trình bờ đối hạm Harpoon (HCDS) với 400 quả tên lửa chống hạm Harpoon trị giá 2,4 tỷ USD và hợp đồng bán tên lửa hành trình SLAM-ER, pháo phản lực HIMARS và hệ thống cảm biến trị giá hơn 1,8 tỷ.

Việc ký kết các hợp đồng bán vũ khí này giúp Đài Loan đẩy nhanh quá trình chuyển sang khả năng chiến tranh phi đối xứng. Điều này vốn đã được Mỹ khuyến nghị và cũng nằm trong chiến lược quốc phòng của Đài Loan từ năm 2017. Mục tiêu chính của chiến lược là tìm cách gây thiệt hại nặng cho các lực lượng Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan trong một cuộc xâm lược, đồng thời hạn chế thiệt hại khi Trung Quốc sử dụng một lượng lớn tên lửa đạn đạo để loại bỏ lực lượng phòng thủ và không quân của Đài Loan.

Về phía Đài Loan, chính phủ coi việc trang bị loại vũ khí chỉ là biện pháp phòng thủ thuần túy. Việc chuyển dần sang chiến lược “con nhím” sẽ giúp hòn đảo tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời ngăn chặn một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc mà nguy cơ có thể dẫn đến xung đột hạt nhân Mỹ cũng như tàn phá khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường quan hệ với Đài Loan, bao gồm việc ký một đạo luật vào năm 2018 nhằm đánh giá hàng năm về nhu cầu quốc phòng của Đài Loan.

Nói về chiến lược “con nhím”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Đài Loan Wang Ting-Yu chia sẻ với Bloomberg rằng: “Việc bán vũ khí này khá quan trọng và cốt yếu đối với Đài Loan. Chúng tôi cần phải tự vệ, vì vậy khi chúng tôi phát triển khả năng của mình, chúng tôi cố gắng trở nên giống như con nhím. Khi một con sư tử cố gắng nuốt một con nhím, nó sẽ bị đau - vì vậy sẽ không có con sư tử nào cố gắng nuốt một con nhím. ”.

Trung Quốc coi vũ khí phòng thủ của Đài Loan là vũ khí tấn công

Việc Đài Loan ngày càng sở hữu các loại vũ khí hiệu quả - bao gồm các hệ thống tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ Trung Quốc làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn. Nhà nghiên cứu cấp cao Zhu Jiangming tại Viện Nghiên cứu An ninh Hải ngoại của Đại học Renmin cho biết: “Dù bạn nhìn nó như thế nào đi chăng nữa, nó không phải là vũ khí phòng thủ - nó là vũ khí tấn công.”. Đề cập đến chiến lược “con nhím” của Đài Loan, ông nói thêm: “Mỹ đang tiếp tục chuyển những cây bút lông độc cho Đài Loan.”.

Về phía Trung Quốc, sau khi các hợp đồng mua bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan được thông qua, đã công bố các biện pháp trừng phạt không xác định đối với đơn vị quốc phòng của Boeing Co., Lockheed Martin Corp. và Raytheon Technologies Corp. về việc bán vũ khí. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết, Trung Quốc nhiều lần cảnh báo Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và tiếu tục thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm duy trì chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia.

Anh Khôi – Thạch Thảo (Theo Bloomberg)

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/my-ban-vu-khi-de-dai-loan-thuc-day-chien-luoc-con-nhim-chong-trung-quoc-13483/