Mỹ bàng hoàng khi đồng minh lao vào choảng nhau tại Syria

Những tay súng thuộc bộ lạc Al-Bukhamiss nằm trong liên minh lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã nổi dậy chống lại chính lực lượng này cũng như lực lượng dân quân người Kurd (YPG) tại chiến trường Raqqa, Syria. Đây đều là những lực lượng nằm trong nhóm đồng minh của Mỹ.

Chiến trường Syria tiếp tục cho thấy sự phức tạp khi các phe phái tham chiến từ bạn trở thành thù và từ thù trở thành bạn chỉ cách nhau một khoảng cách thời gian ngắn.

Trước đây lực lượng người Kurd từng không đội trời chung với quân đội Syria (SAA) nhưng khi Thổ Nhĩ Kỳ cùng với quân đội Syria tự do (FSA) tấn công vào Idlib, họ lại đứng cùng chung chiến hào để chống lại liên minh của Ankara.

Trong cuộc chiến chống khủng bố IS, Nga cũng từng nhiều lần ném bom hỗ trợ cho lực lượng Dân chủ Syria (SDF) để chiến đấu với phiến quân IS.

Lực lượng SDF được Mỹ đỡ đầu hiện là nhóm đối lập với quân đội Syria đang được Nga hậu thuẫn.

Hiện nay lực lượng đồng minh của Mỹ tại Syria chỉ còn lại lực lượng dân quân người Kurd (YPG) và lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Lực lượng Dân chủ Syria lại bao gồm nhiều bộ tộc và các nhóm dân quân khác đang đối trọng với chính quyền của Tổng thống Assad.

Trong suốt thời gian vừa qua, SDF hầu như không phát triển mũi tấn công nào nhằm truy quét khủng bố IS.

Cũng như họ không có những cuộc xung đột nào với quân đội Syria kể từ khi lực lượng khủng bố IS bị đánh bại tại Deir Ezzor.

Hầu hết binh lực của SDF được dồn về Idlib để "chia lửa" với đồng minh YPG đang bị liên minh Thổ Nhĩ Kỳ và FSA tấn công.

Chiếm thành phần chủ chốt trong lực lượng SDF vẫn là các chiến binh người Kurd.

Họ đang chiếm tới 80% thành phần lực lượng SDF, vì thế không khó hiểu khi lực lượng này đem quân chia lửa cho người Kurd tại khu vực Afrin.

Mối quan hệ phức tạp của Mỹ với các đồng minh người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc Washington phải đứng ngoài nhìn và không thể hỗ trợ cho người Kurd.

Với ưu thế quân sự hơn hẳn, liên minh Thổ Nhĩ Kỳ-FSA đã dễ dàng đè bẹp người Kurd tại Afrin.

Mất khu vực Afrin có tính văn hóa và lịch sử, người Kurd chuyển sang chiến tranh du kích.

Họ tạm thời rút về một số làng mạc và một số thị trấn xung quanh khu vực Afrin.

Tuy nhiên khi rút về các khu vực này, mối bất đồng giữa người Kurd và các cánh quân khác trong lực lượng SDF lại nổ ra.

Al-Masdar News dẫn nguồn tin “đối lập” cho biết, trên khu vực chiến trường Raqqa bắt đầu bùng phát xung đột giữa một bộ lạc người Syria nổi dậy thuộc liên minh SDF chống lại chính SDF và lực lượng YPG.

Theo truyền thông mạng xã hội ủng hộ “đối lập” các chiến binh bộ lạc Al-Bukhamiss đã nổi dậy cầm vũ khí trong thị trấn Al-Mansura (bên dòng sông Euphrates cách thành phố Raqqa khoảng 24 km về phía tây nam).

Nguồn tin đối lập cho biết, lực lượng chiến binh bộ tộc Al-Bukhamiss đã đốt các lốp xe ô tô ngăn đường, đánh chiếm các trạm kiểm soát trên đường giao thông dẫn vào thị trấn và kiểm soát toàn bộ tuyến đường giao thông trong thị trấn.

Điều này khiến các binh sĩ người Kurd không thể ra vào thị trấn này.

Những cuộc đấu súng lẻ tẻ đã diễn ra giữa người Kurd và những binh sĩ bộ lạc nổi dậy này.

Hiện chưa có thông tin chi tiết về số thương vong.

Nguyên nhân chính của việc này là do các chiến binh người Kurd bắt giữ thủ lĩnh của bộ tộc Al-Bukhamiss vì những lý do chưa rõ ràng.

Hơn thế nữa, lực lượng dân quân của bộ tộc Al-Bukhamiss cảm thấy đang bị lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát theo cơ chế không công bằng như đối với thường dân người Kurd.

Đây được coi là thông tin đáng buồn cho phía Mỹ khi nội bộ đồng minh xảy ra xung đột.

Cho dù bất cứ nguyên nhân nào thì việc xung đột này cũng sẽ làm suy yếu các lực lượng đồng minh của Mỹ trên chiến trường Syria.

Người Kurd đang gặp phải vấn đề tồi tệ nhất từ trước cho đến nay khi bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ - FSA truy sát.

Tuy vậy họ vẫn đang quyết từ chiến trong những khu vực còn giữ lại được quyền kiểm soát mặc cho những đe dọa từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Hình ảnh pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đang bắn về phía người Kurd tại chiến trường Afrin.

Những màn mưa đạn đang đổ về các địa điểm phòng thủ của các chiến binh người Kurd.

Một nữ chiến binh người Kurd đang tác chiến với khẩu súng chống tăng PRG-7.

Những nữ binh sĩ khác đang hội họp nghe phổ biến phương pháp tác chiến.

Một xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của lực lượng người Kurd tại Syria.

Khu vực Afrin, nơi đang giao tranh quyết liệt giữa người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 24-3 Tổng Tham mưu Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) ra tuyên bố chính thức khẳng định, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, FSA đã kiểm soát hoàn toàn khu vực Afrin.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết họ đang nỗ lực hỗ trợ thường dân thường trở về tái định cư.

Theo tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, chỉ còn rất ít làng mạc ở phía nam khu vực Afrin mà liên minh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đang lên phương án đánh chiếm nốt.

"Ở phía tây thành phố có khoảng 3-5 làng. Chúng tôi sẽ tiến quân đến khu ngoại ô Aleppo, được gọi là Nubl-Zahra, thành phố Afrin sẽ sớm được phòng thủ vững chắc", ông Akar phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Ankara.

Cùng ngày, các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương Syria (NDF) tiếp tục triển khai trên địa phận các làng Bashmra, Zoq al-Kabir, Buurj al-Qas. Miyasa, Aqiba và Ziyara cũng như các cao điểm then chốt trên khu vực phía nam thành phố Afrin.

Các lực lượng NDF thực hiện nhiệm vụ triển khai chiến tuyến phòng ngự với mục đích hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd (YPG) ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh thánh chiến FSA được Ankara hậu thuẫn.

Lực lượng liên quân Thổ Nhĩ Kỳ - FSA đánh chiếm thành phố Afrin từ lực lượng dân quân người Kurd vào ngày 18-3.

Ngay sau khi giành được chiến thắng chiến lược này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh (FSA) tiến hành hàng loạt cuộc tấn công phía nam thành phố.

Ankara mở rộng vùng an ninh giữa khu vực quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA chiếm đóng với vùng nông thôn do quân đội Syria kiểm soát tại Aleppo

Ngày 25-3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt đến 3.747 "kẻ khủng bố", tên gọi của Ankara đối với các chiến binh YPG.

Ông cũng tuyên bố, trong chiến dịch Nhánh Olive, đã có 302 tay súng FSA thiệt mạng.

Ông Erdogan hứa rằng, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm thị trấn Tal Rifaat, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch Nhánh Olive.

Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào thị trấn Tal Rifaat, đây là là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hiện nay một số đơn vị NDF (thuộc quân đội Syria) đã thiết lập các trạm kiểm soát gần thị trấn theo thỏa thuận với các chiến binh YPG.

Quân đội Syria không thể tham gia ngăn chặn cuộc chiến này do thị trấn vẫn thuộc khu vực Afrin do người Kurd quản lý.

YPG kiên quyết không chịu trao trả quyền quản lý hành chính Afrin cho chính quyền Syria mặc dù YPG đã buộc phải tháo chạy khỏi khu vực này trước sức tấn công của FSA.

Quân đội Syria cũng không thể giành lại quyền kiểm soát khu vực do những nghi ngại từ phía Nga và Mỹ cũng như các đòn tấn công toàn diện có thể được Ankara tung ra.

Hiện chưa rõ phản ứng của phía Mỹ sẽ thế nào khi người Kurd ngày càng co cụm lại và lực lượng của họ bị tổn thất nhiều.

Mỹ vẫn coi người Kurd là đồng minh chiến lược tại Syria. Họ đã nỗ lực gầy dựng sau khi loại bỏ nhóm phiến quân FSA.

Vì vậy việc chịu sức ép từ phía Thổ đã khiến Mỹ không thể ra tay trợ chiến.

Một khi lực lượng người Kurd tan rã, Mỹ sẽ khó lòng gây dựng lại được tầm ảnh hưởng như trước kia.

Trước đó Mỹ đã từng mất nhiều công sức gây dựng lực lượng quân đội Syria tự do (FSA).

Họ không những viện trợ vũ khí tiền bạc mà còn đích thân cho lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ các tay súng này.

Tuy nhiên sau đó nhận thấy nhóm này có nhiều thành phần hồi giáo cực đoan mang tư tưởng chống phương Tây và Mỹ nên Tổng thống Trump ra lệnh ngưng việc trợ giúp FSA.

Điều đáng nói là nhiều vũ khí hiện đại của Mỹ chuyển cho FSA đã bị một số phiến binh thuộc lực lượng này đem bán cho khủng bố IS.

Trong số đó có cả tên lửa TOW, chính loại vũ khí này khi nằm trong tay IS đã khiến cho các loại xe tăng, pháo tự hành của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy.

Sau khi Mỹ công khai bỏ rơi FSA, Thổ Nhĩ Kỳ liền nhân cơ hội đứng vào đỡ đầu cho lực lượng này.

Hiện phó thủ lĩnh của FSA từng đe dọa sẽ cho 10.000 binh sĩ tấn công vào lực lượng Mỹ trong chiến dịch "cành ô liu" của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là một "đòn đau" với phía Mỹ khi họ từng nuôi dưỡng lực lượng này.

Vì vậy, bằng giá nào Mỹ cũng sẽ phải tiếp tục trợ giúp người Kurd và lực lượng Dân chủ Syria.

Có lẽ trong thời gian tới họ sẽ phải đứng ra dàn xếp các vụ xung đột giữa nội bộ các đồng minh của mình.

Có như vậy Mỹ mới tiếp tục duy trì được tầm ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông vốn có địa thế và tầm chiến lược như Syria.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-bang-hoang-khi-dong-minh-lao-vao-choang-nhau-tai-syria/762173.antd