Mỹ: Bảo đảm hiệu quả môi trường và kinh tế

Đạo luật Không khí sạch được Quốc hội Mỹ thông qua từ năm 1970 và được sửa đổi vào năm 1977 và năm 1990, trao cho Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) quyền lực và trọng trách to lớn như thiết lập Tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia (NAAQS) để bảo vệ sức khỏe, phúc lợi công cộng và điều chỉnh lượng khí thải gây ô nhiễm không khí nguy hiểm.

2 tiêu chuẩn về chất lượng không khí

Đạo luật Không khí sạch xác định hai loại tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí. Các tiêu chuẩn cấp 1 quy định về việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bao gồm các cộng đồng dân cư “nhạy cảm” như trẻ em, người bị hen suyễn hoặc các bệnh tim phổi và những người lớn tuổi. Các tiêu chuẩn cấp 2 được thiết lập ở mức độ bảo vệ trước tác động bất lợi của ô nhiễm không khí như giảm tầm nhìn và thiệt hại cho động vật, mùa màng, cây cối và các tòa nhà.

Nguồn: epa.gov

Dọn sạch 6 chất gây ô nhiễm

Những tiêu chuẩn trên được áp dụng đối với 6 chất gây ô nhiễm phổ biến là: điôxít nitơ, điôxít lưu huỳnh, chì, ôzôn tầng mặt đất, khí monoxide carbon và hạt vật chất. Các tiêu chuẩn cho mỗi chất gây ô nhiễm là khác nhau. Cấp độ của mỗi tiêu chuẩn được thiết lập dựa trên một sự xem xét diện rộng các nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng sức khỏe con người và tác động môi trường. Các tiêu chuẩn trên được định kỳ xem xét và sửa đổi nếu cần thiết dựa trên bất kỳ thông tin khoa học mới nào.

Các bang của Mỹ được yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn này và đệ trình lên EPA các kế hoạch thực thi cho thấy họ sẽ đạt được và duy trì chất lượng không khí như thế nào. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của Mỹ nói chung và các bang nói riêng là ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền, phải khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng (đất bị ô nhiễm tồn lưu, môi trường ô nhiễm do thiên tai…), chính quyền sẽ có các chính sách cụ thể để hỗ trợ như miễn, giảm thuế; hỗ trợ công nghệ xử lý...

Giảm ô nhiễm bụi mịn

Trong số các chất gây ô nhiễm, chất dạng hạt, đặc biệt là hạt ít hơn 2,5 micron đường kính, có tác động đến sức khỏe sâu sắc nhất bởi các hạt bụi rất nhỏ hoặc “siêu mịn” có thể xâm nhập vào sâu bên trong phổi. PM là viết tắt của chất dạng hạt, để chỉ một hỗn hợp các hạt rắn và giọt chất lỏng được tìm thấy trong không khí. Một số hạt, chẳng hạn như bụi, bụi bẩn, bồ hóng hoặc hoặc khói thuốc lá, đủ lớn để nhìn thấy bằng mắt thường. Trước khi đạo luật Không khí Sạch năm 1990 có hiệu lực, EPA đã đặt ra giới hạn đối với các hạt bụi trong không khí có đường kính nhỏ hơn 10 micrômet được gọi là PM10. Đây là những hạt nhỏ (bảy hạt như thế xếp cạnh nhau sẽ có kích thước nhỏ hơn một sợi tóc người). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hạt bụi nhỏ hơn (kích thước bằng 1/4 hạt PM10) có nhiều khả năng gây hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, vào năm 1997, EPA đã công bố giới hạn cho các hạt bụi mịn, được gọi là PM2,5. Để giảm mức độ bụi, các chỉ số kiểm soát bổ sung đang được đặt ra với nhiều nguồn khác nhau bao gồm các nhà máy điện và xe tải chạy bằng dầu diesel.

Ngoài ra, EPA đã phát triển một công thức để chuyển đổi giá trị PM 2,5 đo được thành giá trị chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thể giúp hình thành các quyết định liên quan đến sức khỏe. Ý nghĩa của các giá trị số AQI có thể được nhìn thấy trong biểu đồ. Chỉ số AQI của EPA Mỹ bao gồm ô nhiễm không khí ở dạng khí và hạt, nhưng Mỹ sử dụng ô nhiễm dạng hạt làm chỉ số tổng thể cho chất lượng không khí.

Các biện pháp phối hợp khác

Mỹ cũng đưa ra các chính sách về giao thông vận tải, quy hoạch đô thị, phát điện và công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, cụ thể như:

Đối với công nghiệp: Áp dụng các công nghệ sạch làm giảm khí thải ống khói công nghiệp; cải tiến việc quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp, bao gồm cả việc thu giữ lại khí methan phát ra từ các địa điểm có chất thải làm chất đốt (để sử dụng làm khí sinh học); cải thiện hiệu suất năng lượng;

Đối với vận tải: Các tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện nghiêm ngặt hơn và chuyển sang các loại phương tiện xe cộ chạy bằng diesel sạch hơn, đánh thuế nặng, các loại phương tiện và nhiên liệu phát thải thấp; chuyển sang các nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh giảm;

Đối với giao thông công cộng: Ưu tiên vận chuyển quá cảnh đô thị nhanh chóng, mạng lưới đi bộ và đi xe đạp trong thành phố cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt;

Đối với quy hoạch đô thị: Nâng cao hiệu quả năng lượng các tòa nhà, làm cho thành phố tập trung hơn và do đó hiệu quả về mặt năng lượng;

Đối với phát điện: Tăng cường sử dụng nhiên liệu phát thải thấp và các nguồn năng lượng tái tạo không cháy; cùng phát nhiệt và điện; phân bố việc phát năng lượng (ví dụ như các lưới phát điện mini và phát năng lượng mặt trời trên mái nhà); sử dụng công nghệ để loại bỏ các chất ô nhiễm độc hại từ các khí thải của những nhà máy điện chạy bằng than (máy lọc hơi đốt);

Đối với quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp: Các chiến lược để giảm chất thải, tách chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải; cũng như cải tiến các phương pháp quản lý chất thải sinh học như tiêu hủy chất thải bằng kị khí để sản xuất khí sinh học là những pháp giải pháp chi phí thấp thay thế cho việc đốt chất thải rắn ngoài trời. Trường hợp không thể tránh khỏi việc đốt, công nghệ đốt với việc kiểm soát khí thải nghiêm ngặt đóng vai trò quan trọng.

Hiệu quả môi trường và kinh tế

Mỹ đã cải thiện chất lượng không khí ngoài trời trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực tổng hợp, bao gồm việc ban hành Luật và các quy định cấp quốc gia, địa phương về chất lượng không khí. Một nghiên cứu năm 2011 của EPA xem xét những lợi ích và chi phí đã được thể hiện thông qua việc thực thi Đạo luật Không khí sạch từ năm 1990 đến năm 2020 cho thấy lợi ích thu được lớn hơn chi phí theo tỷ lệ hơn 30:1. Nghiên cứu ước tính rằng, năm 2020, Đạo luật Không khí sạch đã ngăn chặn hơn 230.000 ca tử vong mỗi năm, cũng như hơn 20 triệu việc làm bị mất.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/my-bao-dam-hieu-qua-moi-truong-va-kinh-te-i358987/