Mỹ bắt đầu săn khối tác chiến siêu thanh 'Avangard' Nga

Thời gian thống trị tuyệt đối của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 'Sarmat' sẽ không kéo dài quá 10-15 năm

Nhân tuyên bố mới đây của phó thủ tướng Nga Yuri Borisov về việc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) “Sarmat” Nga sẽ vô hiệu hóa toàn bộ Hệ thống phòng thủ chống tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ.

Xin giới thiệu tiếp một bài nữa cung cấp tương đối nhiều thống tin và kiến thức khá thú vị về “Sarmat” và nhiều vấn đề liên quan khác của chuyên gia quân sự, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế tên lửa Vladimir Tuchkov quen thuộc.

Bài đăng trên Svobodnaia Pressa” và một số báo Nga khác ngày 28/9/2020:

Tổ hợp tên lửa siêu thanh “Avangard” (Ảnh: Ảnh chụp từ video / Cơ quanBbáo chí Bộ Quốc phòng LB Nga / TASS)

Tổ hợp tên lửa siêu thanh “Avangard” (Ảnh: Ảnh chụp từ video / Cơ quanBbáo chí Bộ Quốc phòng LB Nga / TASS)

Vừa mới đây, khi phát biểu trên Kênh truyền hình "Russia-1" trong chương trình "Tin tức thứ bảy" cùng MC Sergei Brilev, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisovđã tuyên bốrằng tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa "Avangard" Nga sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn toàn bộ hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ.

Tức là vô hiệu hóa một hệ thống được người Mỹ dày công xây dựng từ năm 2002, ngay sau khi nước này đơn phương quyết định rút ra khỏi Hiệp ước về hạn chế các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo vào năm 2002 (Hiệp ước này còn gọi là Hiệp ước ABM ký năm 1972 giữa Liên Xô và Mỹ với nội dung chính là các bên cam kết từ bỏ việc thiết kế - chế tạo, thử nghiệm và triển khai các hệ thống hoặc thành tố phòng thủ chống tên lửa trên mặt đất, trên không, trên biển để chống lại tên lửa đạn đạo chiến lược-ND).

Đây là một hệ thống gồm các radar mới rất mạnh cùng các tên lửa đánh chặn hiện đại do người Mỹ nghiên cứu chế tạo và đưa vào khai thác trong suốt gần hai thập kỷ qua. Thế mà đùng một cái, tất cả chúng lại trở nên gần như hoàn toàn vô dụng – vì không thể đánh chặn được các ICBM của Nga.

Nhưng chúng ta hãy nói cho thật chính xác – đấy không phải là đánh chặn chính các ICBM, mà là các khối tác chiến mới "Avangard" tách ra từ những ICBM đó- đó là "Avangard" vừa mới được đưa vào trực chiến tháng 12 năm ngoái.

Những khối tác chiến này sau khi tách khỏi tên lửa sẽ tăng tốc lên ngưỡng siêu thanh- vượt quá 20M trong bầu khí quyển, đồng thời liên tục cơ động- tức liên tục thay đổi hướng bay và độ cao bay.

Xác suất đánh chặn chúng bằng các hệ thống tên lửa đánh chặn hiện có trên thực tế là bằng không.

Khối tác chiến bay siêu thanh “Avangard” được thiết kế tại Tập đoàn Khoa học- Công nghiệp chế tạo máy Reutov với sự tham gia tích cực của công trình sư Gerbert Efremov, chủ nhân Giải thưởng Lenin, Giải thưởng Nhà nước Liên Xô (thời Xô Viết) và Giải thưởng Chính phủ Liên bang Nga.

Vào ngày 19/9/2020 vừa qua, ông đã được trao tặng Huân chương Andrea Pervozvannyi cao quý vì những đóng góp xuất sắc của mình trong công cuộc bảo vệ đất nước mà cụ thể là thiết kế chế tạo khối tác chiến "Avangard".

Công suất đầu đạn hạt nhân của “Avangard” – từ 800 Kt đến 2 Mt. Tuy nhiên, còn có một khối tác chiến mang đầu đạn thông thường khác. Và phiên bản “thông thường” này của "Avangard" cũng có sức công phá rất đáng kể, vì động năng của một khối vật thể bay với tốc độ 25-27 M là cực kỳ lớn.

Đúng, (khối tác chiến) “Avangard” không thể bị đánh chặn. Tuy nhiên, trước khi khối tác chiến “Avangard” đến được điểm nó sẽ tách khỏi tên lửa và bắt đầu bay độc lập, nó cần phải có phương tiện mang “cõng nó”- và phương tiện mang đó là ICBM UR-100N UTTKh phóng từ hầm phóng (tức tên lửa "Stiletto" theo định danh của NATO).

Chính vì vậy mà chúng ta hoàn toàn có quyền so sánh (nhiệm vụ đánh chặn “Avangard”) với nhiệm vụ đánh chặn một viên đạn bắn ra từ một khẩu súng bắn tỉa. Gần như chắc chắn là không thể bắn trúng được viên đạn, nhưng hoàn toàn có thể tiêu diệt được tay súng bắn tỉa trước khi anh ta kịp bóp cò.

Cũng có thể nói tương tự như vậy về chiến lược đánh chặn “Avangard”. Tất nhiên, UR-100N UTTKH là một tên lửa tốt, đảm bảo chắc chắn vượt qua khoảng không gian nằm giữa lục địa Châu Âu và lục địa Bắc Mỹ.

Tên lửa này cũng do Phòng Thiết kế Reutov thiết kế, nhưng ra đời sớm hơn nhiều so với “Avangard” - UR-100N UTTKH ra đời vào cuối những năm 70 thế kỷ trước. Người lãnh đạo thực hiện dự án này là công trình sư huyền thoại Vladimir Nikolaevich Chelomey.

Có nghĩa là tên lửa này đã không còn quá trẻ. Nó chưa từng được hiện đại hóa lần nào. Chỉ mới được tăng hạn phục vụ một cách duy ý chí thêm 35 năm. Trong khi ICBM “Voevoda” dù chỉ “già hơn” tên lửa của Cholomey có 4 năm tuổi thôi, nhưng cũng sắp được đưa ra khỏi trang bị. Ngay sau khi "Sarmat" đến thay thế.

Tất nhiên, trên UR-100N UTTKH có một tổ hợp “giúp tên lửa” này chọc thủng khu vực phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Nhưng nó đã khá tụt hậu so với trình độ kỹ thuật tên lửa hiện tại.

Tên lửa này phóng các mục tiêu giả khi đang bay. Nhưng nó lại không cơ động trên quỹ đạo bay. Và vì vậy nó hoàn toàn có thể bị bắn hạ bởi các phương tiện vũ khí đánh chặn tên lửa của Mỹ.

Nhưng, tất nhiên, tổ hợp tên lửa phòng không Mỹ “Patriot” không đủ tầm để lập được một kỳ tích như vậy. Tổ hợp cơ động THAAD Mỹ có nhiều cơ hội đánh chặn “Avangard” hơn.

Nhưng những cơ hội này cũng không nhiều. Tổ hợp này (THAAD) chỉ có khả năng đánh chặn các tên lửa không cơ động tầm trung trong lần thử thứ N (nhiều lần thử).

Nhưng còn với hệ thống biển “Aegis” được bố trí giữa các tàu cỡ lớn và cỡ vừa của Hải quân Mỹ, thì cần phải coi chừng.

Và cho dù ngay cả khi hiện nay nó vẫn chưa có khả năng đánh chặn cả những ICBM chỉ bay theo một quỹ đạo nhất định và không cơ động, nhưng hệ thống phòng thủ chống tên lửa này đang “tiến bộ” rất nhanh.

Trong các bệ phóng trên tàu chiến Mỹ, những tên lửa đánh chặn đã cũ liên tục được thay thế bằng những tên lửa mới iên tiến hơn, có tốc độ và khả năng chịu lực quá tải cao hơn. Đấy là còn chưa nói về độ cao đánh chặn- chắc chắn liên tục được nâng lên.

Cụ thể, vào năm 2008, một tên lửa đánh chặn của hệ thống “Aegis” này đã bắn hạ một vệ tinh trinh sát mất kiểm soát của Mỹ ở độ cao tới 247 km. Đến thời điểm hiện đại, trần bay của tên lửa đánh chặn này rõ ràng đã tăng lên rất nhiều.

Tên lửa đánh chặn chính của hệ thống phòng thủ tên lửa hải quân là dòng tên lửa đánh chặn ba tầng RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3).

Đến nay, biến thể SM-3 Block II có khả năng đánh chặn các tên lửa tầm trung, cũng như các khối tác chiến tách ra từ chúng với một xác suất chấp nhận được. Hiện (Mỹ) đang chuẩn bị thử nghiệm biến thể SM-3 Block IIA, được cho là sẽ đánh chặn được cả ICBM.

Nhưng chỉ đánh chặn được các ICBM không cơ động và không phóng các mục tiêu giả khi bay. Trong khi bây giờ thì ở Bán cầu Đông (của Trái Đất) đã không còn ai (nước nào) sử dụng kiểu ICBM như vậy nữa, có lẽ trừ Pakistan.

Phóng thử nghiệm tên lửa SM-3 Block IIA, 12/2015.

Nhưng tới biến thể tiếp theo- SM-3 Block IIB - người Mỹ đã có kế hoạch trang bị cho nó thiết bị tự chọn mục tiêu, có nghĩa là nhận dạng được các mồi bẫy giả. Và cũng có thể đối phó rất hiệu quả với các hệ thống tác chiến điện tử trên ICBM.

Khoảng giãn cách thời gian giữa những lần xuất hiện các biến thể mới của SM-3 là vào khoảng 4-5 năm một. Thành thử, sau 8-10 năm nữa, hệ thống“Aegis” Mỹ sẽ có khả năng đánh chặn (tất nhiên, với một xác suất nhất định) các ICBM UR-100N UTTKh của Nga trước khi khối tác chiến bay “Avangard” tách khỏi nó.

Nhưng người Mỹ còn một tuyến phòng thủ chống tên lửa nữa. Và đây mới là tuyến phòng thủ mạnh nhất. Nó được gọi là NMD – Hệ thống Phòng thủ chống Tên lửa quốc gia, được đưa vào biên chế cho Không quân Hoa Kỳ từ năm 2005.

Ở Alaska, trong các hầm phóng có 40 tên lửa đánh chặn của tổ hợp Ground-based Midcourse Defense (GBMD), và còn 4 tên lửa như vậy nữa ở California. GBMD có chức năng đánh chặn ICBM ở đoạn giữa trên quỹ đạo bay.

Tên lửa đánh chặn ba tầng Ground-Based Interceptor (GBI) có chiều dài 16,8 mét, trọng lượng 12,7 tấn. Tầm bắn đạt 5.500 km, độ cao- tới 2.000 km. Đấy là một tên lửa mang- nó đưa lên vũ trụ phương tiện đánh chặn động năng Exoatmospheric Kill Vehicle (EKV), còn EKV được dẫn tới mục tiêu bằng các radar trên mặt đất.

Sau khi đầu tự dẫn quang- điện tử khóa được mục tiêu, EKV tiếp cận và lao thẳng vào ICBM cần đánh chặn. Khi hai tốc độ siêu thanh- của ICBM và EKV - được cộng lại với nhau, năng lượng được giải phóng tại thời điểm va chạm tương đương với một Kiloton TNT.

Do thiết bị đánh chặn EKV di chuyển trong không gian gần Trái Đất, việc đánh chặn ICBM có thể được thực hiện ở bất kỳ cự ly nào tính từ Alaska, tức là trên bất kỳ bán cầu nào.

Và trong trường hợp này, ta sẽ cảm thấy hơi lạ tai nếu nghe tuyên bố của đại diện Bộ Quốc phòng của chúng ta (Nga) khẳng định rằng, vì ICBM “Sarmat” triển vọng có thể tấn công Mỹ qua Nam Cực, nên nó bất khả xâm phạm.

Vì Mỹ không bố trí hệ thống NMD nào ở hướng nam- phần lớn GBI được đặt trên Alaska, và có rất ít- ở California.

Tuy nhiên, đây lại là một tuyên bố “trung thực”. Mặc dù nguyên nhân khiến "Sarmat" bất khả xâm phạm hoàn toàn không phải như vậy. Vấn đề là ở chỗ GBMD NMD được thiết kế để “xử lý” những ICBM gần như không có các tổ hợp khoan thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Trong khi “Sarmat” lại có một tổ hợp như vậy rất hiệu quả.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là người Mỹ sẽ không thể hiện đại hóa GBMD để nó có thể học được cách đánh chặn các tên lửa hiện đại.

Và UR-100N UTTKh đến thời điểm hiện tại là một ICBM hiện đại theo nghĩa tương đối. Nhưng việc hiện đại hóa NMD Mỹ sẽ mất phải hơn 10 năm. Chắc chắn hơn cả là vào khoảng 15 năm, vì tổ hợp này phức tạp hơn rất nhiều so với “Aegis”.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, Nga đã đưa "Sarmat" vào trực chiến.

Còn về những gì liên quan đến khối tác chiến siêu thanh “Avangard”, người Mỹ sẽ chưa thể tìm ra “thuốc trị” nó trong một khoảng thời gian khá dài nữa.

Dù vậy thì bất kể việc tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật cần thiết nào đó dù có kéo dài bao lâu đi nữa, cuối cùng thì mọi đột phá trong lĩnh vực vũ khí tấn công đều dẫn đến sự xuất hiện của các hệ thống phòng thủ tương xứng để đối phó với chính các vũ khí tấn công đó.

Và đó chính là những gì mà (phó thủ tướng Nga) Y. Borisov đã nói trên Kênh “Russia-1”: “Có thể, vào một thời điểm nào đó sẽ tìm ra thuốc giải độc chống lại các khối tác chiến cơ động, trước hết là vũ khí sử dụng công nghệ laser và xung điện từ.

Nhưng vào lúc này, đây vẫn đang là lĩnh vực mang tính lý thuyết thuần túy. Chúng ta (Nga) đã có một điểm cộng trước trong lĩnh vực này".

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-bat-dau-san-khoi-tac-chien-sieu-thanh-avangard-nga-3420232/