Mỹ bất ngờ bị hạ bậc tín dụng vì 'xói mòn quản trị'

Hãng xếp hạng tín nhiệm nợ quốc tế Fitch hôm 1-8 bất ngờ hạ bậc tín dụng của chính phủ Mỹ xuống 1 bậc, từ mức cao nhất AAA xuống AA+, bất chấp cuộc khủng hoảng trần nợ công đã được giải quyết cách đây hai tháng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chỉ trích quyết định của Fitch hạ bậc tín dụng của Mỹ là “tùy tiện và dựa trên dữ liệu lỗi thời”. NYPost/Getty

Trong thông báo giải thích về quyết định trên, Ficth cho biết, việc hạ cấp một bậc tín dụng của Mỹ xuống mức AA+ phản ánh “sự xói mòn về quản trị” đã “thể hiện qua các lần bế tắc về trần nợ công nợ lặp đi lặp lại và các giải pháp vào phút cuối”.

Thực tế, cứ sau vài năm, nước Mỹ lại đối mặt với viễn cảnh vỡ nợ. Một đạo luật có từ năm 1917 đã dẫn đến một giới hạn cố định về tổng số nợ đô la mà chính phủ có thể vay, hay còn gọi là trần nợ công. Giới hạn này chỉ có thể được nâng lên khi quốc hội và tổng thống đạt được thỏa thuận.

“Bóng ma” vỡ nợ đe dọa Mỹ trong nửa đầu năm 2023 sau khi nợ công của đất nước chạm mức trần 31,4 nghìn tỉ đô la Mỹ hồi đầu năm. Điều này khiến các nhà chính trị phải chạy đua với thời gian để đàm phán nâng trần nợ công trước khi chính phủ Mỹ cạn kiệt tiền và có thể vỡ nợ nếu không thanh toán được các hóa đơn bao gồm nợ trái phiếu.

Bế tắc được giải quyết vào cuối tháng 5 khi Nhà Trắng và phe Cộng hòa tại quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận đình chỉ trần nợ công. Nhưng điều đó lại làm dấy lên sự không chắc chắn về cam kết của các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ trong việc loại bỏ những cuộc tranh cãi và “thi gan” mạo hiểm vào phút chót để đáp ứng các khoản thanh toán trái phiếu trong tương lai trong bối cảnh khối nợ công của đất nước ngày càng chồng chất.

Vì vậy, Fitch hạ bậc tín dụng của Mỹ xuống AA+ từ AAA, với lý do tình hình tài chính xấu đi trong ba năm tới và các cuộc đàm phán về trần nợ công lặp đi lặp lại đe dọa khả năng thanh toán các hóa đơn của chính phủ.

Với quyết định này, Fitch trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm lớn thứ hai sau Standard & Poor’s tước bỏ mức xếp hạng danh giá AAA của Mỹ.

Fitch cho biết, các bế tắc chính trị lặp đi lặp lại và các thỏa thuận vào phút chót về giới hạn nợ công đã làm xói mòn niềm tin vào quản lý tài khóa.

“Theo quan điểm của Fitch, đã có sự xói mòn dần dần về các tiêu chuẩn quản trị của Mỹ trong 20 năm qua, bao gồm cả các vấn đề tài chính và nợ, bất chấp thỏa thuận lưỡng đảng hồi tháng 6 về việc đình chỉ giới hạn nợ công cho đến tháng 1-2025”, Fitch cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã chỉ trích quyết định của Fitch là “tùy tiện và dựa trên dữ liệu lỗi thời”. Nhà Trắng cũng có quan điểm tương tự, nói rằng “hoàn toàn không đồng ý với quyết định này”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói: “Việc hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ vào thời điểm Tổng thống Biden đã mang lại sự phục hồi mạnh mẽ nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới là bất chấp thực tế”.

Các nhà phân tích cho biết, động thái của Fitch cho thấy tác hại của các cuộc tranh luận lặp đi lặp lại về trần nợ công nhiều lần đẩy Mỹ đến bờ vực vỡ nợ.

“Điều này về cơ bản cho thấy chi tiêu của chính phủ Mỹ có vấn đề”, Steven Ricchiuto, nhà kinh tế trưởng của Mizuho Securities USA, cho biết.

Michael Schulman, giám đốc đầu tư của Running Point Capital Advisors, nhận định, tài chính của chính phủ nhìn chung sẽ được coi là mạnh mẽ nhưng quyết định của Fitch sẽ gây ra “một vết lõm đối với danh tiếng và vị thế của Mỹ”.

Các chuyên gia khác bày tỏ sự ngạc nhiên về thời điểm Fitch hạ bậc tín dụng của Mỹ.

“Tôi không hiểu cách mà Fitch đánh giá thông tin hiện tại xấu hơn trước khi cuộc khủng hoảng trần nợ công được giải quyết”, Wendy Edelberg, giám đốc Dự án Hamilton tại Viện Brookings ở Washington D.C., nói

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng quyết định của Fitch chỉ gây tác động ở mức hạn chế trong dài hạn.

“Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ thấy quá nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người có chiến lược đầu tư dài hạn, muốn bán cổ phiếu vì Fitch hạ bậc tín dụng Mỹ từ từ AAA xuống AA+”, Jason Ware, giám đốc đầu tư của Albion Financial Group, nhận định.

Các nhà đầu tư sử dụng xếp hạng tín dụng để đánh giá hồ sơ rủi ro của các công ty và chính phủ khi họ huy động vốn trên thị trường vốn nợ. Nói chung, mức xếp hạng tín dụng của bên đi vay càng thấp thì chi phí tài chính của họ càng cao.

Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của Truist Advisory Services, nói: “Hiện tại vẫn chưa chắc chắn thị trường bị tác động ở mức nào vì quyết định của Fitch. Thị trường đang ở thời điểm dễ bị tổn thương trước những tin xấu”.

Trong cuộc khủng hoảng trần nợ công trước đó của Mỹ vào năm 2011, Standard & Poor’s đã hạ xếp hạng AAA của Mỹ xuống AA+ vài ngày sau thỏa thuận trần nợ công đạt được, với lý do phân cực chính trị và thiếu các bước đi để điều chỉnh triển vọng tài chính của quốc gia.

Sau lần hạ bậc tín dụng đó, chứng khoán Mỹ sụt giảm và tác động lan ra các thị trường chứng khoán toàn cầu. Vào thời điểm đó, khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, hôm 1-8, nhà phân tích Ed Mills của Raymond James cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không phản ứng đáng kể với tin tức trên.

“Nhìn chung, thông báo của Fitch có nhiều khả năng bị thị trường bác bỏ hơn là có tác động gây gián đoạn lâu dài đối với nền kinh tế và thị trường Mỹ”, Mohamed El-Erian, trưởng cố vấn kinh tế của tập đoàn bảo hiểm và quản lý tài sản Allianz, nhận xét.

Theo Bloomberg, Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-bat-ngo-bi-ha-bac-tin-dung-vi-xoi-mon-quan-tri/