Mỹ bắt sĩ quan cảnh sát đè chết người da đen gây chấn động

Viên cảnh sát Minneapolis đè đầu gối lên cổ người đàn ông da đen - sau đó đã tử vong, vừa bị bắt giữ và cáo buộc giết người, công tố viên cho biết hôm 29/5.

Vụ bắt giữ xảy ra sau ba đêm liên tiếp bùng nổ các cuộc biểu tình bạo lực gây chấn động thành phố ở miền trung tây nước Mỹ.

Viên cảnh sát da trắng có tên Derek Chauvin - người đã bị ghi hình cảnh tượng ghì đầu gối lên cổ của George Floyd hôm 25/5 trước khi người đàn ông da đen 46 tuổi này tử vong tại bệnh viện, vừa bị truy tố tội giết người cấp độ ba, công tố viên quận Hennepin - ông Mike Freeman, cho biết.

Vụ việc vô cùng rùng rợn và khủng khiếp

“Ông ta bị bắt giữ và truy tố giết người”, ông Freeman nói về sĩ quan cảnh sát Chauvin. “Chúng tôi có bằng chứng, chúng tôi có video vụ việc, chúng tôi đã xem đi xem lại kỹ lưỡng sự việc vô cùng rùng rợn và khủng khiếp này, chúng tôi có camera gắn trên cơ thể của viên cảnh sát, chúng tôi có lời của một số nhân chứng”, vị công tố viên nêu rõ.

Video lan truyền trên mạng xã hội hôm 25/5 cho thấy viên cảnh sát da trắng đang đè đầu gối xuống cổ ông George Floyd. Ông Floyd sau đó được cấp cứu đến trung tâm y tế và tử vong. Ảnh: AP.

Nạn nhân Floyd, 46 tuổi, tử vong tối 25/5 sau khi bị một cảnh sát đè đầu gối lên cổ trong hơn 8 phút. Video cho thấy Floyd đã cầu xin “đừng, đừng, tôi không thở được”, trước khi tử vong.

Sĩ quan cảnh sát Chauvin cùng ba đồng nghiệp tại hiện trường đã bị sa thải khỏi sở cảnh sát ở Minneapolis hôm 26/5. Giới chức địa phương xác định những sĩ quan cảnh sát còn lại trong vụ việc là Thomas Lane, Tou Thao và J Alexander Kueng.

Công tố viên Freeman cho biết vụ điều tra đối với Chauvin - người phải đối mặt án tùi 25 năm vì cáo buộc giết người, vẫn đang diễn ra và ông đang thúc đẩy đưa ra các cáo buộc với những sĩ quan cảnh sát khác có liên quan. Ông Freeman nói rằng đưa ra cáo buộc với “hung thủ nguy hiểm nhất trước tiên” là phù hợp.

Giám đốc cảnh sát thành phố Minneapolis nói với các phóng viên ngày 26/5 rằng ông đã mời Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào cuộc vì “biết rằng có thể có dấu hiệu vi phạm quyền bình đẳng dân sự”. Viên cảnh sát đã đè cổ Floyd là người da trắng, trong khi anh là người da đen.

Bùng nổ biểu tình bạo lực

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cho rằng video ghi lại vụ việc này là "bị thảm và rất đáng lo ngại", đồng thời cho biết đang thực hiện song song cuộc điều tra liên bang để xác định liệu viên cảnh sát có vi phạm nhân quyền hay không.

Bạo động bùng phát tại Minneapolis sau vụ việc gây rúng động khắp nước Mỹ. Hàng trăm cửa hàng đã bị phát hủy và một sở cảnh sát bị phóng hỏa trong các cuộc biểu tình bạo lực.

Người biểu tình tập trung ở sở cảnh sát bị đốt cháy tại Minneapolis hôm 28/5. Ảnh: AP.

Cái chết của Floyd là vụ án mạng gần đây nhất làm kích động phản ứng của người Mỹ về chính sách đối với các nhóm thiểu số. Vụ việc cũng gợi nhớ về cái chết của Eric Garner năm 2014.

Garner, người đàn ông da đen không có vũ trang ở thành phố New York, đã chết sau khi bị cảnh sát bắt giữ. Trước đó, ông cũng nói với cảnh sát rằng "tôi không thể thở được".

Mike Griffin, nhà hoạt động vì cộng đồng ở Minneapolis, cho biết các cuộc biểu tình vừa qua phản ánh nỗi thất vọng trong nhiều năm về sự bất bình đẳng kinh tế giữa người da trắng và các nhóm thiểu số. Họ cảm thấy cảnh sát coi thường mạng sống của người da đen hơn so với người da trắng.

Ông Griffin cho rằng cơn giận dữ đã được tích tụ kể từ vụ việc năm 2015, khi cảnh sát Minneapolis nổ súng giết chết người đàn ông da đen 24 tuổi có tên Jamar Clark, và vụ giết Philando Castile năm 2016. Castile, người đàn ông da đen 32 tuổi, bị cảnh sát bắn chết khi đang dừng đèn đỏ.

"Vụ George Floyd bị sát hại chỉ là giọt nước tràn ly", ông Griffin nói với Reuters, cho rằng việc bắt giữ cảnh sát Chauvin là bước đi đúng hướng. "Chúng ta cần thay đổi các vấn đề mang tính hệ thống với lực lượng cảnh sát", ông nói thêm.

Trước đó, Thống đốc bang Minnesota Tim Walz cho biết ông hiểu lý do tại sao người dân "mất niềm tin" vào cảnh sát, nhưng ông kêu gọi chấm dứt việc phá hoại tài sản và đốt cháy đồn cảnh sát hôm 28/5.

Thống đốc Walz đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kêu gọi lực lượng Vệ binh Quốc gia và lực lượng tuần tra bang khôi phục trật tự trong khu vực. Ông Walz cũng gửi lời xin lỗi CNN sau khi bắt giữ nhóm phóng viên của kênh này trong cuộc truy quét tối hôm 29/5.

"Không ai trong chúng ta có thể sống trong một xã hội mà mọi người cứ đi lang thang, không được kiểm soát và làm bất cứ điều gì họ muốn, hay phá hoại tài sản", thống đốc bang Minnesota nói và cảnh báo rằng không thể bàn về vấn đề bất bình đẳng hay phân biệt chủng tộc trong khu vực nếu người dân không bình tĩnh.

"Chúng tôi phải quay trở lại với vấn đề là nguồn cơn nào khiến mọi chuyện đi đến nước này và bắt đầu xử lý từ đó", ông nói thêm.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở các thành phố khác của Mỹ để phản đối vụ giết hại Floyd và những người da đen không có vũ trang khác, bao gồm Breonna Taylor, người phụ nữ bị cảnh sát bắn chết tại nhà riêng ở Louisville, Kentucky, vào tháng 3.

Cảnh sát đè đầu gối lên cổ người đàn ông da màu tử vong ở Mỹ Bốn nhân viên cảnh sát ở thành phố Minneapolis, Mỹ bị sa thải hôm 26/5 vì liên quan tới cái chết của một người da màu không vũ trang.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-bat-si-quan-canh-sat-de-chet-nguoi-da-den-gay-chan-dong-post1090121.html