Mỹ biến Nga từ đối thủ lớn thành kẻ thù nguy hiểm

Tạp chí Mỹ National Interest (NI) đã chỉ ra những quan điểm sai lầm nghiêm trọng của Mỹ trong quan hệ với Nga, khi đánh đồng đối thủ với kẻ thù.

Mỹ không chấp nhận xu hướng thế giới đơn cực chuyển thành đa cực

Chính quyền hiện tại của Mỹ không có kinh nghiệm và kiên nhẫn để đối phó với các đối thủ, do đó, họ coi tất cả là kẻ thù. Vì nguyên nhân này mà chiến lược hiện tại của Mỹ đối với Nga chỉ đơn giản là không hiệu quả, biên tập viên của Tạp chí “Lợi ích Dân tộc” (National Interest).

Theo tác giả Nicholas Gvozdev, về mặt lý thuyết, chính sách của Washington đối với Moscow nên dựa trên hai nguyên tắc liên quan: Một mặt vẫn răn đe, ngăn chặn các hành động của Nga mà Washington phản đối; nhưng đồng thời cũng cần phải thiết lập liên hệ để tìm kiếm lĩnh vực mà đôi bên có thể hợp tác cùng có lợi.

Tuy nhiên, trên thực tế, Hoa Kỳ không thể thực hiện nó do họ vẫn nhìn nhận thế giới như họ đã làm trong những năm 1990, khi Liên bang Xô viết (Liên Xô) tan rã, Khối các nước Chủ nghĩa Xã hội sụp đổ, thế giới chỉ còn một cực mà Mỹ là nhà lãnh đạo duy nhất.

Vào thời điểm đó, nước Nga đang “hỗn loạn và mất định hướng về chính trị, suy sụp và lạc lối về kinh tế”, nên Moscow đã đánh mất vị thế của mình trên trường quốc tế, chỉ còn là một “Quốc gia hạng hai”. Còn Trung Quốc khi đó đơn giản đang rất yếu ớt và phải “náu mình chờ thời”.

Do đó, không một quốc gia hay nhóm quốc gia nào có thể ngăn cản Hoa Kỳ thực hiện chính sách độc đoán của mình trên trường quốc tế.

Những nước này, một số ít thì hoàn toàn đồng ý với chính sách như vậy (ví dụ như Anh), còn phần lớn các nước khác đơn giản là không thể phản đối bất cứ điều gì trong chính sách của Washington, vì họ không có sức mạnh cũng như phương tiện đáp trả những hành động đó.

Ông Gvozdyev lưu ý rằng, hiện nay thế giới đang ở giai đoạn gần giữa thế kỷ 21, thế giới bắt đầu bình thường hóa quá trình phát triển theo các quy luật chung trong lịch sử loài người, thế giới đơn cực bắt đầu tan rã, xuất hiện những cường quốc mới trỗi dậy, có xu hướng liên kết chống lại sự thống trị của Mỹ.

Đây là điều Washington không thích và không muốn nó xảy ra và họ nỗ lực vì mục đích tối thượng là duy trì sự thống trị. Nhưng thay vì các bên cố gắng nỗ lực để đạt được mục đích của mình, thì Mỹ lại sử dụng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để bóp chết đối thủ.

Mỹ không chấp nhận một thế giới đa cực, tìm cách tiêu diệt bất cứ ai đe dọa địa vị thống trị của mình

Cạnh tranh để phát triển, Mỹ nên tìm cách sống chung với Nga

Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là cường quốc quân sự và kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới nhưng một mình họ không còn đủ sức thống trị thế giới, đã có những quốc gia khác sở hữu sức mạnh và phương tiện đủ để chống lại sự thống trị của Washington và bảo vệ lợi ích của mình.

Nhưng, theo biên tập viên của National Interest, nền tảng chính trị Hoa Kỳ [giới tinh hoa chính trị và học thuyết chính trị Mỹ] không đủ kinh nghiệm và sự kiên nhẫn để đối phó với các quốc gia như vậy.

Cụ thể, Hoa Kỳ không hiểu sự khác biệt giữa các thuật ngữ "đối thủ" và "kẻ thù". Họ đã quen "vơ đũa cả nắm", tin rằng bất kỳ điều gây ra cạnh tranh đều là dấu hiệu của sự thù địch, mà không hiểu rằng, cạnh tranh [lành mạnh] chính là động lực của sự phát triển.

Ông Gvozdev nhấn mạnh rằng, chính quan điểm cực đoan này đã gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác lâu dài ở châu Âu và châu Á, đặc biệt là đánh đồng các đối thủ trở thành kẻ thù, ví dụ như Nga, Trung Quốc hay Iran...

Vị chuyên gia Mỹ kết luận rằng, chính quyền Washington cần hiểu sự khác biệt giữa sự cạnh tranh và sự thù địch trong quan hệ với Nga.

Vào thời điểm đầu những năm 1990 khi Liên Xô mới tan rã, chính quyền Liên bang Nga muốn trở thành một phần của phương Tây, nhưng hơn 10 năm sau nước Nga đã từng bước phục hồi về kinh tế, củng cố vị thế chính trị và tăng cường phạm vi ảnh hưởng về ngoại giao.

Hai mươi năm sau, theo đà phục hồi của nền kinh tế và sự củng cố chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Nga yếu ớt ngày nào đã trở lại với cương vị là một cường quốc về cả chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự, tái hiện phần nào hình ảnh của Liên Xô cũ.

Hiện nay, mặc dù Moscow đang theo đuổi chính sách độc lập của mình và muốn trở thành một đối thủ nặng ký của Hoa Kỳ, nhưng họ không có ý định trở thành kẻ thù của Washington. Đây là điều Mỹ nên hiểu để có sự điều chỉnh quan điểm và chiến lược của mình, để tìm kiếm lợi ích và sự hòa hợp với Nga, chung tay góp sức để thế giới ngày càng hòa bình và thịnh vượng.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-bien-nga-tu-doi-thu-lon-thanh-ke-thu-nguy-hiem-3370843/