Mỹ bình luận quý tăng trưởng thấp kỉ lục của Trung Quốc

Tăng trưởng quý thấp nhất trong vòng 27 năm trở lại đây, báo Mỹ bình luận Trung Quốc sẽ không dùng biện pháp kinh tế để cải thiện con số.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 18/10 đăng tải các số liệu kinh tế cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất trong quý III/2019 trong vòng 27 năm trở lại đây.

Đồ họa tăng trưởng kinh tế theo từng năm. Ảnh: Financial Times

Đồ họa tăng trưởng kinh tế theo từng năm. Ảnh: Financial Times

Theo đó, nền kinh tế nước này tăng trưởng chỉ đạt 6,0%, là mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ khi các chỉ số được thống kê (tháng 3/1992) đến nay.

Số liệu kinh tế này được cho là ảnh hưởng từ nhu cầu nội địa và cuộc chiến thương mại kéo dài.

Chỉ số vừa công bố cũng thấp hơn mức dự báo tăng trưởng Quý III của Trung Quốc do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hôm 10/10.

Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng được dự đoán trong ngưỡng mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra trong cả năm 2019 là 6,0- 6,5%.

Trong dữ liệu được công bố, chỉ số tích cực nhất được ghi nhận ở khu vực công nghiệp. Đây là thước đo sản lượng trong các lĩnh vực sản xuất và khai thác, đã tăng 5,8%, lớn hơn so với mức dự báo 4,9% và có cải thiện lớn so với mức 4,4% của tháng 8.

Lĩnh vực bán lẻ - khu vực tiêu thụ then chốt trong đất nước 1,4 tỉ dân, tăng trưởng 7,8% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 7,3% đạt được tháng trước đó.

Tăng trưởng kinh tế Quý 3 của Trung Quốc kém khởi sắc là điều đã được đoán trước.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 9 đã thừa nhận rất khó để duy trì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 6% hay cao hơn.

Lý do được ông Cường đưa ra là do quy mô nền kinh tế hiện đã lớn và một phần vì bối cảnh quốc tế phức tạp.

Ông Mao Shengyong, phát ngôn viên NBS đánh giá: "Tình hình kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay vẫn phức tạp và nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, sự bất ổn bên ngoài đang gia tăng và tăng áp lực đối với nền kinh tế trong nước". Các giải pháp được nêu chung chung bao gồm, kiên định tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội cho kỷ nguyên mới.

Tờ The Washington Post dẫn lời Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell Eswar Prasad cho rằng, cuộc chiến thương mại đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, làm nhu cầu tiêu dùng giảm đi nhanh chóng và lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sự không chắc chắn đến từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể làm tổn hại thêm đến môi trường đầu tư của khu vực tư nhân.

Dẫu vậy, vị chuyên gia cho rằng, con số tăng trưởng vẫn nằm trong ngưỡng dự báo của Trung Quốc, nó chưa thực sự nghiêm trọng đến mức có thể khiến ông Tập Cận Bình buộc phải tìm các biện pháp kinh tế để tác động đến chỉ số tăng trưởng như họ từng phải đối mặt với cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi đó, chuyên gia Michael Taylor, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service, nhận định trên Channel News Asia rằng, cuộc chiến tranh thương mại đã tác động rất lớn đến kinh tế Trung Quốc.

Rõ ràng nếu giải quyết được cuộc khủng hoảng này, kinh tế Trung Quốc sẽ sớm hồi phục. Nhưng triển vọng đàm phán lại mơ màng hơn khi nào hết, bất kể đã có những tín hiệu tích cực.

"Thỏa thuận một phần sẽ không giải quyết được những bất đồng cơ bản, sự khác biệt dài hạn về lợi ích quốc gia của Mỹ và Trung Quốc vẫn nằm ở thương mại, công nghệ, đầu tư và địa chính trị" - chuyên gia Michael Taylor nói.

Trung Quốc hiện nay chưa thể hiện rõ đánh giá tích cực của mình đối với những tín hiệu đầy lạc quan từ ông Trump về một thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1". Theo lời Tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã đồng ý công bố nhiều thỏa thuận có lợi cho nước Mỹ và nông dân Mỹ trong khi Bắc Kinh không hứa hẹn về con số nông sản sẽ mua của Mỹ trong tương lai.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/my-binh-luan-quy-tang-truong-thap-ki-luc-cua-trung-quoc-3389715/