Mỹ 'bỏ rơi' NATO, ve vãn Nga-Trung

Giới quan sát cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cho thấy chỉ muốn ưu tiên làm việc với các cường quốc lớn để nâng tầm vị thế trong khi để các nước nhỏ luôn dựa vào Washington trong vấn đề an ninh phải chờ đợi.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có kế hoạch không dự hội nghị ngoại trưởng các nước NATO, dự kiến được tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào tháng 4 tới, để ở nhà chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và cho chuyến công du Nga sau đó.

Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ hôm 21-3 cho biết, ông Tillerson có ý định bỏ lỡ cuộc gặp đầu tiên với 27 ngoại trưởng NATO khác trong 2 ngày (5 và 6-4) để có mặt tại cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago, tiểu bang Florida vào ngày 6 và 7-4. Sau đó, vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ tiếp tục chuẩn bị cho chuyến công du Nga.

Một cựu quan chức Mỹ và một cựu quan chức ngoại giao của NATO cho rằng, liên minh đã đề nghị thay đổi ngày họp để ông Tillerson có thể tham dự cả nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ ý kiến này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Tillerson sẽ gặp các ngoại trưởng NATO - ngoại trừ Croatia - tại Washington vào hôm nay (22-3) nhằm bàn về vấn đề đánh bại nhóm phiến quân IS. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Washington hôm 20-3 và có cuộc hội đàm cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson sẽ không hội đàm riêng biệt với bất kỳ người đồng cấp nào ở Washington cũng như không thảo luận về mối quan hệ Mỹ-NATO.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tuần trước. Ảnh: Reuters

Thông tin về lịch trình làm việc của vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ ngay lập tức gây nhiều tranh cãi. Nghị sĩ Eliot Engel của đảng Dân chủ, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói rằng, ông Tillerson đã phạm sai lầm lớn khi bỏ qua các cuộc đàm phán ở Brussels với các đối tác NATO. “Cách nắm quyền của ông Trump đang gây ra sai lầm nghiêm trọng, sẽ làm rung chuyển niềm tin của liên minh quan trọng nhất của Mỹ và khiến các nước lo ngại khi Washington quá thân mật với Moscow”, nghị sĩ Engel nói. Một cựu quan chức Mỹ cũng cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Trump hành động như thế này báo hiệu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ: rời xa các đồng minh phương Tây và tiến gần hơn với Nga.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, động thái này cho thấy, chính quyền Tổng thống Trump muốn ưu tiên làm việc với các cường quốc lớn và phớt lờ các nước nhỏ luôn dựa vào Washington trong vấn đề an ninh. Không kể đến chuyến thăm đang được chờ đợi của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ, theo giới quan sát, việc một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump đến thăm Nga vào thời điểm này chắc chắn sẽ là sự kiện trọng tâm trên chính trường thế giới.

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ thu hút sự chú ý lớn kể từ khi ông Trump trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, khi nhà lãnh đạo của cả hai nước ngụ ý sẵn sàng xây dựng mối quan hệ gần gũi. Tổng thống Trump thường xuyên ca ngợi người đồng cấp Putin trong khi Ngoại trưởng Tillerson từng làm việc với chính phủ Nga trong nhiều năm với tư cách giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu của tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil. Ông Tillerson cũng từng cho rằng, biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể gây hại lớn cho các doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích NATO, cho rằng, liên minh quân sự này đã “lỗi thời” và buộc các thành viên khác đáp ứng các cam kết dành ít nhất 2% GDP cho kế hoạch phòng thủ. Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng còn khiến các quan chức Anh khó chịu khi nhạo báng thông tin truyền thông cho rằng, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại của ông Trump với sự trợ giúp của cơ quan gián điệp GCHQ của Anh.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_163500_my-bo-roi-nato-ve-van-nga-trung.aspx