Mỹ cảnh báo sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh Whitmore

Loại vi khuẩn này đáng ngại đến mức các nhà khoa học gọi nó là tác nhân khủng bố sinh học.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei phát triển sau 72 giờ xâm nhập vào cơ thể. Ảnh: CDC.

Theo USA Today, Một loại khuẩn nguy hiểm đã được các nhà nghiên cứu phát hiện sinh sôi tự do trong đất và nước tại các bang dọc theo vịnh Mexico, Mỹ.

Vi khuẩn này có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei (hay còn được biết đến với tên gọi vi khuẩn ăn thịt người). Chúng gây ra bệnh melioidosis, hay bệnh whitmore, với tỷ lệ tử vong lên đến 50% cho bất kỳ ai nuốt hoặc hít phải. Hầu hết nạn nhân của vi khuẩn này đều là những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Không chỉ vậy, theo báo cáo đăng trên Journal of Community Hospital Internal Medicine Perspectives, tạp chí y khoa được xuất bản bởi Trung tâm Y tế Greater Baltimore (Mỹ), trong trường hợp bị ức chế miễn dịch, bệnh whitmore có thể tái hoạt động.

Trước đây, Mỹ ghi nhận một trường hợp nhiễm khuẩn này và ủ bệnh tới 26 năm của một cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, vi khuẩn này được cho là khiến 2 người tử vong và có mặt tại bang Mississippi từ năm 2020. Chúng cũng là tác nhân gây bệnh cho một bệnh nhân tại bang Florida.

Giống như trăn Miến Điện hay ớt Brazil, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei di cư từ vùng đất khác đến Mỹ rồi sinh sôi tại đây. Loại vi khuẩn này chủ yếu được tìm thấy ở Đông Nam Á và Australia.

"Nó đến từ những nơi có khí hậu nhiệt đới. Các bang vùng Vịnh cũng có khí hậu tương tự. Đó là lý do chúng lại phát triển tại đây", nhà dịch tễ học Sarah Park, Giám đốc y tế về các vấn đề y tế tại Karius, một công ty sản xuất kit xét nghiệm, cho biết.

Dù đã có kinh nghiệm làm nhà dịch tễ học của bang Hawaii hơn một thập kỷ, bà Park cho hay CDC Mỹ vẫn chưa rõ mức độ phổ biến của vi khuẩn này trong môi trường. Tuy nhiên, cơ quan này chắc chắn chúng tồn tại ở nhiều bang hơn trên nước Mỹ.

CDC cho biết khoảng 12 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore ở Mỹ hàng năm hầu hết đều xuất hiện ở những người đi du lịch đến một quốc gia, nơi vi khuẩn này lưu hành, trong thời gian gần.

Một trong những lý do khiến CDC đưa ra cảnh báo về vi khuẩn này là vì chúng gây ra căn bệnh có triệu chứng dễ nhầm lẫn với hàng loạt bệnh khác.

Bệnh whitmore có thể gây ra hàng loạt triệu chứng như bệnh lao, cúm, viêm phổi, viêm não tủy, viêm khớp nhiễm trùng, viêm tủy xương... Ở nhiều nơi trên thế giới, tỷ lệ gây tử vong của bệnh này là 10-50%.

Tuy nhiên, căn bệnh này không đáng ngại ở những người khỏe mạnh. Theo CDC, vi khuẩn chỉ tấn công vào một số đối tượng nguy cơ là những người mắc các bệnh tiểu đường, gan, thận, tan máu bẩm sinh, ung thư, HIV...

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/my-canh-bao-su-lay-lan-cua-vi-khuan-gay-benh-whitmore-post1442586.html