Mỹ cảnh báo 'xóa sổ' con bài năng lượng Nga – Đức?

Mỹ đã cảnh báo cả Nga và Đức không nên tiếp tục dự án đường ống dẫn khí dự kiến sẽ kết nối hai nước này.

Mỹ đã cảnh báo cả Nga và Đức không nên tiếp tục dự án đường ống dẫn khí dự kiến sẽ kết nối hai nước này, đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt và tuyên bố dự án này sẽ đe dọa tới an ninh của các đồng minh châu Âu.

Hoạt động xây dựng gần đây đã được khởi động đối với dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) - một đường ống dẫn khí dự kiến sẽ trải dài từ Nga -dọc theo một đường ống hiện có

Dự án Nord Stream 2 từ Ust-Luga thuộc Leningrad, Nga tới vùng Greifswald, Đức. (Nguồn: GAZPROM)

đi qua Biển Baltic và cập bến Đông Bắc nước Đức. Sau khi hoàn thành, Nord Stream 2 có công suất vận chuyển gấp đôi lượng khí đốt mà Nga có thể cung cấp cho châu Âu.

Mỹ ra tín hiệu cảnh báo

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách Ngoại giao năng lượng Sandra Oudkirk, trong một chuyến thăm tới Berlin, đã nói với các phóng viên ngày 17/5 rằng, dự án này có thể tăng cường những "ảnh hưởng ác tính" của Nga trong khu vực và rằng Washington "đang sử dụng sức nặng thuyết phục mạnh nhất có thể" để ngăn chặn công trình này, theo AP.

Đáp trả lại thông điệp này, Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov trả lời ngày 18/5 rằng, "Tình hình là đang có nhiều thách thức trong bối cảnh những phát biểu gần đây từ Washington," theo hãng thông tấn Nga Tass. Mỹ đã đe dọa không chỉ phản đối dự án này về mặt chính trị mà còn “tấn công” về mặt kinh tế.

Oudkirk cho biết, Quốc hội Mỹ đã cho Bộ Ngoại giao thẩm quyền tiến hành trừng phạt đối với các công ty tham gia vào dự án này vì mối liên hệ với Nga. Washington cho tới nay đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào điện Kremlin và các doanh nghiệp Nga về những cáo buộc rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nga phủ nhận mọi cáo buộc liên quan và chỉ trích rằng nước Mỹ đang nhằm vào một cường quốc đang tăng cường sức mạnh một cách không công bằng.

Ông Putin vào ngày 18/5 cho biết, ông không thấy bất cứ điều gì mới về lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng Tổng thống Mỹ nghiêng về việc hành động như một "doanh nhân".

"Tôi nghĩ ông ấy đang tăng cường lợi ích kinh doanh trong việc bán khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ tại thị trường châu Âu", Tổng thống Nga cho biết.

“Ốc đảo hợp tác” Nga - Đức

Chính phủ Đức đã từng cho biết, tại thời điểm Nga và phương Tây đang bất đồng mạnh mẽ về cuộc xung đột Ukraine và các vấn đề khác, Berlin xem dự án Nord Stream 2 và thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran là những "ốc đảo hợp tác" với Moscow.

Dự án Nord Stream 2 cũng là một trong những chủ đề được thảo luận khi Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/5 tại thành phố Sochi ở miền nam nước Nga. Trong một cuộc họp báo sau đó, ông Putin cho biết, hai nhà lãnh đạo "luôn xem đây là một dự án kinh tế thuần túy, nó luôn được các doanh nghiệp giải quyết và hoàn toàn được tách biệt khỏi những tính toán chính trị".

Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/5 tại thành phố Sochi.

Ông Putinc cũng đảm bảo rằng, Nga không có kế hoạch ngừng vận chuyển khí đốt qua nước láng giềng Ukraine một khi dự án đường ống Nord Stream 2 được hoàn thành. Quan hệ giữa Nga và Ukraine đã trở nên bất ổn sau cuộc nổi dậy nổi dậy chính trị năm 2014 tại Kiev đã lật đổ một tổng thống ủng hộ quan hệ xích lại với Moscow. Nga sau đó đã bị phương Tây chỉ trích vì sáp nhập Crimea và được cho là đã hỗ trợ cho lực lượng li khai tiến hành một cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine.

Sự hiện diện của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã là một chất xúc tác cho sự sụp đổ trong quan hệ giữa Moscow và NATO - liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu, trong đó Đức là thành viên. Bất chấp sự phản đối của Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Âu, Đức vẫn duy trì cam kết thực hiện dự án Nord Stream 2 – con đường vượt trội hơn các tuyến đường khí đốt khác đi qua Ukraine, do sức ép từ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của chính họ.

"Peter Altmaier, Bộ trưởng kinh tế của chúng tôi đã tổ chức các cuộc đàm phán trong tuần này để đảm bảo rằng ngay cả sau khi xây dựng Nord Stream 2, vai trò của Ukraine -như một quốc gia quá cảnh (về năng lượng - pv) nên được duy trì vì tầm quan trọng chiến lược của họ", bà Merkel cho biết tại hội nghị ở Sochi.

"Đức đang sẵn sàng thực hiện trách nhiệm và cung cấp sự hỗ trợ. Chúng tôi cũng nhìn nhận Nord Stream 2 chỉ là một dự án kinh tế và thương mại, nhưng nó cũng có nhiều góc độ khác, vì vậy chúng tôi cũng cần phải suy tính về việc bảo đảm cho Ukraine về vấn đề này", Thủ tướng Đức nói thêm.

Đức là nước tiêu thụ khí tự nhiên lớn thứ hai ở EU, sau Anh. Giống như dự án Nord Stream - được khánh thành vào năm 2012, Nord Stream 2 – trị giá 11 tỷ USD được ước tính có khả năng cung cấp tới 51 tỷ m3 khí thiên nhiên cho châu Âu, đủ cung cấp nhiên liệu cho khoảng 24 triệu hộ gia đình.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức cũng đang có kế hoạch tăng sự phụ thuộc vào khí đốt để sản xuất điện khi họ bắt đầu chương trình xóa bỏ các nhà máy điện hạt nhân.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/my-canh-bao-xoa-so-con-bai-nang-luong-nga-duc-340645.html