Mỹ cao thượng không muốn rút quân khỏi Hàn Quốc?

Vấn đề rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc không 'nằm trên bàn' đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 tới.

Không phải việc của Triều Tiên?

Ngày 2/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố vấn đề rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc không "nằm trên bàn" đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 tới.

Ông Mattis khẳng định: "Bất kỳ cuộc thảo luận nào về số lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc đều liên quan tới lời mời của phía Hàn Quốc để những binh sĩ này hiện diện tại đây. Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ đều riêng rẽ với các cuộc đàm phán với phía Triều Tiên".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu về "Sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức đối với an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" tại Đối thoại Shangri-La ngày 2/6

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo trong phiên thảo luận sau đó tại Shangri-La cũng khẳng định sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc là vấn đề riêng rẽ với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Ông Song Young Moo nói: "Lực lượng Mỹ ở bán đảo Triều Tiên nhằm duy trì sự ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như tại khu vực Đông Bắc Á".

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc được gần 70 năm. Mới đây, lực lượng này lại trở thành "vấn đề chính trị".

Trong khi chính quyền Bình Nhưỡng ra điều kiện yêu cầu Mỹ rút quân đồn trú khỏi bán đảo Triều Tiên như một phần của thỏa thuận phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc lại muốn lực lượng này "ở lại" để hỗ trợ Xứ sở kim chi về vấn đề phòng thủ còn Washington thì muốn cắt giảm quân số để bớt đi gánh nặng về tài chính.

Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng đề cập tới vấn đề chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Đông Bắc Á.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản không phải là những đối tượng duy nhất mà Triều Tiên có thể tiến hành "những hành động thiếu tính toán hoặc liều lĩnh" nhưng cả Seoul và Tokyo nên cùng với Washington "chia sẻ" những chi phí tốn kém để duy trì các hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực.

Mỹ hiện đang duy trì khoảng 28.000 binh sĩ đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc với nhiệm vụ chủ yếu là "huấn luyện".

Hàng năm, liên quân Mỹ - Hàn thường tổ chức các cuộc tập trận chung, bắn đạn thật trên thực địa và mô phỏng trên máy tính mang tên "Đại bàng non" và "Giải pháp then chốt", huy động hàng nghìn binh sĩ của nhiều lực lượng (gồm cả bộ binh, hải quân và không quân) tham gia cùng các loại vũ khí khí tài tối tân, diễn tập với các tình huống giả định như nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Binh sĩ Mỹ và xe bọc thép M2A2 Bradley trong một cuộc tập trận tại Hàn Quốc

Phía Triều Tiên hàng năm đều phản đối những cuộc tập trận này của liên quân Mỹ - Hàn, coi đó là hành động diễn tập để chuẩn bị xâm lược Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng đề nghị Washington rút quân đồn trú khỏi bán đảo Triều Tiên như một phần của thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Về phần mình, Hàn Quốc cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên không phải là vấn đề để mặc cả và bất cứ sự cắt giảm quân số nào cũng phải được chính quyền Mỹ và Hàn Quốc thảo luận và tự đưa ra quyết định cuối cùng.

Lý do "cao cả" của người Mỹ

Phát biểu với báo giới mới đây, ông Donald Trump nhấn mạnh rằng vấn đề quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc vẫn chưa được bàn tới. Tuy nhiên, bản thân ông Trump vẫn đang than phiền về vấn đề chi phí cho lực lượng này khi cho rằng: "Vấn đề này sẽ được đề cập đến trong tương lai và mục tiêu cuối cùng của tôi vẫn là vấn đề tài chính".

Theo các nhà phân tích, Hàn Quốc hàng năm được cho là cũng đã phải chi khoảng 800 triệu USD (khoảng 1/2 tổng chi phí) để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-cao-thuong-khong-muon-rut-quan-khoi-han-quoc-3359307/