Mỹ chặn Nord Stream-2, Nga hỏi cạnh tranh công bằng

Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết giúp chính quyền Trump ngăn cản Nga làm dự án Nord Stream-2 sang châu Âu.

Ngày 12/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng bình luận về động thái Mỹ cố gắng ngăn chặn dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu chạy dưới biển Baltic mang tên Nord Stream-2.

Thư ký Điện Kremlin Dmitry Peskov

Theo đó, ông Peskov nhấn mạnh rằng, việc Mỹ tiếp tục ngăn cản dự án Nord Stream-2 với lý do "đảm bảo an ninh năng lượng châu Âu" là không thể chấp nhận được.

Nhắc lại tính phi chính trị của dự án Nord Stream-2, ông Peskov cho biết: "Chúng tôi không cho rằng điều này là không chấp nhận được vì đây là các nỗ lực cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế, một dự án thương mại thuần túy, đáp ứng không chỉ lợi ích của nhà cung cấp khí đốt là Nga mà còn của cả người tiêu dùng là Đức- một thành viên của Liên minh châu Âu".

Thư ký Điện Kremlin cho rằng, Mỹ đang cản trở dự án thương mại và hành động của Mỹ là "một ví dụ rõ ràng nhất cho kiểu cạnh tranh không lành mạnh trong các dự án thương mại thuần túy".

Ông Peskov cũng cho rằng, phản ứng của Quốc hội Mỹ chưa được cụ thể hóa các hành động mà chính quyền ông Trump sẽ làm trong tương lai để ngăn cản dự án năng lượng giữa Nga và Đức. Dẫu vậy, các hành động của Washington chỉ cho thấy họ đang vi phạm những quy tắc cần thiết nhất trong thương mại, đó là cạnh tranh công bằng.

"Washington đang cố gắng cản trở việc thực hiện dự án Nord Stream-2, sử dụng tất cả các phương pháp có thể chấp nhận và không thể chấp nhận được. Điều đó không gì khác hơn là che giấu sự cạnh tranh không lành mạnh" - ông Peskov nhấn mạnh.

Nghị quyết mới được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 12/12 cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump hành động mọi thứ để "đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu".

Đây được cho là Nghị quyết mang tính biểu tượng nhằm phản đối dự án khí đốt Nord Stream-2 của Nga song nó cũng cho thấy nỗ lực mới nhất của chính quyền Mỹ trong việc ngăn chặn dự án trị giá 11 tỷ USD này.

Nghị quyết của Quốc hội Mỹ cho rằng, dự án Nord Stream-2 là một "bước thụt lùi cho an ninh năng lượng châu Âu và lợi ích của Mỹ", đồng thời kêu gọi các bước đi của chính quyền ông Trump nhằm phản đối dự án.

Nghị quyết cũng kêu gọi Tổng thống Donald Trump "sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để hỗ trợ an ninh năng lượng châu Âu".

Một ngày trước, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Năng lượng Mỹ, ông Francis Fannon phát đi tuyên bố cho rằng, Mỹ đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt đối với dự án Nord Stream-2 của Nga.

"Các công ty làm việc trong lĩnh vực đường ống năng lượng của Nga đang tham gia và rất nhiều hoạt động kinh doanh có rủi ro bị trừng phạt. Chúng tôi hiện đang xem xét các hình thức trừng phạt có thể. Chính quyền Mỹ có khả năng xử phạt Nga trong việc xuất khẩu các đường ống dẫn khí đốt theo Đạo luật đối phó với đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt - CAATSA" - ông Fannon nêu rõ.

Vị trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rõ quan điểm, Washington tin rằng việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 sẽ là "mối đe dọa địa chiến lược rộng lớn" đối với an ninh châu Âu và kêu gọi tất cả các bên rút khỏi dự án.

Trước đó, đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu Vladimir Chizhov cho rằng, dù có sự can thiệp thế nào, dự án Nord Stream-2 vẫn nhận được sự ủng hộ kiên quyết của các nhà đầu tư châu Âu. Dường như không có trở ngại nào đáng kể cho việc đẩy dự án đi nhanh và đúng tiến độ.

Đức đã liên tục khẳng định dự án Nord Stream-2 là một dự án kinh tế không mang ý nghĩa chính trị. Sau khi kêu gọi Nga và Ukraine giảm căng thẳng trên biển Azov, thể hiện sự ủng hộ Ukraine, Berlin vẫn khẳng định sự vụ này không làm thay đổi quan điểm của Đức về dự án Nord Stream-2.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bác bỏ các tuyên bố từ phía Mỹ cho rằng, Đức là một "nạn nhân" của Nga khi phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt tự nhiên của Moscow. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng, bất chấp các sự kiện quốc tế diễn ra xung quanh, Đức vẫn sẽ triển khai Nord Stream-2.

Áo - một bên tham gia dự án- cũng thể hiện sự ủng hộ bằng việc tiếp tục đầu tư vào dự án bất chấp khả năng có thể bị Mỹ trừng phạt. Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng OMV của Áo, Rayner Zele, tuyên bố rằng công ty sẽ tiếp tục tài trợ cho dự án vào năm tới.

Được biết, OMV đã đầu tư khoảng 531 triệu euro (tương đương 607 triệu USD) vào dự án này.

Bất kể việc Mỹ coi dự án Nord Stream-2 là đe dọa an ninh năng lượng châu Âu, EU triển khai dự án này sau khi đã hứng chịu quãng thời gian bị gián đoạn về năng lượng do quá trình quá cảnh khí đốt qua Ukraine.

Thực tế, dẫn khí đốt một cách trực tiếp từ Nga đến châu Âu không cần qua nước trung gian mới là phương án làm giảm đến mức tối đa các nguy cơ chính trị có thể tác động đến việc cung ứng.

Nhưng ngay từ khi dự án này được manh nha và đi vào thực hiện, Mỹ cũng như Ukraine, Ba Lan, một số quốc gia Đông Âu được hưởng lợi ích kinh tế từ việc quá cảnh khí đốt của Nga đã lập tức phản đối dự án. Họ cho rằng, lắp thêm đường ống mới tức là tăng sử dụng khí đốt Nga và góp phần ảnh hưởng đến "an ninh năng lượng" của châu Âu.

Như một phản ứng tức thời, Moscow và Berlin đã thống nhất sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt thông qua đường ống ở Ukraine tuy nhiên, số lượng khí sẽ được trung chuyển qua Ukraine chưa được xác định.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-chan-nord-stream-2-nga-hoi-canh-tranh-cong-bang-3370937/