Mỹ che giấu thiệt hại bị Iran tấn công?

Theo truyền hình Iran, ít nhất 80 'phần tử khủng bố Mỹ' bị tiêu diệt trong các vụ tấn công bằng 15 tên lửa nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq.

Thông tin bất ngờ từ Iran

Đài truyền hình nhà nước Iran ngày 8/1 cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giảm nhẹ những thiệt hại do các vụ tấn công tên lửa của Tehran nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq khi ông viết trên tài khoản Twitter riêng rằng "mọi chuyện đều ổn".

Theo truyền hình Iran, ít nhất 80 "phần tử khủng bố Mỹ" đã bị tiêu diệt trong các vụ tấn công sử dụng 15 tên lửa mà Tehran tiến hành nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq, đồng thời lưu ý không tên lửa nào trong số này bị đánh chặn.

Vị trí các căn cứ ở Iraq có lính Mỹ bị Iran tấn công ngày 7/1

Vị trí các căn cứ ở Iraq có lính Mỹ bị Iran tấn công ngày 7/1

Đài truyền hình trên dẫn một nguồn tin cấp cao trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng cho hay Iran có 100 mục tiêu khác trong khu vực nằm trong tầm ngắm của mình nếu Washington thực hiện bất kỳ biện pháp đáp trả nào. Theo nguồn tin trên, các máy bay trực thăng và thiết bị quân sự Mỹ đã "bị thiệt hại nặng nề".

Kênh truyền hình quốc gia Iran dẫn tuyên bố của Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Baqeri nhấn mạnh: “Giờ đây, họ đã hiểu được sức mạnh của chúng ta, đây là lúc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông”.

Trước đó cùng ngày, cố vấn Tổng thống Iran, ông Hessameddin Ashena tuyên bố bất cứ hành động trả đũa nào của Washington sau các vụ tấn công tên lửa của Tehran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông.

Trong tuyên bố trên Twitter, ông Ashena viết: “Bất cứ hành động quân sự trả đũa nào do Mỹ tiến hành đều sẽ vấp phải cuộc chiến tranh toàn diện trên toàn khu vực. Tuy nhiên, Saudi Arabia có thể đi theo một con đường khác - họ có thể có hòa bình tuyệt đối!”.

Từ UAE, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết Washington đã duy trì tình hình an ninh ở nước đồng minh chủ chốt này sau các vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào các lực lượng do Mỹ đứng đầu ở Iraq cùng ngày. Người phát ngôn này nói: "Tình hình an ninh Mỹ ở UAE không thay đổi".

Hình ảnh tư liệu về căn cứ Ain Al-Asad tại Iraq cách đây 2 năm

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 7/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng các lợi ích của Mỹ tại khu vực "đang lâm vào cảnh nguy hiểm", sau khi Mỹ sát hại Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuần trước.

Theo Văn phòng Tổng thống Iran, trong cuộc điện đàm 1 tiếng với ông Macron, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Mỹ phải biết rằng an ninh và lợi ích của họ tại khu vực đang lâm vào cảnh nguy hiểm và Mỹ không thể thoát những hậu quả do tội ác này gây ra".

Theo ông Rouhani, việc Mỹ sát hại Tướng Soleimani đã làm tăng sức mạnh tinh thần đoàn kết của người dân Iran, cũng như của người dân Iraq, "lên mức cao nhất từ trước đến nay".

Tổng thống Rouhani khẳng định "Iran chưa bao giờ tìm kiếm chiến tranh và bất ổn an ninh trong khu vực, nhưng sẵn sàng bảo vệ các quyền và chủ quyền của mình".

Mỹ thất bại nhiều cuộc chiến

Vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq hôm 3/1 vừa qua khiến Tướng Soleimani của Iran thiệt mạng đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Iran tuyên bố sẽ "trả thù khốc liệt", tiếp đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Washington đã lên danh sách 52 mục tiêu Iran nếu Tehran tấn công người hoặc tài sản của Mỹ.

Lầu Năm Góc xác nhận Iran ngày 7/1 đã bắn "hơn chục" tên lửa đạn đạo nhằm vào 2 căn cứ quân sự ở Ain Al-Asad và Erbil (Iraq), nơi các lực lượng Mỹ và liên quân đồn trú. IRGC tuyên bố cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ tại Iraq là một phần chiến dịch trả thù của Iran đối với vụ sát hại Tướng Soleimani.

Người dân Iran tưởng niệm tướng Q. Soleimani

IRGC cảnh báo nhiều cuộc tấn công nữa có thể diễn ra. Đài truyền hình nhà nước Iran đã công bố đoạn video về vụ tấn công tên lửa đạn đạo nhằm vào các lực lượng quân sự Mỹ ở Iraq.

Hiện có những đánh giá cho rằng Iran lầm vào thế khó chiến lược khi quyết định đối đầu Mỹ. Đánh giá được đưa ra chủ yếu dựa trên các con số thống kê bởi xét trên mọi khía cạnh, Iran đều quá “nhỏ bé” so với Mỹ. Dân số Iran chỉ bằng 1/4 dân số Mỹ, nền kinh tế của Iran chỉ tương đương 2% nền kinh tế Mỹ. Về mặt quân sự, kho vũ khí lỗi thời của Iran cũng không phải là đối thủ của lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, Hillary Mann Leverett - cựu quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - đã đưa ra một đánh giá đáng chú ý, một tuần trước khi Iran bắn tên lửa vào các căn cứ ở Iraq có lính Mỹ đồn trú. Bà Hillary Mann Leverett khẳng định Mỹ đang phải đối mặt với đối thủ lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, đó là Iran.

Theo giới phân tích, phát biểu của bà Hillary Mann Leverett không hẳn là không có cơ sở bởi Iran có một quân đội, một chương trình hạt nhân lớn, có vị trí địa chính trị mang tính then chốt ở Trung Đông, tiếp giáp với Eo biển Hormuz - một trong những điểm có tầm quan trọng bậc nhất trên thế giới - và có tài nguyên dồi dào.

Mỹ mạnh nhưng Iran chưa hẳn đã "yếu"

Iran là thế lực Hồi giáo dòng Shiite thống trị trên thế giới. Kể từ cuộc cách mạng năm 1979, Iran đã trụ vững trước hàng loạt cuộc chiến tranh, nổi dậy và những lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc. Iran sẽ không đầu hàng nhanh như Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein hay Libya của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Các lãnh đạo của nước này đủ khôn ngoan để không kích động một sự xâm lược của Mỹ theo kiểu như ở Iraq, không để cho các binh lính Mỹ tràn ngập các đường phố Tehran.

Một câu hỏi đặt ra là Mỹ có sẵn sàng lao vào một cuộc chiến tranh mới? Mạng ABC của Australia cho rằng cần nhìn lại lịch sử thời hậu Thế chiến II với hàng loạt thất bại của Mỹ như thi thể của binh lính Mỹ trải đầy trên các đường phố ở Mogadishu, cuộc chiến dai dẳng của Mỹ ở Afghanistan...

Theo trang này, lần lượt từng quân cờ domino đã đổ xuống ở Trung Đông kể từ cuộc chiến tranh Iraq: mùa Xuân Arab; các nhà lãnh đạo bị lật đổ, cuộc chiến ở Syria, sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hàng triệu người mất nhà cửa, con số thương vong không đếm xuể, và một "cơn lũ" người tị nạn…

ABC cho rằng chiến tranh sẽ làm suy yếu các quốc gia, kể cả các quốc gia chiến thắng. Mỹ chưa bao giờ ngừng chiến tranh. Sự suy yếu của Mỹ đã bị phơi bày trong 3 nhiệm kỳ tổng thống gần đây nhất: ông George W Bush đã khởi động một cuộc chiến tại Iraq, khiến cả khu vực "bùng cháy"; ông Barack Obama chỉ đạo từ đằng sau và để mặc thế giới với một IS thiết lập một Vương quốc Hồi giáo và Syria chìm trong súng đạn, Nga sáp nhập Crimea cũng như vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa có hồi kết.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-che-giau-thiet-hai-bi-iran-tan-cong-3394814/