Mỹ chuẩn bị bán oanh tạc cơ B-1B Lancer cho Ấn Độ?

Sự xuất hiện của những máy bay ném bom B-1B Lancer trên bầu trời Ấn Độ trong cuộc tập trận Cope India 2023 theo nhận xét không chỉ là một màn trình diễn.

Tại Ấn Độ, có ý kiến cho rằng trước tình hình căng thẳng khu vực leo thang, trong khi Mỹ muốn lôi kéo đồng minh, Washington có thể bán máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cho New Delhi.

Tại Ấn Độ, có ý kiến cho rằng trước tình hình căng thẳng khu vực leo thang, trong khi Mỹ muốn lôi kéo đồng minh, Washington có thể bán máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cho New Delhi.

Ảnh hưởng của Moskva đối với lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ là rất lớn. Nếu một lúc nào đó New Delhi quyết định tách khỏi vũ khí Nga thì ước tính sẽ mất ít nhất một hoặc hai thập kỷ để điều đó xảy ra.

Nhưng có vẻ như Mỹ đã hành động nhằm rút ngắn quãng đường, bởi vì họ tin rằng có thể nhanh chóng vượt qua ảnh hưởng của Nga và “kéo” Ấn Độ vào phe của mình.

Những bước đi đầu tiên đã được tiến hành. Washington vẫn đang tham gia "trò chơi" đấu thầu cung cấp hàng trăm máy bay chiến đấu hiện đại cho Không quân Ấn Độ. F-15EX chính là ứng cử viên sáng giá, và không phải ngẫu nhiên mà tiêm kích này tham gia cuộc tập trận.

Đồng thời Washington tuyên bố sắp cho máy bay ném bom chiến lược B-1B về hưu, không phải vì chúng trở nên kém hiệu quả mà bởi Lancer cần nhường chỗ cho chủ lực mới - chiếc B-21 Raider.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, nếu Ấn Độ quyết định trang bị máy bay ném bom tầm xa B-1B, thì chi phí mua sắm, bảo trì cùng với vũ khí, mỗi chiếc sẽ vào khoảng 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó cần phải nhắc lại rằng Ấn Độ và Mỹ đã ký các biên bản ghi nhớ quan trọng trong những năm gần đây. Trong đó có việc chỉ định New Delhi là “đối tác quốc phòng lớn”.

Có lẽ trong lời nói, điều này nghe có vẻ tầm thường, nhưng trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào được Washington chỉ định như vậy đều có thể dễ dàng tiếp cận việc mua các nền tảng vũ khí chiến lược, trong đó B-1B là một ví dụ.

Bản ghi nhớ khác là trao đổi hậu cần. Đây là một thỏa thuận cực kỳ quan trọng. Thông qua đó, Ấn Độ và Mỹ có thể cùng sử dụng căn cứ của nhau. Thỏa thuận thứ ba gọi là khả năng tương thích truyền thông.

Hiệp định hồi năm 2018 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán các hệ thống vũ khí công nghệ cao cho Ấn Độ. Và thỏa thuận cuối cùng ký vào năm 2020, khi Ấn Độ và Mỹ đồng ý chia sẻ thông tin tình báo không gian địa lý.

Mọi thứ đã sẵn sàng để Ấn Độ có được máy bay ném bom nếu muốn. Hiện đã có một số ý kiến khác nhau về vấn đề này. Đương nhiên đây là điều bình thường đối với bất cứ dự định lớn nào.

Ví dụ vào thời điểm hiện tại, Không quân Ấn Độ đã tuyên bố dứt khoát rằng họ không cần và do đó sẽ không mua bất kỳ máy bay ném bom nào.

Trong tuyên bố của mình, Không quân Ấn Độ thậm chí còn khẳng định “không có ý định như vậy trong tương lai gần”. Chính phủ New Delhi tin rằng nước này nên đầu tư vào việc triển khai một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ.

Ở chiều ngược lại là ý kiến của các chuyên gia và cựu phi công Ấn Độ, khi cho rằng nên mua ít nhất 6 máy bay ném bom mang theo tên lửa hành trình.

Lý giải rất đơn giản: tiêm kích Su-30MKI vốn là xương sống của Không quân Ấn Độ, chỉ có thể mang theo 1 tên lửa hành trình BrahMos khi thực hiện nhiệm vụ. Tức là số lượng vũ khí không đủ đảm bảo yêu cầu chi viện hỏa lực.

Các chuyên gia cho rằng New Delhi phải đáp trả thách thức khi Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng về mặt công nghiệp quốc phòng và đã vận hành máy bay ném bom H-6 cải tiến rất đáng gờm.

Nhiều năm trước, New Delhi đã tỏ ra quan tâm tới oanh tạc cơ siêu âm Tu-22M3 của Nga và họ muốn thuê chứ không phải mua, nhưng Moskva đã từ chối và chỉ chấp thuận bán máy bay ném bom tiền tuyến Su-34.

Có thể trong ngắn hạn Ấn Độ chưa muốn mua máy bay nem bom B-1B, nhưng lịch sử ghi nhớ khá nhiều khúc ngoặt và sự thay đổi mạnh mẽ trong các quyết định và thái độ của New Delhi. Thực tế là cơ hội vẫn dành cho chiếc Lancer.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-chuan-bi-ban-oanh-tac-co-b-1b-lancer-cho-an-do-post537231.antd