Mỹ chuẩn bị cho kịch bản vệ tinh bị bắn hạ

Mỹ vừa thử thành công các chuyến bay trong môi trường không có GPS - một kịch bản có thể xảy ra nếu vệ tinh bị tấn công.

Hệ thống điều hướng và liên kết tích hợp Enhanced Link Navigation System (ELNS) mới được sử dụng trong các môi trường tương tự chiến tranh khi tín hiệu GPS bị cắt, các cuộc thử nghiệm đã thành công vượt quá mong đợi ban đầu.

Ian Gallimore, Giám đốc Công nghệ CTSi cho biết: "Nhóm của chúng tôi đưa ELNS vào thử nghiệm lần đầu trong vòng chưa đầy 18 tháng phát triển.

Mỗi lần thử nghiệm được thực hiện đồng thời với 15 chuyến bay bao gồm 152 phương pháp tiếp cận. ELNS cung cấp điều hướng khu vực để thay thế không có GPS".

Tiêm kích F-35 Mỹ thử vũ khí.

Cùng với tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống ELNS, trong buổi lễ bàn giao cho quân đội siêu kính thiên văn để quan sát các vật thể trên quỹ đạo vừa qua, Thiếu tướng Không quân Mỹ, Nina Armagno đã nói rằng, đến năm 2025 Nga và Trung Quốc sẽ có khả năng gây họa cho mỗi vệ tinh nước Mỹ phóng lên quỹ đạo, và Mỹ phải sẵn sàng giáng trả nguy cơ này.

Vũ khí chống vệ tinh đang trở thành một hiện thực mới, và cần phải chú ý đến điều đó khi lập kế hoạch hoạt động quân sự.

Thiếu tướng Armagno đã nhấn mạnh rằng, ở đây nói về mối nguy cơ đe dọa tất cả các vệ tinh của Mỹ, không chỉ quỹ đạo thấp mà còn quỹ đạo địa tĩnh (GEO).

Đáng tiếc, các vệ tinh hiện đại gần như không có khả năng phòng chống tên lửa đánh chặn được phóng từ mặt đất. Có lẽ trong tương lai các vệ tinh sẽ được trang bị những hệ thống bảo vệ khỏi các cuộc tấn công tên lửa, nhưng, để có như vậy phải tăng mạnh công suất động cơ dành cho vệ tinh.

Chính bởi vậy quân đội Mỹ đưa những sửa đổi vào chương trình huấn luyện chiến đấu và sản xuất vũ khí giảm sự lệ thuộc vào tín hiệu vệ tinh. Cụ thể, Hải quân Mỹ đang nghiên cứu đầu dò radar chủ động để có thể trang bị cho tên lửa Tomahawk để giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường.

Theo National Interest, Hải quân Mỹ đang đạt những bước tiến mới trong việc phát triển đầu dò radar chủ động (ARH) cho Tomahawk. Đầu dò ARH sẽ bổ sung những chế độ dẫn đường sẵn có, như cảm biến hồng ngoại, thông tin vô tuyến và định vị toàn cầu.

Mục tiêu của Mỹ là trang bị khả năng khóa mục tiêu nhiều lần cho Tomahawk, giúp nó tiêu diệt các mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào tình huống cụ thể, kể cả khi hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu và liên lạc bị đối phương phá hủy. Trong tình huống đó, Tomahawk sẽ không dựa vào hệ thống dẫn đường vệ tinh mà dùng ARH để xác định mục tiêu.

Cùng với chương trình ARH cho Tomahawk, Mỹ cũng bắt đầu có chương trình huấn luyện cho các quân nhân làm việc "theo kiểu cũ", tức là, làm việc trong điều kiện khi không có các hệ thống định vị vệ tinh, và nhiều loại máy bay không người lái và vũ khí chính xác được điều khiển bởi tín hiệu GPS trở thành vô dụng.

Việc trang bị hệ thống mới theo dõi không gian vũ trụ cho lực lượng vũ trang Mỹ không giải quyết được vấn đề này. Nga cũng sở hữu một hệ thống giám sát không gian quang điện tử tương tự. Hệ thống "Okno-M" trang bị các kính thiên văn tự động mạnh đặt trên căn cứ quân sự của Nga ở vùng núi Tajikistan.

Với hệ thống này có thể thấy rõ mọi đối tượng trong không gian và giám sát chúng, đánh giá tính năng và tình trạng của các đối tượng đó, chứng minh vụ tấn công của đối phương vào vệ tinh, nếu vệ tinh đột ngột ngừng hoạt động. Nhưng, hệ thống này không thể bảo vệ các vệ tinh.

Dù hiện tại chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy những đối thủ của Mỹ (cả bản thân nước Mỹ) đã phát triển thành công vũ khí chống vệ tinh nhưng trong tương lai tình hình có thể thay đổi.

Rõ ràng là, trong một cuộc xung đột quân sự, lợi thế sẽ thuộc về những ai có khả năng rất nhanh chóng phóng vệ tinh lên quỹ đạo.

Ít nhất để thay thế các vệ tinh đã ngừng hoạt động hoặc có phương pháp dự phòng tốt cho kịch bản tồi tệ này. Và người Mỹ đang từng bước cho thấy, vũ khí của họ có thể hoạt động tốt ngay cả trong môi trường không GPS.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-chuan-bi-cho-kich-ban-ve-tinh-bi-ban-ha-3361648/