Mỹ có đủ tiền để dùng tên lửa chuyển hàng?

Mỹ vừa công bố ý tưởng dùng tên lửa vận chuyển hàng hóa đến bất kỳ nơi nào trên Trái Đất trong 1 giờ. Nhưng sẽ rất khó để thực hiện.

Ý tưởng khó thành

Theo Tướng Stephen R. Lyons - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vận tải (U.S. TransCom) Mỹ, việc dùng tên lửa để vận chuyển hàng hóa có rất nhiêu ưu điể so với cách truyền thống dùng máy bay vận tải.

Sử dụng tên lửa không cần chuỗi máy bay tiếp nhiên liệu trên không hỗ trợ sứ mệnh; an toàn và bí mật, đối thủ có rất ít cơ hội bắn hạ, không phải thông báo cho nước sở tại khi bay qua như cách làm với máy bay vận tải.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 quay về Trái đất sau khi phóng thành công.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 quay về Trái đất sau khi phóng thành công.

Vị chỉ huy của U.S. TransCom khẳng định, đây là kế hoạch nhiều tiềm năng và Quân đội Mỹ đang cùng nhóm chuyên gia từ Space Exploration Technologies (SpaceX) của tỉ phú Elon Musk triển khai nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa có thể vận chuyển vũ khí, quân dụng đến bất kỳ đâu trên Trái Đất trong vòng chưa đến 1 giờ.

Theo kế hoạch, những thử nghiệm ban đầu nhằm kiểm nghiệm nguyên lý sẽ được thực hiện vào năm 2021. SpaceX trước đây đã chứng minh khả năng hạ cánh thẳng đứng và tái sử dụng tên lửa đẩy cho hệ thống Falcon 9 của mình trên các bãi đáp di động trên biển.

Nhưng công ty công nghệ hàng không vũ trụ này chưa bao giờ hạ cánh một tên lửa có tải trọng đầy đủ, và tên lửa mới được đề xuất sẽ chở hàng hóa gấp 4 lần những chuyến bay tên lửa này đã thử nghiệm.

Có 2 phương thức vận tải có thể sẽ được khảo sát- khối hàng xuất phát từ một căn cứ không gian trên lục địa Mỹ đưa ra nước ngoài, hoặc chuẩn bị trước nguồn cung ứng sẵn trên một tàu vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo và khối hàng có thể nhanh chóng rời quỹ đạo và hạ cánh khi cần.

Hợp tác với ngành công nghiệp, Quân đội Mỹ có thể phát triển một nguyên mẫu thiết bị không gian như vậy trong vòng 5-10 năm tới, có thể được TransCom sử dụng để bổ sung cho các hoạt động hậu cần trên không, trên biển và trên bộ, kể cả hỗ trợ nhân đạo ở đâu đó trên toàn cầu.

TransCom cũng sẽ phải giải quyết các vấn đề về học thuyết, ngoại giao, luật lệ và tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu chuẩn hóa các vụ phóng vào vũ trụ với tần suất cao.

Nếu thành công, Mỹ sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, ngay khi Mỹ công bố ý tưởng, chính giới quân sự nước này đã chỉ ra loạt khó khăn khó có thể vượt qua.

Về yếu tố kỹ thuật, tên lửa cũng chỉ có thể được phóng khi điều kiện thời tiết tương đối tốt; thời tiết kém có thể gây ra sự chậm trễ kéo dài đến cả tuần. Vì vậy, một chuyến đi được tính là kéo dài dưới một giờ sẽ cần thời gian chuẩn bị lâu hơn đáng kể.

Vấn đề tiếp theo là chi phí. Theo tính toán, một tàu vũ trụ SpaceX Falcon 9 với khả năng chở 25 tấn có chi phí phóng 28 triệu USD. Trong khi chuyến bay kéo dài 12 giờ từ California đến Nhật Bản trên chiếc C-17 Globemaster III có giá 312.000 USD, chi phí tăng gấp đôi nếu máy bay bay về nhà để mua thêm thiết bị.

Theo những ước tính khả dĩ nhất, việc vận chuyển bằng tên lửa tốn kém gấp 4 lần so với việc gửi cùng một khối lượng hàng hóa bằng máy bay. Tuy nhiên, chi phí không phải là tất cả, đặc biệt là khi chiến sự đang nổ ra.

Nga dùng ICBM phóng tàu vũ trụ

Dù không độc đáo như ý tưởng của Mỹ nhưng Nga cũng đã gây bất ngờ lớn khi công bố dùng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng thành công tàu vũ trụ. Vụ phóng đầu tiên được thực hiện hồi cuối năm 2019.

Tên lửa thực hiện vụ phóng là Rokot được chế tạo trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi trên cơ sở tên lửa ICBM RS-18. Từ đó đến nay Nga đã thực hiện thành công nhiều vụ phóng với Rokot.

"Ngành công nghiệp tên lửa đang thực hiện dự án hoán cải tên lửa Topol bị loại biên, biến chúng trở thành hệ thống mang vệ tinh hạng nhẹ cho chương trình không gian của Nga", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Tổ hợp tên lửa Topol đang dần bị loại biên và được thay thế bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars tối tân hơn. Được biết, hiện Lực lượng tên lửa chiến lược Nga vẫn duy trì ít nhất 70 tên lửa Topol trong biên chế, chúng nhiều khả năng bị tháo dỡ bán sắt vụn nếu không được hoán cải và nhận nhiệm vụ mới.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-co-du-tien-de-dung-ten-lua-chuyen-hang-3422741/