Mỹ cố gắng thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngân hàng bằng cách 'hạ giọng' trước Nga

Trước diễn biến đầy phức tạp của cuộc khủng hoảng ngân hàng, Mỹ buộc phải tìm cách thoát ra nhanh chóng. Một trong các giải pháp đó là tìm cách đối thoại với nước Nga thay vì khiêu khích hoặc đối đầu, mà vụ rơi máy bay không người lái của Mỹ mới đây là một minh chứng về thay đổi nhanh chóng trong cách hành xử ngoại giao của nước này.

Mỹ đã lên kế hoạch khắc phục cuộc khủng hoảng ngân hàng của mình bằng cách... cậy nhờ vào Nga, trang Sohu (Trung Quốc) mới đây đã đăng bài phân tích về khía cạnh tưởng như rất vô lý này.

Như đã biết, mới đây quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moskva thêm phần xấu đi do vụ rơi máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ xuống Biển Đen.

Các nhà chức trách Mỹ khẳng định chiếc UAV của họ bị rơi là do hành động (xả dầu) của phi công lái chiến đấu cơ Su-27 Nga.

Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc máy bay không người lái bay với bộ tiếp sóng bị tắt và do rơi vào vùng không khí nhiễu động quá mạnh nên đã đâm xuống biển gần bán đảo Crimea.

"Thực tế mọi thứ rất đơn giản, chỉ cần vùng trời gần Crimea trở thành nơi xảy ra vụ việc là đủ, vì vậy rõ ràng ngay lập tức ai là kẻ khiêu khích trong tình huống này sẽ được nhận biết”, bài báo viết.

Như các nhà phân tích Trung Quốc đã lưu ý, sự kiện tiếp theo đã phát triển theo hướng rất thú vị. Đầu tiên, Đại sứ Nga tại Washington - ông Anatoly Antonov được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ để nhận thái độ "không hài lòng rõ rệt vì sự can thiệp thiếu chuyên nghiệp của pthi công chiếc Su-27".

Sau đó, chính Đại sứ Antonov - một cựu quân nhân đã ra tuyên bố, yêu cầu Mỹ ngừng bay gần biên giới Nga, đồng thời nói hoạt động quân sự như vậy là không thể chấp nhận được.

Theo tờ Sohu, lập trường quyết đoán của Moskva đã có tác động nghiêm túc đến Washington, vì sau đó theo sáng kiến của phía Mỹ, một cuộc điện đàm đã diễn ra giữa Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Lloyd Austin.

“Tổng kết sự việc, có thể nói một mặt chính phủ Mỹ đưa ra hành động bị xem là khiêu khích, thổi bùng ngọn lửa xung đột, mặt khác chính quân đội Mỹ đề xuất đàm phán để xoa dịu tình hình".

"Rõ ràng Lầu Năm Góc hiểu hơn ai hết nguy cơ xung đột giữa các cường quốc hạt nhân, vậy tại sao trước đó Washington lại phải kích động nó”, tờ báo tiếng Trung đưa ra câu hỏi.

Câu trả lời cho thắc mắc nói trên có lẽ nằm ở tình hình kinh tế không ổn định tại nước Mỹ trong khoảng thời gian gần đây.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng quy mô lớn bắt đầu vào giữa tháng 3 đã biến thành sự phá sản nhanh chóng của 3 ngân hàng lớn bao gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank, gây ra phản ứng chớp nhoáng từ các cơ quan quản lý.

Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng là một trong những giấc mơ tồi tệ nhất của giới lãnh đạo Mỹ, họ lo ngại các công ty lớn nhất sẽ bị đóng cửa trong thời kỳ lạm phát cao. Đó là lý do tại sao Washington sẵn sàng đi đến biện pháp cực đoan nhất.

Theo tờ Sohu, một trong những lựa chọn của Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng là làm lành Với Nga thay vì tìm cách khiêu khích đối đầu.

“Nước Mỹ đang ở trong một cuộc khủng hoảng lớn, và giải pháp tốt nhất là đẩy căng thẳng ra bên ngoài để tránh nguy cơ sụp đổ nền kinh tế".

"Sự cố với máy bay không người lái là một phép thử rõ ràng cho thấy những toan tính ban đầu của những chính trị gia Mỹ đã thay đổi”, các nhà phân tích của ấn phẩm Sohu viết.

Tờ báo Trung Quốc cho rằng ngay cả khi Mỹ quyết định khơi mào một cuộc xung đột lớn thì họ cũng không thể nhằm vào Nga. Đây là điều đã buộc Washington phải chuyển từ giọng điệu ghê gớm sang đối thoại mang tính xây dựng với Moskva về vụ việc diễn ra tại Biển Đen.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-co-gang-thoat-khoi-cuoc-khung-hoang-ngan-hang-bang-cach-ha-giong-truoc-nga-post534320.antd