Mỹ có gì đối phó khi Iran có vũ khí siêu thanh?

Iran vừa gây bất ngờ khi tuyên bố quyết tâm phát triển vũ khí siêu thanh và hiện đã đạt được một số thành tựu đầu tiên.

Theo Chỉ huy của Hải quân Iran, Đô đốc Hussain Khanzadi, Cộng hòa Hồi giáo này sắp đạt được thành công trong việc phát triển vũ khí tốc độ siêu thanh.

"Hiện nay Tehran đã sắp hoàn tất trong việc chế tạo động cơ dùng cho vũ khí thế hệ mới này. Sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện nhưng qua những vụ thử trong phòng thí nghiệm cho thấy khả năng thành công của chúng tôi rất cao", Đô đốc Khanzadi tuyên bố.

Tên lửa đạn đạo Iran.

Tên lửa đạn đạo Iran.

Vị đô đốc này tiết lộ thêm, hệ thống vũ khí siêu thanh sẽ có thay đổi lớn so với vũ khí thông thường về hệ thống dẫn đường, nhiên liệu, vật liệu dùng để chế tạo vỏ tên lửa và động cơ sẽ phải chịu được nhiệt độ cao hơn rất nhiều.

"Chúng tôi đã thành công trong việc chế tạo nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau, tên lửa chống hạm tầm bắn trên 300km. Đây chính là cơ sở để tin rằng Tehran sẽ thành công trong chương trình phát triển vũ khí siêu thanh của mình", Đô đốc Khanzadi khẳng định.

Thông tin về thời điểm hoàn thiện chương trình này vẫn được Iran bảo mật nhưng theo tiết lộ của Hải quân nước này, vũ khí siêu thanh sẽ được tích hợp cho chiến hạm và chúng sẽ được phóng theo kiểu thẳng đứng. Cách phóng này khiến các tàu chiến Iran sẽ mang được nhiều tên lửa hơn và dễ tấn công mục tiêu hơn so với cách phóng như hiện nay.

Giới chuyên gia cho rằng, một khi chương trình vũ khí siêu thanh của Iran thành công, đối phó với đòn tấn công từ loại vũ khí này của Iran là điều không thể với Mỹ một khi xung đột xảy ra bởi hiện tại, Mỹ chưa có bất hệ thống đánh chặn nào đủ sức đối phó với vũ khí siêu thanh.

Phát biểu trên trang RealClearDefense, chuyên gia Bishop Garrison và Preston Lann từ Trung tâm Chính sách công Mỹ Joseph Rainey thừa nhận, hiện nay, phòng thủ nước này chưa có hệ thống nào đủ năng lực đối phó với đòn đánh từ vũ khí siêu thanh.

Trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc chỉ tập trung phát triển vũ khí tấn công mà không dành sự quan tâm đúng mức đến việc phát triển hệ thống phòng thủ, đặc biệt trong việc ngăn chặn tên lửa siêu thanh từ các đối thủ.

"Vũ khí tấn công của Mỹ hiện nay rất mạnh nhưng chúng không thể thay thế được nhu cầu phòng thủ. Chính vì vậy, hiện tại hệ thống phòng thủ Mỹ không có vũ khí nào có thể đánh chặn được cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh", trang RealClearDefense viết.

Cùng với phân tích của 2 vị chuyên gia trên, Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược (StratCom) cũng đã có thừa nhận tương tự và nêu biện pháp đáp trả khi phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về sự yếu kém trong khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh.

"Chúng ta đang gặp khó khăn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa là năng lực đánh chặn hiện có. Chúng ta không có bất kỳ hệ thống nào có thể ngăn chặn được loại vũ khí như thế nhằm vào mình, chính vì vậy phản ứng của chúng tôi sẽ là lực lượng đánh chặn, là bộ ba hạt nhân, trước mối đe dọa như vậy", Tướng John Hyten tuyên bố.

Mỹ có thể tính đến việc triển khai tên lửa phóng từ tàu ngầm mang theo vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp để đáp trả đối thủ trong trận chiến siêu thanh và hạt nhân. Với bộ ba hạt nhân Mỹ đang sở hữu bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, sẽ đóng vai trò là lá chắn tốt nhất trước bất kỳ mối đe dọa từ bên ngoài.

Cùng với bộ 3 hạt nhân chiến lược, theo vị tướng này, với kho tên lửa hành trình khổng hiện có của Mỹ hoàn toàn có thể là một lựa chọn không tồi dùng cho nhiệm vụ đối phó với đối thủ khi vũ khí siêu thanh được sử dụng. Trên lý thuyết, các tàu mặt nước của Hải quân Mỹ hiện được trang bị tới hơn 4000 quả tên lửa hành trình, còn các tàu ngầm là hơn 1000 quả, tổng số tên lửa hành trình hải quân là hơn 5000 quả.

Ngoài đòn tấn công tên lửa hành trình từ trên biển, Mỹ cũng có khả năng tấn công từ trên không với các máy bay ném bom. Hiện không quân chiến lược Mỹ có khoảng trên 130 máy bay ném bom chiến lược các loại, mang theo số lượng tên lửa hành trình hơn 1200 quả.

Như vậy, về mặt lí thuyết, quân đội Mỹ có thể huy động tới 6200 quả tên lửa hành trình cho đòn tấn công phủ đầu. Số tên lửa hành trình này sẽ được hỗ trợ bởi các máy bay mang tên lửa tấn công mặt đất chiến thuật.

Ngoài ra, lực lượng không quân, không quân của hải quân và không quân của hải quân đánh bộ Mỹ có thể huy động tổng lực cho đòn tấn công phủ đầu với số lượng từ 2500 - 3000 máy bay cất cánh cả trên đất liền và từ trên hạm.

Do đó, chưa tính tên lửa đạn đạo, lực lượng không quân và hải quân Mỹ chỉ sử dụng các tên lửa hành trình chiến thuật và chiến lược cũng đã có thể tấn công hủy diệt hơn 1000 mục tiêu trọng yếu của địch, ngay từ loạt tấn công phủ đầu.

Đòn tấn công kiểu này đủ mạnh để khiến bất kỳ đối thủ nào muốn tấn công vào Mỹ bằng vũ khí siêu thanh của phải chùn bước.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-co-gi-doi-pho-khi-iran-co-vu-khi-sieu-thanh-3409088/