Mỹ có ngồi đợi Iran 'trả thù'?

Tướng Iran tuyên bố nước này chắc chắn sẽ trả thù vụ Mỹ đã sát hại người đứng đầu Lực lượng Quds trước đó - tướng Qasem Soleimani.

Phó Tư lệnh Lực lượng Quds của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammad Reza Fallahzadeh ngày 16/10 tuyên bố, Tehran chắc chắn sẽ trả thù việc Mỹ sát hại tướng Soleimani hồi đầu tháng 1/2020.

“Iran chắc chắn sẽ trả thù vụ Mỹ đã sát hại người đứng đầu Lực lượng Quds trước đó - tướng Qasem Soleimani, cũng như những người khác bị lực lượng Mỹ sát hại. Việc những tội phạm Mỹ gây ra cái chết cho các chỉ huy và binh sĩ Iran sẽ không ngừng thúc đẩy Tehran không được rút lui cũng như từ bỏ các mục tiêu của mình”, Phó Tư lệnh Lực lượng Quds Mohammad Reza Fallahzadeh của IRGC tuyên bố.

Những cảnh báo trên của tướng Reza Fallahzadeh phù hợp với cảnh báo trước đó của Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Seyed Ali Khamenei, người nói rằng, Iran sẽ không bao giờ quên việc Mỹ đã ám sát tướng Soleimani, đồng thời tuyên bố Tehran "chắc chắn sẽ giáng đòn chí mạng vào người Mỹ".

Trước đó, Politico dẫn một nguồn tin tình báo giấu tên cho biết, Tehran đang xem xét các phương án để trả thù cho việc giết hại tướng hàng đầu của Iran Qasem Soleimani. Theo các phương tiện truyền thông, Đại sứ Mỹ tại Nam Phi có thể là một mục tiêu tiềm năng.

Quan hệ giữa Washington - Tehran lao dốc kể từ khi Trump đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động Chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với các cường quốc thế giới năm 2015. Việc tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani bị hạ sát trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ bên ngoài sân bay thủ đô Baghdad, Iraq hồi đầu tháng 1, càng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai bên.

Chính quyền Tổng thống Trump đẩy quan hệ Mỹ-Iran đến bờ vực chiến tranh sau cái chết của Tướng Qassem Soleimani

Chính quyền Tổng thống Trump đẩy quan hệ Mỹ-Iran đến bờ vực chiến tranh sau cái chết của Tướng Qassem Soleimani

Dẫu vậy, chắc hẳn Mỹ không ngồi yên để chờ đợi Iran "trả thù". Hồi giữa tháng 9, sau khi nhận được thông tin Iran có thể đang lên kế hoạch cho một vụ ám sát hoặc một cuộc tấn công chống lại Mỹ để trả đũa cho vụ tiêu diệt tướng Soleimani, Tổng thống Trump lên tiếng đe dọa Iran rằng, nếu nước này tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ cũng sẽ bị đáp trả mạnh “gấp 1.000 lần”.

Để chống lại Iran, thay vì sử dụng sức mạnh mềm, chính quyền Trump đã sử dụng ưu thế quân sự của mình để duy trì vai trò của Mỹ ở đây, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp để cô lập Iran, gây áp lực tối đa cho Tehran cho đến khi đạt được một thỏa thuận toàn diện mới, trong đó có việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Trong những tuần trước thềm bầu cử Mỹ, Washington liên tục tăng cường sức ép với Tehran. Vào tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số thực thể và cá nhân liên quan tới các hoạt động buôn bán vũ khí với Iran.

Đến ngày 8/10, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với lĩnh vực tài chính của Iran, nhằm vào 18 ngân hàng của nước này, trong nỗ lực nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ngăn cản Iran tiếp cận hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Trong tuyên bố đăng trên trang web chính thức, Bộ Tài chính Mỹ cũng xác định lĩnh vực tài chính của nền kinh tế Iran chiểu theo Sắc lệnh Hành pháp 13902. Dù vậy, các lệnh trên cấm không áp dụng đối với các giao dịch cung cấp hàng hóa nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm và các thiết bị y tế cho Iran.

Cùng với đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng cố gắng khống chế tầm ảnh hưởng ra khu vực Trung Đông của Tehran với việc hậu thuẫn Israel và 2 nước Ả Rập là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain bình thường hóa quan hệ.

Vẫn còn cơ hội để Mỹ-Iran giảm căng thẳng

Những biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ với Iran không nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mới đây, Trung tâm an ninh mới của Mỹ (CNAS) - một tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) cho rằng, cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ và Iran có thể trở thành cơ hội để hai nước xuống thang xung đột bằng cách áp dụng cách tiếp cận mới. Mỹ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020, trong khi bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra trong tháng 5/2021 hoặc tháng 6/2021.

Trong báo cáo được công bố hồi đầu tháng 8, CNAS đề xuất người dành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới nên tham gia lại vào thỏa thuận hạt nhân Iran. Hiện tại, cựu Phó Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc Washington quay lại thỏa thuận với điều kiện Tehran cũng cam kết tuân thủ các điều khoản hiện có.

Hai bên cũng có thể cam kết "bình tĩnh vì sự yên bình" trong khu vực Trung Đông, đồng thời Washington dỡ bỏ một số lệnh hạn chế, trừng phạt chống Iran.

Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh hạn chế công dân Iran nhập cảnh hay tiến hành các động thái chứng minh Washington không cản trở Tehran chống dịch Covid-19. CNAS gọi đây là các "biện pháp đơn phương ở mức vừa phải để xây dựng lòng tin" với Iran.

Về phía Iran, nhiều khả năng đương kim Tổng thống Hassan Rouhani sẽ tái đắc cử. Ông Rouhani có thể có quan điểm cứng rắn với Mỹ nhưng CNAS lưu ý rằng chính ông đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1 (bao gồm Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc) vào năm 2015.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-co-ngoi-doi-iran-tra-thu-3420809/