Mỹ có 'nuốt lời' khi chuyển tên lửa tầm xa ATACMS cho hệ thống HIMARS Ukraine?

Cố vấn Nhà Trắng Jake Sullivan nói Mỹ sẽ không chuyển tên lửa tầm xa ATACMS của hệ thống HIMARS cho Ukraine vì lo ngại xung đột leo thang. Tuy nhiên những biến động tại Crimea khiến người ta nghi ngờ có thể Washington đã chuyển giao vũ khí này cho Kiev.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết kho bom đạn phát nổ ở sân bay tại bán đảo Crimea, gây nên loạt vụ nổ lớn. Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy ít nhất 12 tiếng nổ vào khoảng 15h20 ngày 9/8 từ phía căn cứ không quân Saki, gần Novofyodorovka trên bán đảo Crimea.

Bộ Quốc phòng Nga nói thêm rằng họ đang tìm nguyên nhân vụ nổ, nhưng chỉ ra rằng sân bay này không phải là mục tiêu của các cuộc tấn công và phía Ukraine cũng lên tiếng bác bỏ họ liên quan trong sự kiện này.

Các vụ nổ khiến một người chết và 5 người bị thương, nhưng không gây thiệt hại khí tài không quân tại sân bay.

Video đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều du khách tháo chạy khỏi bãi biển, khi những đám khói đen lớn bốc lên bầu trời. Xe ôtô vội vã rời Novofyodorovka, trong khi xe cứu thương lao tới hiện trường.

Bán đảo Crimea giáp với khu vực Kherson ở miền nam Ukraine, nơi đang do Moscow kiểm soát, và gần vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, hiện cũng do Nga tạm kiểm soát một phần.

Ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu chính quyền Crimea, cho biết khu vực xảy ra loạt vụ nổ đã được phong tỏa.

"Tất cả các biện pháp cần thiết đã được thắt chặt để đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng và dân cư", ông Sergei Aksyonov nói.

Phía Ukraine hiện chưa công bố thông tin về cuộc tấn công nào trong khu vực. Ukraine được cho là không tấn công mục tiêu trên bán đảo Crimea kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu hôm 24/2.

Ở một động thái liên quan, Tổng thống Zelensky vừa cho rằng chiến sự với Nga bắt đầu từ Crimea và sẽ kết thúc khi Ukraine "giải phóng" bán đảo, song chưa rõ thời gian.

"Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và toàn bộ châu Âu bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea, khi bán đảo được giải phóng", Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 10/8 tuyên bố trong phát biểu hàng đêm qua video.

Ông cho hay hiện chưa rõ điều này sẽ xảy ra vào lúc nào, song Ukraine "đang không ngừng bổ sung các thành phần cần thiết cho phương án giải phóng Crimea".

"Crimea là của Ukraine và chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nó", ông Zelensky nói thêm.

Một số nhà quan sát cho rằng, rất có thể tên lửa ATACMS là tác giả tấn công căn cứ quân sự Nga tại bán đảo Crimea, bởi cự ly vượt xa tầm bắn của đạn GMLRS mà HIMARS vẫn sử dụng.

Thông tin trên đã gây xôn xao giới truyền thông, bởi trước đó xuất hiện nhiều dự đoán cho rằng các tên lửa MGM-140 tầm bắn 300 km sẽ sớm có mặt tại Ukraine, nhất là sau khi các nghị sĩ Mỹ thúc giục Tổng thống Joe Biden sớm bàn giao.

Nếu Ukraine sử dụng loại đạn tấn công tầm xa nói trên là thật, các căn cứ quân sự và trung tâm hậu cần của Nga trên bán đảo Crimea cũng không còn an toàn, bởi đã nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa ATACMS.

Vào cuối tháng 7/2022, trang Avia của Nga cho biết, phía Ukraine đã thông báo về việc họ có thể nhận những tên lửa tầm xa ATACMS đầu tiên cho hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS từ Mỹ.

Thông tin về chủ đề này do Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC), ông Ukraine Oleksiy Danilov lên tiếng cho biết.

“Liên quan đến HIMARS, có một số hiểu rằng chúng tôi đã bắt đầu nhận được những quả đạn tiến xa hơn nhiều so với lúc đầu. Và chúng ta hãy hy vọng rằng những gì chúng ta cần, trong phạm vi đó, sẽ xuất hiện trên lãnh thổ đất nước chúng ta trong tương lai gần", Oleksiy Danilov nói.

Tuy nhiên lúc đó, Cố vấn Nhà Trắng Jake Sullivan nói Mỹ sẽ không chuyển tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km của hệ thống HIMARS cho Ukraine vì lo ngại xung đột leo thang, có thể dẫn tới mất kiểm soát.

"Có những khí tài mà Tổng thống Mỹ tuyên bố không sẵn lòng cung cấp cho Ukraine, trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300 km. Ông ấy tin rằng mục tiêu then chốt của Mỹ là hỗ trợ Ukraine tự vệ, đồng thời tránh để đất nước đối mặt nguy cơ bị cuốn vào Thế chiến III", ông Jake Sullivan nói hôm 22/7/2022.

Cố vấn Sullivan bày tỏ thông cảm với những đề nghị của Ukraine nhằm tăng lượng vũ khí viện trợ và rút ngắn tối đa thời gian bàn giao, nhưng khẳng định Washington đang cung cấp đầy đủ khí tài cần thiết cho Kiev.

"Chiến sự Ukraine đặt ra những câu hỏi dài hạn về năng lực quốc phòng của Mỹ và đồng minh nhằm duy trì cung cấp khí tài quốc phòng cho Ukraine, cũng như bản thân chúng ta", ông nói thêm rằng Washington cần tăng cường đầu tư, phát triển nguồn lao động và bảo đảm chuỗi cung ứng nhằm thực hiện điều này.

Dù thế, giới quan sát vẫn đặt ra nghi vấn rằng, có thể Mỹ sau đó đã đổi ý và cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine. Thực tế Washington vẫn cung cấp những loại vũ khí uy lực cho Ukraine nhưng lại không công bố công khai.

Đơn cử mới nhất là việc truyền thông Nga tung bằng chứng cho thấy mảnh vỡ của tên lửa chống radar AGM-88 tại Donbass, lúc này Mỹ mới lên tiếng thừa nhận họ đã chuyển tên lửa diệt radar cho Ukraine.

Hiện nay Mỹ đang có các loại tên lửa tầm xa ATACMS thuộc các phiên bản MGM-140 vốn được trang bị cho hệ thống pháo phản lực M270 và M142.

MGM-140 ATACMS được coi là một trong những loại tên lửa chiến thuật nguy hiểm bậc nhất hiện nay trên thế giới.

MGM-140 ATACMS là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật được Tập đoàn Lockheed Martin phát triển dành cho quân đội Mỹ và một số nước đồng minh. Tên lửa đạn đạo MGM-140 có tầm bắn từ 150 - 300km tùy biến thể.

Sau khi được đưa vào trang bị, Lockheed Martin tiếp tục phát triển dự án ATACMS với việc cho ra đời các biến thể tiếp theo của MGM-140 gồm: MGM-140B - Block IA, MGM-164 ATACMS - Block II và MGM-168 ATACMS - Block IVA.

Mỗi biến thể được phát triển dành cho từng loại nhiệm vụ khác trong đó MGM-168 ATACMS - Block IVA sở hữu tầm bắn xa nhất lên đến 300km với khả năng mang theo một đầu đạn nổ cực mạnh, nặng 230kg.

Đạn tên lửa MGM-140 nặng 1,6 tấn, dài 4m, đường kính thân 610mm, có thể mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau.

Trong đó có các loại đầu đạn phân mảnh có khả năng gây sát thương trên diện rộng và chúng được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu và dẫn đường quán tính.

Gần đây Mỹ đang tái khởi động chương trình chế tạo phiên bản mới của loại tên lửa này có tầm phóng lên tới 500km.

Hiện thông tin về tên lửa ATACMS vẫn sẽ là đề tài nóng trong vài ngày tới tại chiến trường Ukraine.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-co-nuot-loi-khi-chuyen-ten-lua-tam-xa-atacms-cho-he-thong-himars-ukraine-post513467.antd