Mỹ có sự cố Facebook nhưng chỉ nhắc đến bảo mật Huawei

Washington ưu ái các Tập đoàn công nghệ hàng đầu của mình nhưng lại chỉ trích các quốc gia khác ưu đãi cho các Tập đoàn lớn.

RT hôm 16/5 dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với giọng điệu chế giễu Mỹ khi đề cập đến các công ty công nghệ hàng đầu của Washington cũng gặp các rắc rối về vấn đề bảo mật, rò rỉ dữ liệu người dùng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, các chính sách của Mỹ về ngành công nghệ đều nằm trong tay các tập đoàn lớn.

Theo ông Macron, các chính sách của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ hiện đại đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi các Tập đoàn tư nhân.

"Nước Mỹ là một quốc gia đáng gờm nhưng họ có mô hình quản lý phụ thuộc sự chỉ đạo bởi những người chơi khổng lồ trong lĩnh vực tư nhân" - Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu là tiêu chuẩn để các quốc gia khác thực hiện các quy định về công nghệ kỹ thuật số.

Tổng thống Macron còn nói thêm rằng cách tiếp cận tự do như vậy đã dẫn đến một tình huống, trong đó Mỹ thực tế không có một chính phủ có khả năng đảm bảo quyền riêng tư của công dân trước sự xâm phạm quyền riêng tư của công ty.

Nhắc đến điều này, ông Macron hàm ý tới vụ bê bối về quyền riêng tư và scandal Cambridge Analytica của Facebook. Khi ông chủ Facebook ra điều trần trước Hạ viện, Thượng viện Mỹ, truyền thông địa phương đã mô tả rằng, các nghị sĩ Mỹ đã không gây được bất cứ áp lực nào với ông Mark Zuckerberg.

Ông Macron được cho là người dẫn đầu các nỗ lực của châu Âu trong việc buộc các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Amazon , Facebook và Apple phải trả nhiều tiền thuế hơn ở các lĩnh vực có doanh thu.

Tổng thống Macron kêu gọi các công ty công nghệ ở châu Âu hành động nhiều hơn vì lợi ích chung trong xã hội. Trong khi đó, chính sách về công nghệ ở các quốc gia châu Âu nên học theo cách kiểm soát các công ty công nghệ theo phong cách của Nhà nước Trung Quốc và kiểu quản lý Laissez-faire (Tự do Phóng nhiệm) - chỉ tiến hành trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp đang trên vực phá sản và chỉ khuyến khích cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu trong cùng một phân khúc bằng hệ thống pháp luật phù hợp.

Tuyên bố như vậy, Tổng thống Pháp tỏ ý muốn nhắc nhở Washington đang bị các công ty của mình điều khiển, xảy ra các vụ bê bối mới tìm cách can thiệp. Trong khi đó, Washington lại không quên chỉ trích Huawei và Chính phủ Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đứng sau các công ty "gián điệp" dù không hề công bố các bằng chứng nào.

Xung quanh vấn đề về Huawei, ông Emmanuel Macron khẳng định nước Pháp không có ý định gây trở ngại Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc hay khởi động cuộc chiến công nghệ dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuyên bố trên đưa ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ Mỹ ra sắc lệnh cấm các công ty của nước này sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei.

Phát biểu tại một sự kiện về công nghệ ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron nhấn mạnh quan điểm của Pháp là không gây khó dễ cho Huawei hoặc bất kỳ công ty nào, điều này là để đảm bảo an ninh quốc gia Pháp và chủ quyền của Liên minh châu Âu.

Theo ông, khởi động một cuộc chiến công nghệ hay thương mại là không thích hợp.

Tại Anh, chính phủ cho hay họ sẽ tự đưa ra quyết định về việc có dùng công nghệ của Huawei để xây dựng mạng lưới 5G hay không. Bộ trưởng Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Jeremy Wright cho hay nước này sẽ tự quyết định vấn đề Huawei sau khi tiến hành đánh giá riêng.

“Mỹ có quyết định riêng của họ, chúng tôi có quyết định riêng của mình. Quan điểm mà chúng tôi đưa ra là sẽ hợp lý hơn nếu như chúng tôi thực hiện đánh giá về bảo mật dựa trên cả chuỗi cung ứng viễn thông”, ông Wright nói. Hiện thời, không có thiết bị Huawei trong mạng lưới phòng thủ quan trọng của Anh song vẫn có hàng Huawei trong phần không cốt lõi của nhiều hệ thống IT khác.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc lạm dụng công nghệ can thiệp chính trị

Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ vừa tổ chức phiên điều trần với các chuyên gia bên ngoài để xem xét kỹ nguy cơ Trung Quốc sử dụng công nghệ để chi phối chính trị nội bộ và quốc tế.

Ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, cho rằng Trung Quốc đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thuật toán máy học và công nghệ nhận diện để tăng cường quyền lực kiểm soát xã hội của họ.

Cũng trong phần trình bày quan điểm của mình, ông Schiff nhắc tới Huawei với những chỉ trích gay gắt, khẳng định "không thể chấp nhận" các lập luận của Huawei cho rằng họ vẫn luôn bảo vệ quyền tự do và riêng tư của người dùng tại những nước mua thiết bị viễn thông của họ.

"Bắc Kinh đang thực thi chiến dịch gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn xã hội một cách mạnh mẽ và tinh vi nhằm có thêm lực lượng ủng hộ, gieo rắc sự hoang mang trong công chúng Mỹ cũng như làm xói mòn lập trường phản kháng trong xã hội Mỹ trước mối đe dọa từ Trung Quốc" - dân biểu Devin Nunes, Hạ Nghị sĩ giữ vị trí cao nhất bên phía Đảng Cộng hòa trong Ủy ban tình báo hạ viện cũng lên tiếng cáo buộc.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-co-su-co-facebook-nhung-chi-nhac-den-bao-mat-huawei-3380236/