Mỹ có thể bảo vệ mình trước tên lửa Triều Tiên?

Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong thông điệp đầu năm mới của mình rằng đất nước của ông sẽ thử nghiệm một loại tên lửa có thể bắn tới Mỹ, Washington khẳng định họ có thể ngăn chặn nó.

Theo tạp chí The Diplomat, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Mỹ sẽ bắn rơi bất kỳ tên lửa nhằm vào lãnh thổ của minh hoặc các quốc gia đồng mình. Sau đó, trong bài phát biểu cuối cùng trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, phát biểu của ông có khác đi một chút: Nếu không được coi là “hiểm họa lớn”, tên lửa đối phương sẽ được phép bay hết quãng đường của mình để Mỹ có thể thu thập thêm dữ liệu.

Ảnh chụp một cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa GMD của Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng khả năng phòng thủ những loại tên lửa xuyên lục địa như trên của Mỹ là khá giới hạn mặc dù đã bỏ nhiều thập kỷ nghiên cứu và chi 180 tỉ USD cho việc này kể từ những năm 1980 đến nay.

Ông Kingston Reif, một chuyên gia thuộc Hiệp hội Kiếm soát Vũ khí Mỹ cho biết, Hệ thống Tên lửa Phòng thủ Đánh chặn Trên mặt đất (GMD) tại các bang California và Alaska là lựa chọn duy nhất để ngăn chặn các tên lửa ICBM mà Mỹ đang có. “GMD chỉ có cơ hội nhỏ nếu tên lửa thực sự được phóng về phía Mỹ”. ông nói.

Tiến sĩ Laura Grego, một chuyên gia về phòng thủ tên lửa người Mỹ cho biết GMD cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả khả quan trong các cuộc thử nghiệm.

“Hệ thống GMD chưa thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm, tuy nhiên trong 17 lần phóng thử, 9 lần phóng đã không thành công và kết quả vẫn chưa được cải thiện”, bà nói.

“Đây là các cuộc thử nghiệm đơn giản, chưa phải là những tình huống được mô phỏng thực tế. Thực tế mãi đến gần cuối năm GMD mới được thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Các quan chức Lầu Năm Góc đều đánh giá rằng hệ thống này vẫn chưa cho thấy khả năng mà họ mong muốn”, tiến sĩ Grego nói thêm.

Bà Grego tin rằng việc thiết kế một hệ thống có thể ngăn chặn một mục tiêu nhỏ và di chuyển với tốc độ cao như ICBM là rất khó khăn.

“Việc chế tạo một hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa có độ tin cậy cao là một thách thức khổng lồ”, bà nói. “Hãy nhớ rằng đối phương là bên nắm quyền chủ động, có thể chọn tấn công vào bất kỳ lúc nào, và anh muốn thử nghiệm hệ thống đánh chặn của mình trong các điều kiện thời tiết khác nhau, thời điểm trong ngày khác nhau v.v…”

Bà Grego tin rằng chính quyền Mỹ đang chịu sức ép rất lớn từ dư luận và buộc phải phóng đại khả năng phòng thủ của quân đội mình.

“Thực tế, tôi cho rằng điều này đang cản trở quá trình chế tạo một hệ thống được thử nghiệm kỹ càng”, bà nói. “Việc chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa cần phải được kiểm tra và xem xét rất cẩn thận. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ chỉ có trong tay một hệ thống không đạt được hiệu quả như mong muốn”.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-co-the-bao-ve-minh-truoc-ten-lua-trieu-tien-post219550.info