Mỹ có thể loại biên hai loại thuốc hàng đầu trị COVID-19 vì biến thể Omicron

Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng có thể sớm khiến các bác sĩ Mỹ không thể sử dụng hai trong số các phương pháp điều trị tiêu chuẩn mà họ đã sử dụng để chống lại COVID-19.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một phòng ICU, ở Boise, bang Idaho, Mỹ. Ảnh: AP

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một phòng ICU, ở Boise, bang Idaho, Mỹ. Ảnh: AP

Khi các bệnh viện Mỹ phải đối mặt với một làn sóng gia tăng ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron lây lan nhanh, các bác sĩ đang cảnh báo về một thách thức khác: hai loại thuốc tiêu chuẩn mà họ đã sử dụng để chống nhiễm trùng không có khả năng chống lại chủng mới.

Trong hơn một năm qua, các loại thuốc kháng thể của Regeneron và Eli Lilly đã trở thành phương pháp điều trị sớm COVID-19, nhờ khả năng ngăn chặn bệnh nặng và giúp bệnh nhân không phải nhập viện.

Nhưng cả hai nhà sản xuất thuốc gần đây đã cảnh báo rằng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy liệu pháp điều trị của họ sẽ kém hiệu quả hơn nhiều đối với biến thể Omicron, vốn chứa hàng chục đột biến khiến các kháng thể khó tấn công virus hơn. Và mặc dù các công ty cho biết họ có thể nhanh chóng phát triển các kháng thể mới nhắm mục tiêu Omicron, nhưng phải mất ít nhất vài tháng những loại kháng thể này mới có thể ra mắt.

Một loại thuốc kháng thể thứ ba từ nhà sản xuất thuốc GlaxoSmithKline của Anh dường như có hiệu quả tốt nhất chống lại Omicron. Nhưng thuốc của GSK không được bán rộng rãi ở Mỹ, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hàng triệu liều được mua và phân phối bởi chính phủ liên bang. Các quan chức y tế Mỹ hiện đang phân phối nguồn cung cấp thuốc khan hiếm này cho các bang.

Tiến sĩ Jonathan Li, Giám đốc Phòng thí nghiệm Chuyên khoa Virus học Harvard / Brigham cho biết: “Tôi nghĩ rằng sẽ có sự thiếu hụt. Chúng tôi đang sử dụng một loại kháng thể đơn dòng được FDA cho phép” trong điều trị Omicron do hiệu quả của thuốc Regeneron và Lilly bị giảm.

Thuốc truyền kháng thể đơn dòng của Regeneron. Ảnh: Getty Images

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Delta vẫn chiếm hơn 95% các trường hợp ước tính tại nước này. Nhưng các nhà lãnh đạo CDC cho biết Omicron đang lây lan nhanh hơn bất kỳ biến thể nào trước đây và sẽ trở thành chủng vi khuẩn thống trị trên toàn quốc trong vòng vài tuần tới.

Được sử dụng qua đường tiêm hoặc truyền, thuốc kháng thể là phiên bản được tạo ra trong phòng thí nghiệm của protein người giúp hệ miễn dịch chống lại virus và các bệnh nhiễm trùng khác.

Theo các công ty, loại thuốc của GSK, được phát triển bằng Công nghệ sinh học Virus, được bào chế đặc biệt để liên kết với một phần của virus ít có khả năng đột biến. Các nghiên cứu ban đầu về Omicron mô phỏng trong phòng thí nghiệm của các nhà sản xuất thuốc và các nhà nghiên cứu bên ngoài đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn.

Nguồn cung thuốc “cực kỳ hạn chế và các liều bổ sung của sản phẩm sẽ không có sẵn cho đến tuần bắt đầu ngày 3/1”, theo một tuyên bố đăng tải trực tuyến của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.

Sau khi tạm dừng phân phối vào tháng trước để bảo tồn nguồn cung, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) hiện đang vận chuyển 55.000 liều thuốc, được gọi là sotrovimab, đến các sở y tế tiểu bang, và có thể đến nơi sớm nhất vào ngày 21/12. Dự kiến sẽ có thêm 300.000 liều trong tháng 1/2022.

Cơ quan này cho biết họ đang phân phối thuốc tới các bang dựa trên mức độ nhiễm virus và số ca nhập viện của bang đó.

Một y tá bước vào khu cung cấp kháng thể đơn dòng của Regeneron tại Pembroke Pines, bang Florida. Ảnh: AP

HHS khuyến nghị các tiểu bang để dành loại thuốc này cho những bệnh nhân có nguy cơ cao nhất, những người có nhiều khả năng nhiễm Omicron nhất, vì các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy Omicron có nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng địa phương, với tốc độ nhanh hơn từ 20% trở lên. Những bệnh nhân có nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi và những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim, tiểu đường và rối loạn hệ miễn dịch.

Trước khi các lô hàng bị tạm dừng, thuốc của GSK chiếm khoảng 10% trong tổng số 1,8 triệu liều kháng thể được phân phối cho các cơ quan y tế tiểu bang ở Mỹ từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 11.

Tập đoàn dược có trụ sở tại London này cho biết họ đang trên đà sản xuất 2 triệu liều kháng thể vào tháng 5, theo hợp đồng với Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Công ty cũng nỗ lực để tăng thêm năng lực sản xuất trong năm tới.

Việc mất hai liệu pháp kháng thể hàng đầu càng khiến ngành y tập trung nhiều hơn vào một cặp thuốc kháng virus rất được mong đợi mà các cơ quan quản lý Mỹ dự kiến sẽ sớm cho phép. Hai loại thuốc của Pfizer và Merck sẽ là phương pháp điều trị đầu tiên mà người Mỹ có thể thực hiện tại nhà để đối phó với mắc COVID-19 nặng. Thuốc của Pfizer đã cho thấy tác dụng mạnh mẽ, hạn chế gần 90% trường hợp nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Andrew Pekosz, một nhà virus học tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Nếu được triển khai hiệu quả, thuốc này có tiềm năng thực sự lớn. Ngay lập tức những loại thuốc kháng virus này có thể giảm thiểu tác động của Omicron."

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo PBS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-co-the-loai-bien-hai-loai-thuoc-hang-dau-tri-covid19-vi-bien-the-omicron-20211220104406140.htm