Mỹ có thể mất 20 năm xác minh hài cốt từ Triều Tiên

Phía Bình Nhưỡng đã tiến hành trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Nhưng, hành trình trở về của các binh sĩ Mỹ sẽ còn mất nhiều thời gian.

Những bộ hài cốt của binh sĩ Mỹ được phía Triều Tiên trao trả hôm 27/7

6 thập kỷ chờ đợi và hơn thế nữa

Reuters của Anh ngày 1/8 cho hay, tổng cộng đã có khoảng 55 bộ hài cốt binh sĩ Mỹ được phủ lá cờ màu xanh - trắng của Liên hợp quốc đã được chuyển từ sân bay Kalma, TP Wonsan, Triều Tiên về căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc ngay trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua. Lễ đón nhận đã được tổ chức trang trọng tại căn cứ này với sự tham gia của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc cùng nhiều quan chức khác.

Sau quá trình kiểm tra sơ bộ, những bộ hài cốt nói trên sẽ được chuyển đến một phòng thí nghiệm quân sự ở Hawaii trên Thái Bình Dương nhằm xác định chính xác danh tính cũng như độ xác thực từ hài cốt được cho là của những binh sĩ đã thiệt mạng cách đây hơn 60 năm.

Ông Paul Cole, một chuyên gia về nhận dạng hài cốt và binh lính mất tích (POW - MIA), hiện làm việc tại Trung tâm Thí nghiệm và nhận dạng Hawaii cho biết, trong mỗi chiếc hộp có thể là hài cốt không chỉ của một người nguyên vẹn và đôi khi chỉ còn có vài mảnh xương.

Tuy vậy, mỗi một mảnh xương, dù rất nhỏ cũng là đầu mối để xác định danh tính các binh sĩ đã thiệt mạng. Theo chuyên gia, phần xương đùi sẽ giúp xác định chiều cao, trong khi xương đòn gánh và những chiếc răng có thể được đem đi đối chiếu với hình ảnh chụp X-quang, hồ sơ khám sức khỏe của những binh sĩ từ cách đây cả nửa thế kỷ.

Phòng thí nghiệm sẽ lấy một mảnh xương rất nhỏ, gửi đến Phòng Giám định nhận dạng ADN của quân đội Mỹ để phân tích và so sánh với các mẫu gen từ người thân trong gia đình của các binh sĩ. Tuy nhiên, chuyên gia Cole cũng cho biết, có những phần hài cốt quá nhỏ, không đủ để thực hiện việc nhận dạng này.

Những khó khăn trong quá trình xét nghiệm và phân tích mẫu xương như vậy đã khiến quá trình xác định danh tính mất rất nhiều năm. Theo ông Chuck Prichard, quan chức của Cơ quan Phụ trách chương trình POW - MIA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, những vấn đề như không thể xác định ADN hay không lấy được mẫu gen từ người thân của binh sĩ đã mất có thể là trở ngại lớn cho quá trình này.

Nhiệm vụ khó khăn nhưng cao cả

Mặc dù có nhiều thách thức trong việc nhận dạng danh tính của các binh sĩ Mỹ, nhưng những chuyên gia làm công việc giám định vẫn xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và rất được kỳ vọng.

Bà Gail Embery, 73 tuổi, một trong số những thân nhân của các binh sĩ đã mất, vẫn luôn mong mỏi tìm thấy những phần hài cốt còn lại, dù là ít ỏi của người thân mình trước khi bà qua đời.

Bà Embery hy vọng rằng, một trong số những bộ hài cốt được trao trả ngày 27/7 vừa qua sẽ là di cốt đích thực của cha bà - Trung sĩ Coleman Edwards, người đã tử nạn trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên ở thập niên 50 của thế kỷ trước mà đến nay gia đình bà vẫn chưa có hồi âm từ quân đội.

Tuần trước, sau khi Triều Tiên trao trả 55 bộ hài cốt binh sĩ, Tổng thống Trump đã gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch Kim vì đã thực hiện theo đúng thỏa thuận giữa hai bên tại hội nghị vừa qua. “Tôi chắc chắn rằng, ông Kim sẽ vẫn giữ đúng lời hứa giúp chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các bộ hài cốt”, ông Trump tuyên bố. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết đã cử Phó Tổng thống Mike Pence đến Hawaii để nhận những bộ hài cốt này.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, trong tháng này, họ sẽ tiếp tục phối hợp với phía Bình Nhưỡng để tìm kiếm những hài cốt vẫn còn nằm lại trên lãnh thổ Triều Tiên.

Được biết, có khoảng 36.500 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh diễn ra trên bán đảo này trong gia đoạn 1950-1953, tuy nhiên vẫn còn hơn 7.700 người vẫn chưa được tìm thấy. Trong số này, khoảng 5.300 hài cốt được cho là nằm ở Triều Tiên.

Thu Trang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/my-co-the-mat-20-nam-xac-minh-hai-cot-tu-trieu-tien-d266681.html