Mỹ cố tìm cách tấn công Nga qua Bắc Cực

Chuyên gia dự đoán, Mỹ đang cố gắng hoàn thiện khả năng tấn công Nga qua Bắc Cực vì đây là con đường ngắn nhất giữa 2 bên.

Theo chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin, Mỹ đã thực hành các cuộc không kích xuyên Bắc Cực trong hơn 70 năm qua bằng những tên lửa hành trình thông quan máy bay ném bom chiến lược để đấu lại với hệ thống phòng không của Nga.

Ông Vladislav Shurygin lưu ý rằng con đường ngắn nhất từ Mỹ đến các khu vực chiến lược, chính trị và kinh tế ở miền trung nước Nga, vùng Urals và Siberia đi qua Bắc Cực.

"Với mật độ dày đặc của hệ thống phòng không Liên Xô và các nước Hiệp ước Warsaw, máy bay ném bom của Mỹ không thể vượt qua châu Âu đến Urals", - ông Shurygin nói.

Một đợt diễn tập tên lửa Nga tại Bắc Cực.

Một đợt diễn tập tên lửa Nga tại Bắc Cực.

Bên cạnh đó, Vladislav Shurygin cho rằng, không quân chiến lược của Nga cũng có thứ để đáp trả Mỹ một cách toàn diện. Chuyên gia cho biết, trong các chuyến bay ở vĩ độ cực Bắc, các phi công Nga thực hành những hành động như vậy.

Xác định được Bắc Cực là vùng mình có nhiều điểm yếu nên cuối năm 2019, Nga quyết tâm trang bị cho Hạm đội phương Bắc thêm loạt vũ khí mới nhằm biến khu vực thành thành pháo đài bất khả xâm phạm.

"Các hệ thống S-400 mới được tăng cường đã chính thức làm nhiệm vụ tại trung đoàn tên lửa phòng không đóng ở Novaya Zemlya. Cùng với đó, tất cả các tiểu đoàn đóng quân tại Bắc Cực của Nga sẽ được trang bị S-400 nhằm tạo ra một mái vòm phòng thủ vững chắc tại Bắc Cực có thể bẻ gãy mọi cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm vào Nga" - Tư lệnh Hạm đội Phó Đô đốc Alexander Moiseyev cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Krasnaya Zvezda hôm 10/12/2019.

Được biết, tất cả những hệ thống S-400 được Nga triển khai tại Bắc Cực đều được trang bị gồm Sở chỉ huy tác chiến, trạm radar đa năng và trang thiết bị phóng đặt trên xe tải chuyên dụng MZKT-7930 Astrolog.

Điểm đặc biệt của phiên bản "địa cực" này là chúng được trang bị động cơ tua bin khí, dùng để khởi động động cơ chính của xe tải hạng nặng và thực hiện việc tăng nhiệt độc lập cho phòng thao tác, hệ thống tên lửa và trang thiết bị điện tử.

Cùng với những phiên bản đặc biệt của S-400, Nga cũng chế Tor-M2DT và Pantsir-SA với những trang bị riêng dành cho các đơn vị tại Bắc Cực. Cùng với những vũ khí này, hiện Nga cũng đang tiến hành nâng cấp hàng loạt phương tiện và vũ khí khác nhằm nâng cao hiệu quả khi tác chiến tại Bắc Cực, trong đó có trực thăng Mi-8, gia cường thân tàu ngầm hạt nhân giúp nó vượt qua lớp băng dày ở Bắc Cực mà không bị hư hại thân tàu.

Nhận xét về cách Nga trang bị vũ khí cho Bắc Cực, tạp chí Mỹ National Interest mới đây có bài viết cho rằng, Bắc Cực đã trở thành một khu vực gia tăng sự chú ý của các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga, Trung Quốc…, nhưng Mỹ hoàn toàn không sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình ở đó.

Ấn phẩm Mỹ nhấn mạnh, Washington hoàn toàn không sẵn sàng chiến đấu cho khu vực Bắc Cực. Ở phía bắc Vòng Bắc Cực, quân đội Mỹ không có một căn cứ quân sự lớn nào, không có máy bay, không có tàu chiến lớn có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp.

Ngoài ra, tờ báo lưu ý, Hải quân Mỹ chỉ có một tàu phá băng hạng nặng duy nhất mang tên Polar Star đã 42 tuổi và nằm trong biên chế lực lượng bảo vệ bờ biển. Vào năm ngoái, nó hầu như không thể tránh khỏi một thảm họa, khi nước bắt đầu rò rỉ trên con tàu.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-co-tim-cach-tan-cong-nga-qua-bac-cuc-3409168/