Mỹ cự tuyệt đàm phán thương mại trừ phi Trung Quốc nhượng bộ

Mỹ đang cự tuyệt nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh đưa ra đề xuất cụ thể để giải quyết các phàn nàn của Washington về các thực hành thương mại bất công, theo các nguồn tin từ hai cường quốc kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Bắc Kinh hồi tháng 11-2017. Ảnh: AP

Mỹ muốn Trung Quốc nhượng bộ trước khi đàm phán

Tờ Wall Street Journal cho biết tình trạng bế tắc trên đe dọa triển vọng khả quan về kết quả cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình được lên kế hoạch tại hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế lớn G20 ở Buenos Aires, Argentina vào cuối tháng 11 này.

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều hy vọng cuộc gặp này sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại song phương. Giới doanh nghiệp Mỹ đang trông chờ vào kết quả tích cực của cuộc gặp để chính quyền Donald Trump gác lại kế hoạch nâng mức áp thuế nhập khẩu từ 10% lên 20% nhằm vào 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm bắt đầu từ ngày 1-1-2019. Quyết định tăng thuế nhập khẩu này sẽ là một đòn giáng nặng nề cho các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ.

Đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã bị đóng băng kể từ giữa tháng 9 khi Trung Quốc hủy chuyến thăm Washinhton của phái đoàn thương mại cấp cao sau khi Mỹ thông báo áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Kể từ đó, Bắc Kinh tìm cách nối lại các cuộc tiếp xúc, bao gồm đề nghị Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Malpass nối lại đàm phán thương mại. Theo các quan chức Mỹ, Malpass đã từ chối đề nghị này cho đến khi phía Trung Quốc đưa ra một đề xuất chính thức về các nhượng bộ thương mại

“Nếu Trung Quốc muốn cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại hội nghị G20 trở nên có ý nghĩa, chúng ta cần phải có các bước chuẩn bị cơ bản. Nếu họ (Trung Quốc) không đưa ra bất kỳ thông tin hữu ích nào, thật khó để hình dung cuộc gặp đó sẽ có kết quả”, một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói.

Vị quan chức này khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán nào diễn ra trước hội nghị G20 nếu Trung Quốc không đưa ra đề xuất cụ thể về các nhượng bộ thương mại.

Trung Quốc lo ngại rủi ro

Các nguồn tin nắm rõ thông tin từ Trung Quốc cho biết đối với Bắc Kinh, việc đưa ra một đề xuất chính thức về các nhượng bộ thương mại sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Trước hết, điều này sẽ làm lộ lập trường đàm phán của Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Kinh lo sợ rằng Trump có thể nêu công khai đề xuất của Trung Quốc trong một tuyên bố hoặc một dòng tweet nhằm chốt lại bất cứ nhượng bộ nào của nước này.

Mối lo lắng của Trung Quốc xuất phát từ những gì đã xảy ra trong lịch sử. Trong suốt quá trình đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bác bỏ một đề xuất của Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ vào thời điểm đó, bao gồm các nhượng bộ sâu rộng và tái tổ chức nền kinh tế Trung Quốc. Sau đó, chính quyền Bill Clinton đã công bố đề xuất này của Trung Quốc nhằm mục đích ngăn Trung Quốc rút lại các cam kết nhượng bộ thương mại.

Tuy nhiên, động thái của Mỹ khiến ông Chu Dung Cơ bị những người theo đường lối cứng rắn ở Trung Quốc chỉ trích, và Mỹ phải mất thêm nhiều tháng đàm phán để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận đã đưa ra ban đầu. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói rằng Bắc Kinh muốn thảo luận thêm trước khi đặt lên bàn đàm phán một đề xuất cụ thể.

Ông nói: “Mọi người phải ngồi xuống lại với nhau. Sau đó, mỗi bên nên đưa ra đề xuất riêng”. Ông cho biết Bắc Kinh rất thận trọng về việc đàm phán với chính quyền Donald Trump vì Trump đã nhiều lần bác bỏ các đề xuất nhượng bộ thương mại mà Trung Quốc đưa ra trước đây sau khi các nhà đàm phán Mỹ tỏ ý rằng họ sẽ chấp nhận.

“Bạn không thể chấp nhận một một thỏa thuận dự kiến nào đó vào hôm nay và bác bỏ nó vào ngày hôm sau”, ông nhấn mạnh.

Về phía Mỹ, nước này lo ngại Trung Quốc kéo dài các cuộc đàm phán và cố gắng đạt các cam kết từ Trump trong cuộc gặp tay đôi với ông Tập. Vị quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết điều này sẽ mang lại một thỏa thuận với các cam kết có vẻ tốt nhưng không có nhiều ý nghĩa.

Vị quan chức này khẳng định Trump sẽ không rơi vào một cái bẫy như vậy. Trung Quốc thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho các cuộc gặp cấp cao trong khi Trump thường hành động dựa vào các bản năng của ông.

Trung Quốc chỉ chấp nhận 80% yêu cầu của Mỹ

Kể từ mùa xuân 2018, Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận các chi tiết của một thỏa thuận thương mại. Trong các cuộc đàm phàn tại Bắc Kinh hồi tháng 5, các nhà đàm phán Mỹ trao cho các đồng nghiệp Trung Quốc một yêu sách gồm 8 điểm, như giảm 50% mức thâm hụt thương mại 376 tỉ đô la của Mỹ với Trung Quốc mỗi năm, cắt giảm phần lớn các chương trình trợ cấp của chính phủ Trung Quốc dành cho các ngành công nghệ cao.

Các nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận của Bắc Kinh cho biết Trung Quốc chia các yêu cầu của Mỹ thành 142 khoản riêng rẽ, rồi nhóm chúng lại thành ba mục lớn. Theo đó, Trung Quốc chấp nhận thực hiện ngay lập tức 30-40% trong số các yêu cầu của Mỹ, đàm phán dần dần 30-40% yêu cầu khác và không chấp nhận 20% yêu cầu còn lại vì chúng liên quan đến an ninh quốc gia hoặc các vấn đề nhạy cảm khác của Trung Quốc.

Trung Quốc gọi đây là kế hoạch 80/20 hoặc 60/20/20, tùy vào cách sắp xếp các yêu cầu. Nước này đã chuyển cho Mỹ kế hoạch này trong các cuộc đàm phán hồi giữa tháng 8. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Trung Quốc không tiết lộ cụ thể các khoản trong ba mục trên mà chỉ nói rằng chỉ có 122/142 khoản được xem là có thể đàm phán.

Các quan chức Mỹ nói rằng đề xuất của Trung Quốc, về bản chất, mới chỉ là khái niệm chung, do vậy, chưa đầy đủ. Họ muốn một cụ xuất cụ thể và chi tiết hơn nhằm giải tỏa các mối lo ngại của Mỹ.

Bắc Kinh phản đáp rằng chỉ đưa ra đề xuất sau các cuộc đàm phán. Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói rằng Trung Quốc không chắc liệu phía Mỹ có thực sự nghiêm túc về các vấn đề cơ bản của một thỏa thuận thương mại hay không khi hai bên chưa ngồi vào bàn đàm phán nào.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280818/my-cu-tuyet-dam-phan-thuong-mai-tru-phi-trung-quoc-nhuong-bo-.html