Mỹ cũng có thể bị tấn công bằng vũ khí hóa học như ở Syria

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Fox News hôm 15.4 (giờ Mỹ), nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cảnh cáo ở Mỹ cũng có thể xảy ra các vụ tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học (VKHH) như ở Syria, nếu Mỹ không tăng cường cảnh giác.

Trẻ em Syria hít phải khí độc đang được chăm sóc - Ảnh: AP

Đêm 13.4, Mỹ cùng hai đồng minh Anh-Pháp đã phóng hơn 100 tên lửa vào 3 mục tiêu ở Syria, với cớ chính phủ và quân đội Tổng thống Bashar Al-Assad dùng VKHH giết dân thường ngày 7.4.

Sáng 15.4, bà Haley nói: “Chuyện đó rất dễ xảy ra ở Mỹ, nếu chúng ta không thông minh và nếu chúng ta không ý thức chuyện gì đang xảy ra. Chúng ta phải rất cảnh giác trước sự thật là chúng ta không thể cho phép sử dụng VKHH dù chỉ một chút xíu. Đó là lý do chúng ta chứng kiến Tổng thống đã hành động hồi cuối tuần qua, tại sao Ngài trục xuất 60 điệp viên Nga sau vụ tấn công hóa học ở Salisbury”.

Bà Haley bảo vệ sự tham gia của Anh-Pháp và tiếp tục chỉ trích Nga “không thực hiện các cam kết quốc tế để loại bỏ tất cả VKHH ở Syria”.

Vị cựu thống đốc bang Nam Carolina còn ủng hộ tuyên bố “Nhiệm vụ đã hoàn thành” của Tổng thống Donald Trump sau khi kết thúc vụ không kích. Bà nói đó là “thông điệp rất mạnh” gởi đến cả Nga-Syria: “Chúng ta giáng đòn hạng nặng vào chương trình VKHH của họ. Hy vọng ông ta nhận được thông điệp này”.

Ngày 14.4, Bà Haley tuyên bố tại Hội đồng bảo an LHQ: nếu Syria tái phạm vụ tấn công thì “đạn của Mỹ sẽ được nạp và lên cò”. Bà nói: “Chúng tôi tin tưởng đã làm tê liệt chương trình VKHH của Syria. Chúng tôi sẵn sàng tái lập việc này, nếu chính phủ Syra đủ ngu ngốc để thách thức chúng tôi thêm một lần nữa. Tôi đã báo cáo Tổng thống Mỹ và Ngài nói nếu Syria tiếp tục sử dụng chất độc hóa học một lần nữa, đạn của Mỹ sẽ được nạp và lên cò”.

Vị Đại sứ còn nói đã mất một tuần bàn luận về chuyện Syria dùng VKHH gây thảm họa kinh hoàng cho người dân, và “thời gian nói chuyện đã kết thúc”, ám chỉ việc Tổng thống Mỹ ra lệnh phóng tên lửa tấn công Syria. Bà Haley nói: “Khi Tổng thống chúng tôi đã vạch lằn ranh đỏ, Tổng thống chúng tôi thực hiện lằn ranh đỏ ấy”.

Bà Haley cũng nói Mỹ sẽ có các biện pháp cấm vận mới đối với các công ty dính líu việc chính phủ Syria sử dụng VKHH.

Đại sứ Mỹ tại LHQ cũng tuyên bố Mỹ sẽ không rút quân khỏi Syria cho đến khi nào hoàn thành 3 mục tiêu: đảm bảo VKHH không được sử dụng để đe dọa lợi ích của Mỹ, đánh bại bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và có thể giám sát rõ hành động của Iran.

Ngày 16.4, 15 nước thành viên HĐBA LHQ sẽ họp bàn việc thúc đẩy giảm thiểu kho VKHH của Syria. Các cường quốc phương tây đang nỗ lực hoạt động ngoại giao sau vụ không kích Syria, bằng cách đề nghị LHQ điều tra mạnh kho vũ khí này của chính quyền Syria.

Theo báo Guardian, HĐBA cũng sẽ tăng sức ép để Nga ngưng “bao che” chế độ Syria khỏi bị LHQ điều tra việc sử dụng VKHH. Một dự thảo nghị quyết sẽ kêu gọi LHQ cố gắng thúc đẩy những cuộc đàm phán hòa bình bị trì hoãn, chấp nhận ngưng bắn và phục hồi các tuyến viện trợ nhân đạo đến các vùng chiến sự.

Mục tiêu của những nỗ lực này là nhằm chứng minh sự can thiệp quân sự của phương tây là một phần trong chiến lược chính trị-ngoại giao để loại bỏ vĩnh viễn VKHH khỏi Syria.

Dự thảo nghị quyết LHQ do Mỹ-Anh-Pháp trình gồm các đề nghị mở các cuộc điều tra độc lập về những vụ tấn công bằng khí độc ở Syria, nhằm xác định thủ phạm. Tổ chức Cấm VKHH (OPCW) sau 30 ngày sẽ trình báo cáo có đúng thủ phạm là chế độ Assad hay không.

Từ tháng 11 đến nay, HĐBA bị bế tắc trong việc lập một cơ chế điều tra nhằm xác minh thủ phạm các vụ tấn công hóa học, thay vì xác định có đúng đã xảy ra sự tấn công hay không.

Dự thảo nghị quyết kêu gọi đánh giá y tế, tạo hành lang an toàn cho các đoàn viện trợ đến từng vùng của Syria. Dự thảo cũng kêu gọi thực hiện một nghị quyết ngưng bắn đã được thông qua hồi tháng 2 nhưng chưa thực hiện được.

Dự thảo “yêu cầu chế độ Syria tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với sự chân thành, đóng góp xây dựng và không ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.

Đoàn điều tra OPCW đã đến Damascus, trong khi Nga-Syria tiếp tục tố cáo cuộc không kích tối 13.4 của Mỹ-Anh-Pháp là hành động xâm lược phi pháp dù HĐBA đã bác một dự thảo nghị quyết do Nga trình, mang nội dung đề nghị lên án hành động của Mỹ-Anh-Pháp.

Khi bỏ phiếu, đề xuất của Nga chỉ nhận được 2 phiếu thuận của Trung Quốc và Bolivia. Ngược lại 8/15 nước thành viên HĐBA bỏ phiếu chống: Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Kuwait và Bờ Biển Ngà. 4 nước bỏ phiếu trống là Ethiopia, Kazakhstan, Equatorial Guinea và Peru.

Ngày 15.4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện điện thoại với người đồng cấp Hassan Rouhani của Iran, và ông cảnh cáo “nếu hành động vi phạm Hiến chương LHQ này tái diễn thì sẽ gây hoảng loạn cho quan hệ quốc tế”.

Bảo Vĩnh (theo Newsweek, Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/my-cung-co-the-bi-tan-cong-bang-vu-khi-hoa-hoc-nhu-o-syria-86189.html