Mỹ cười nhạt khi tiêm kích tối tân nhất Iran giống hệt F-5 ra đời đã nửa thế kỷ

Hôm qua 3/11, Bộ Quốc phòng Iran đã tiến hành buổi lễ khai trương dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu nội địa Kowsar tại Công ty sản xuất máy bay HESA trực thuộc Tổ chức Công nghiệp Hàng không Iran (IAIO).

Như vậy là chỉ một thời gian ngắn sau khi tuyên bố hoàn thành công tác kiểm tra đánh giá thì dây chuyền sản xuất tiêm kích Kowsar đã chính thức vận hành.

Kowsar là chiếc máy bay tiêm kích siêu âm nội địa đầu tiên do Iran tự sản xuất trong nước, đưa quốc gia Trung Đông này gia nhập hàng ngũ ít ỏi những nước chế tạo được chiến đấu cơ.

So với thiết kế ban đầu, dễ nhận thấy chiếc tiêm kích Kowsar phiên bản sản xuất hàng loạt đã bỏ kết cấu 2 cánh đuôi đứng để quay về sử dụng duy nhất 1 cánh đuôi.

Tuy nhiên điều này lại khiến cho tiêm kích Kowsar của Iran trông hầu như chẳng khác biệt gì về ngoại hình so với F-5 Tiger do Mỹ sản xuất từ thập niên 1960.

Trước khi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra, Tehran là một trong những đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, nước này đã nhận được rất nhiều vũ khí tối tân do Mỹ sản xuất.

Điển hình trong số đó là những chiến đấu cơ hạng nhẹ F-5A/B Tiger và F-5E/F Tiger II, đây là dòng tiêm kích siêu âm được Mỹ sản xuất dành riêng cho xuất khẩu.

Mặc dù Không quân Mỹ từ chối sử dụng F-5 Tiger mà chỉ trang bị một dẫn xuất của nó là máy bay huấn luyện T-38 Talon nhưng nhìn chung F-5 là sản phẩm quốc phòng thành công của Mỹ.

Tính cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều cường quốc quân sự trên thế giới vẫn tiếp tục nâng cấp tiêm kích F-5 để sử dụng thêm một thời gian dài nữa.

Sức sống trường tồn của F-5 nằm ở những ưu điểm như gọn nhẹ, linh hoạt, vận hành tin cậy, chi phí khai thác thấp và tiềm năng hiện đại hóa cao.

Quay lại với trường hợp của Iran, sau hàng chục năm sử dụng tiêm kích F-5 Tiger và mặc dù đã tiến hành hiện đại hóa nhưng độ bền khung thân máy bay cũng chỉ có giới hạn.

Do không tìm được nguồn phụ tùng chính hãng để thay thế cùng với việc đã hiểu quá rõ về F-5 Tiger đã dẫn Iran tới quyết định sao chép để cho ra đời chiếc Kowsar nội địa.

Iran tuyên bố rằng tiêm kích Kowsar của họ là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư, được tích hợp trang thiết bị điện tử hàng không tiên tiến cũng như vũ khí mạnh mẽ.

Tiêm kích Kowsar sẽ giữ một vai trò quan trọng trong lực lượng không quân quốc gia Hồi giáo này, sẽ được sử dụng để chống lại mối nguy cơ đến từ Mỹ và Israel.

Mặc dù phía Iran tự tin cho rằng tiêm kích Kowsar của họ đủ khả năng đối đầu trực diện với F-15/16 hay thậm chí là F-22/35 nhưng có lẽ họ đã hơi tự tin quá mức.

Đầu tiên cần phải xác định rằng F-5 Tiger là bản thiết kế đã gần 60 năm tuổi, nó có rất nhiều hạn chế nếu so sánh với tiêm kích thế hệ 4 đích thực.

Chiếc tiêm kích hạng nhẹ này có tốc độ thấp chỉ khoảng Mach 1,6, khoang mũi nhỏ không cho phép mang theo radar lớn, sức tải vũ khí cũng chỉ ở mức tương đối thấp.

Chiếc Kowsar sẽ hoàn toàn thất thế nếu gặp phải chiến đấu cơ thế hệ 4,5 và 5 của Không quân Mỹ hay Israel, nhất là khi Iran được cho là chưa đạt được nhiều thành tựu về kỹ thuật hàng không.

Bởi vậy không ngạc nhiên khi phía Mỹ tỏ thái độ khá dửng dưng, thậm chí là coi nhẹ trước những lời tuyên bố có phần "đao to búa lớn" của giới quân sự Iran.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-cuoi-nhat-khi-tiem-kich-toi-tan-nhat-iran-giong-het-f5-ra-doi-da-nua-the-ky/788762.antd