Mỹ 'cướp trắng' hợp đồng bán F-16 Barak cũ của Israel

Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Israel đã phải hủy hợp đồng bán F-16 cũ cho Croatia, 'nhường' món hời cho cho các công ty của Mỹ.

Mỹ chặn hợp đồng Israel cung cấp F-16 cho Croatia

Bộ Quốc phòng Croatia ngày 11/01 đưa tin, Israel đã chính thức thông báo cho Bộ Quốc phòng nước này về sự bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cũ, mà Israel đã cam kết bán lại cho Croatia 12 chiếc F-16I Sufa của không quân nước này.

Hồi tháng 3 năm 2018, Croatia tuyên bố rằng Israel đã thắng thầu về việc bán máy bay chiến đấu cho nước này vì đưa ra những điều kiện tốt nhất. Theo phân bổ ngân sách, Zagreb sẽ chi 500 triệu USD cho chương trình trang bị không quân.

Với số tiền này, Croatia hy vọng được nhận 12 chiếc F-16I đã qua sử dụng (với tên gọi là F-16 Barak), nhưng được nâng cấp, có trang bị vũ khí, hai thiết bị mô phỏng chuyến bay, còn các phi công chiến đấu của Croatia thì sẽ được đào tạo những kỹ năng cần thiết.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, những chiếc F-16 Barak đầu tiên của Israel (“Barak” có nghĩa là “Ánh sáng” trong tiếng Do Thái), có thể xuất hiện trên bầu trời Croatia vào mùa hè năm 2020, trong khi toàn bộ phi đội 12 chiếc sẽ đến Croatia vào năm 2022.

Hồi tháng 4/2018, Đại tá Željko Ninić, Tư lệnh Căn cứ Không quân số 91 của Không quân Croatia đã trở thành phi công đầu tiên của Croatia lái F-16 Barak, khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, thử nghiệm ở Israel.

Khi đó, Đại tá Ninić cho biết, ông rất vinh dự được chọn là người đầu tiên thử nghiệm các máy bay F-16 hiện đại sẽ sớm trở thành một phần của Không quân Croatia trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, ước vọng hiện đại hóa lực lượng không quân của Quân đội Croatia với sự giúp đỡ của Israel đã tan biến, bởi Hoa Kỳ đã ngăn chặn việc cung cấp những chiếc máy bay F-16 Barak, theo hợp đồng mà Croatia gọi là "vụ giao kèo thế kỷ" của quân đội nước này.

"Đáng tiếc là không nhận được giấy phép của Hoa Kỳ để cung cấp máy bay F-16 Barak của Israel cho Cộng hòa Croatia" - Bộ trưởng Quốc phòng Croatia Damir Krstichevich cho biết sau cuộc họp hôm 10/01/2019 tại Zagreb với Tổng Vụ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Udi Adam.

Mặc dù cả Tel Avip và và Zagreb không tuyên bố rõ lí do vì sao Mỹ lại không cho phép Israel cung cấp máy bay cho Croatia nhưng giới phân tích thì hiểu rất rõ. Đó là vì Mỹ muốn “nẫng tay trên” hợp đồng này của Israel cho các nhà thầu công nghiệp hàng không Mỹ.

Israel đã bị Mỹ hớt tay trên hợp đồng bán F-16 cũ béo bở

Cấm đồng minh để thu lợi cho mình

Được biết, cuộc đấu thầu để cung cấp lô máy bay chiến đấu này được Croatia công bố vào năm 2017. Tham gia đấu thầu là hàng loạt nước sở hữu máy bay F-16 cũ như Hy Lạp, Israel, Thụy Điển và cả Mỹ cũng tham gia.

Như vậy, Israel và Hoa Kỳ trở thành hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp để giành quyền cung cấp và Mỹ đời nào có thể để món hàng béo bở này lọt vào tay ai.

Israel đã không thể bán máy bay chiến đấu cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của nước sản xuất là Mỹ, thì các đồng minh khác như Hy Lạp và Thụy Điển cũng đừng hòng có cơ hội.

Được biết, trong những năm qua Mỹ đã thúc đẩy chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) để tiếp tục thu lợi từ hàng nghìn phương tiên chiến đấu đã loại biên, trong đó có máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon của General Dynamics (sau này thuộc Lockheed Martin).

Hiện nay, có hàng trăm chiếc máy bay F-16 cũ đang được Mỹ lưu giữ tại căn cứ không quân Davis-Monthan, thuộc bang Arizona, công viên lớn nhất thế giới lưu trữ và xử lý các chiếc máy bay đã qua sử dụng (hiện nay ở đây đang lưu trữ hơn 4.400 máy bay cũ các loại).

Tại đây, người ta phân ra làm bốn loại máy bay: Thứ nhất, tình trạng còn tốt, dùng để dự bị cho lực lượng máy bay hiện đang sử dụng. Loại thứ hai, là sau một thời gian bảo dưỡng ngắn có thể tiếp tục hoạt động trở lại. Loại thứ 3 là không còn khả năng bay, sẽ tháo lấy các bộ phận linh kiện còn tốt, dùng để thay thế cho các loại máy bay cùng chủng loại. Loại thứ tư là máy bay bị tiêu hủy, vài bộ phận được thu hồi làm thép phế liệu.

Thường thường, các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ được bán sẽ thuộc loại thứ nhất hoặc thứ hai. Chúng sẽ chuyển giao dưới dạng "cho không", nhưng các khoản chi phí nhằm phục vụ đại tu và nâng cấp thì người mua phải gánh chịu.

Ví dụ như trong thỏa thuận giữa Mỹ và Indonesia ký kết hồi tháng 12/2012, khoản chi phí nhằm phục vụ đại tu và nâng cấp 24 máy bay chiến đấu F-16 Block 25 đã qua sử dụng lên chuẩn Block 52, đã khiến phía Indosesia phải bỏ ra số tiền tới 750 triệu USD.

Như vậy, bình quân Indonesia phải chi 31 triệu USD để sở hữu một chiếc F-16 Block 52. Những chiếc máy bay này có thể được sử dụng trong thời gian 20 năm nữa.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-cuop-trang-hop-dong-ban-f-16-barak-cu-cua-israel-3372731/