Mỹ đã quá muộn khi ngăn cản Ukraine

Nhà sản xuất Motor Sich của Ukraine vừa đổ lỗi cho Nga sau khi công ty này bị Mỹ tố phản bội vì bán nhiều động cơ máy bay cho Trung Quốc.

Thông tin này được trang Kyiv Post dẫn tuyên bố của đại diện Công ty Motor Sich cho biết: "Chỉ kẻ mù mới không nhìn thấy những âm mưu đằng sau sự vận động hành lang vì lợi ích của các nhà sản xuất Nga..... Những phương pháp này đều cho thấy có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh".

Sau khi xảy ra một loạt sự kiện năm 2014, nhà sản xuất Motor Sich đã mất thị trường truyền thống của mình tại Nga, và lưu ý rằng trong trường hợp hợp đồng cung cấp động cơ AI-222 với Trung Quốc bị dừng thì Bắc Kinh sẽ mua động cơ tương tự của Nga.

Mỹ bị cho là đã ra tay quá muộn khi ngăn cản Ukraine cấp động cơ máy bay cho Trung Quốc.

Theo đại diện của Motor Sich, trong trường hợp công ty này không cung cấp mặt hàng này thì cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến khả năng chiến đấu của Không quân Trung Quốc, tuy nhiên động thái này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ngành công nghiệp hàng không Ukraine và thêm nữa là "Motor Sich" cũng phải sa thải các chuyên gia của mình.

Lời chỉ trích Nga mang dụng ý thanh minh trước Mỹ được Ukraine đưa ra sau khi tờ The Washington Times đăng tải bài viết cho rằng, Ukraine bán cho Trung Quốc các động cơ dành cho máy bay chiến đấu, động thái này mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ.

Theo dữ liệu của báo Mỹ, Công ty Ukraina Motor Sich đã cung cấp 20 động cơ dành cho 12 máy bay huấn luyện chiến đấu JL-10 của Trung Quốc. Tổng giá thành hợp đồng là 380 triệu USD dự trù cung cấp 250 động cơ máy bay.

Chuyên gia về Trung Quốc, cựu cố vấn của Ủy ban Thượng viện Mỹ về Quan hệ Quốc tế William Triplett bình luận về thông tin này đã lưu ý rằng bằng cách như vậy Kiev đang giúp Bắc Kinh giải quyết vấn đề với khâu sản xuất động cơ cho phản lực.

"Trên thực tế, Ukraine đang lấy tiền của người dân Mỹ đóng thuế và đồng thời giáng đòn sau lưng vào Hải quân Hoa Kỳ", chuyên gia Triplett nhận định. Tuyên bố của Mỹ được coi là động thái nhằm ngăn chặn những thương vụ cung cấp động cơ máy bay tiếp theo giữa Ukraine với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, Trung Quốc đã hưởng lợi quá đủ bởi sản phẩm và công nghệ Kiev cung cấp cho Bắc Kinh không chỉ là động cơ máy bay.

Đầu tiên là việc Trung Quốc có thể chế tạo những tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới nhất, có tầm bắn xa hơn, mang được nhiều đầu đạn con hơn như DF-31A, DF-41 hay các tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom H-6, tàu khu trục là CJ-10/DH-10 là do Ukraine giúp đỡ về công nghệ.

Hay như việc Bắc Kinh mua tàu sân bay Varyag của Ukraine và được Kiev hỗ trợ công nghệ hoàn thiện thành tàu sân bay CV-16 Liêu Ninh (Type 001) rồi tiếp tục hoàn thiện và cho ra mắt tàu sân bay quốc nội Type 001A; hay việc phát triển tiêm kích hạm J-15 (trên nguyên mẫu T-10K - phiên bản Su-33 của Ukraine).

Ukraine còn đóng 2 tàu và chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc tự đóng các tàu đổ bộ đệm khí Bizon (phiên bản Ukraine) của tàu đổ bộ đệm khí Zubr (Pjoject 1232.2, NATO gọi là "Pomornik") của Liên Xô.

Ngoài ra, Ukraine đã giúp đỡ Trung Quốc trong công nghệ chế tạo các động cơ máy bay phản lực siêu âm quốc nội WS-10 Thái Hàng, WS-13 Thái Sơn và WS-15 Nga Mi cho các chiến đấu cơ thế hệ 4, 5 của nước này.

Ngoài ra, Ukraine cũng giúp đỡ Trung Quốc chế tạo các các động cơ tuabin khí giành cho các chiến hạm mặt nước hạng nặng… Do đó, mặc dù Mỹ đã ra tay ngăn chặn việc Ukraine tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Trung Quốc nhưng hành động này cũng đã quá muộn màng.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-da-qua-muon-khi-ngan-can-ukraine-3363967/