Mỹ đăng ký 21 chuyến bay thanh sát vùng trời Nga trong năm 2020

Người đứng đầu Trung tâm giảm thiểu rủi ro hạt nhân thuộc Bộ Quốc phòng Nga Sergei Ryzhkov mới đây cho biết, Mỹ đã nộp đơn xin thực hiện 21 chuyến bay quan sát vùng trời nước Nga vào năm 2020 trên tổng số 38 chuyến bay được quy định bởi Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Do đó, sự quan tâm của quân đội Mỹ trong việc duy trì thỏa thuận này là rõ ràng.

Máy bay trinh sát OC-135B của Mỹ

Máy bay trinh sát OC-135B của Mỹ

"Trong tổng số 38 chuyến bay quan sát theo lịch trình của Nga vào năm 2020, Mỹ đã công bố 21 chuyến bay. Trong năm 2017-2018, Mỹ đã thực hiện 16 chuyến bay quan sát vùng trời Nga", ông Ryzhkov nói với tờ báo chính thức của Lực lượng Vũ trang Nga, Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ).

Theo ông Ryzhkov, bằng cách đưa các công nghệ tiên tiến vào Hiệp ước Bầu trời mở, Nga đã đi trước các đối tác của mình từ 5 đến 6 năm và chính nền tảng công nghệ này đã khiến các đặc vụ tình báo Mỹ bắt đầu cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước, nhằm ngăn không cho Nga thực hiện các chuyến bay quan sát lãnh thổ Mỹ.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Mỹ Eliot Engel tuyên bố, Mỹ đang cân nhắc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

"Chúng tôi đang đi trước các đối tác của mình khoảng 5 đến 6 năm theo hướng giới thiệu các công nghệ tiên tiến vào OST" ông Ryzhkov nói.

Ông Ryzhkov nói thêm rằng, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và cộng đồng tình báo "bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cách ngăn chặn các chuyến bay của Nga trên lãnh thổ của mình, cũng như cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận quân sự".

Được biết, với Hiệp ước Bầu trời Mở, mỗi máy bay bay theo chương trình này sẽ được trang bị máy ảnh chuyên dụng có thấu kính quang học, máy quay phim với màn hình hiển thị thời gian thực, bộ cảm biến hình ảnh hồng ngoại và radar hình ảnh.

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết vào ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George H.W Bush. Các nước tham gia hiệp ước sẽ thiết lập một chế độ bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của 34 quốc gia thành viên, nhằm thúc đẩy sự công khai và minh bạch trong các hoạt động quân sự của các quốc gia này.

Hiệp ước này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, đảo và các vùng lãnh hải) và là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Âu.

Vũ Lâm

SPN

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-dang-ky-21-chuyen-bay-thanh-sat-vung-troi-nga-trong-nam-2020-552978.html