Mỹ đang trực diện gây ra cuộc 'Chiến tranh lạnh' trong ngành công nghệ như thế nào?

'Thực sự là một kỷ nguyên khó hiểu. Ngành công nghệ chưa bao giờ phải quan tâm quá nhiều đến chính trị như bây giờ', nhà điều hành công ty công nghệ lớn tại Đài Loan băn khoăn.

Mùa hè năm đó tại Đài Loan vô cùng nóng nực, nhưng ở một nơi khác, không khí làm việc còn nóng hơn.

NHỮNG TUYÊN BỐ CỨNG RẮN CỦA NGƯỜI MỸ TẠI ĐÀI LOAN

Một số nhân viên ngoại giao cấp cao tại Viện Mỹ tại Đài Loan, nơi được coi như cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Đài Loan, đã đến thăm một công ty công nghệ lớn, nhà cung cấp quan trọng của Apple, theo một bài báo mới được Nikkei đăng tải.

Ngay lập tức, người ta nhận ra rằng chuyến thăm lần này không giống các chuyến thăm ngoại giao lần trước khi mà các quan chức Mỹ chỉ ghé qua để nghe tóm tắt về tình hình ngành công nghệ. Lần này, họ bỏ qua các màn chào hỏi ban đầu và đi thẳng vào vấn đề: “Tại sao công ty không chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc? Tại sao công ty không làm việc đó nhanh hơn?”

Những người tham gia cuộc họp không khỏi nói rằng họ cảm thấy cách hỏi khá dồn dập và nghiêm trọng: “Chúng tôi cảm thấy không thoải mái. Họ hỏi quá nhiều câu hỏi mà chúng tôi không biết có trả lời được hay không. Câu trả lời còn liên quan đến chiến lược của chúng tôi và phía khách hàng”. Thế nhưng thông điệp từ phía Mỹ đã rõ ràng: Chính phủ Mỹ đang kêu gọi công ty của ông cắt quan hệ với Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cũng có cuộc gặp với một số công ty sản xuất chip hàng đầu Đài Loan, những công ty có bán sản phẩm cho Huawei Technologies, công ty sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc và cũng chính là công ty đã bị phía Washington buộc tội làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Các cuộc gặp giữa quan chức Mỹ và phía doanh nghiệp Đài Loan cho thấy nỗ lực kéo các công ty này về phía Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Washington – Bắc Kinh ngày một leo thang.

“Họ đến đây nhằm đảm bảo rằng chúng tô hiểu rõ ràng về quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và thể hiện quan điểm của Mỹ về Huawei. Thế nhưng chúng tôi coi những gì họ nói như lời cảnh báo”, một người trong cuộc nhấn mạnh.

Đối với nhiều nhà điều hành ngành điện tử tại Đài Loan, các cuộc gặp có thể coi như dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh giành sự vượt trội trong ngành công nghệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã lên một tầm cao mới.

Cuộc đối đầu thực sự đã bắt đầu từ năm 2016 với việc phía Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt chống lại ZTE của Trung Quốc. Từ đó đến nay, phía Mỹ thể hiện quan điểm ngày một cứng rắn hơn, Washington đẩy cao các nỗ lực gây sức ép lên những doanh nghiệp Trung Quốc mà phía Mỹ cho rằng tiềm ẩn rủi ro với an ninh quốc gia của Mỹ.

Một nguồn tin nội bộ từ doanh nghiệp công nghệ lớn của Đài Loan từ chối xác nhận về chi tiết của cuộc họp, thế nhưng nói rằng đó là hoạt động thường xuyên diễn ra nhằm giữ liên lạc với doanh nghiệp Đài Loan về quy định tái cấu trúc chuỗi cung ứng và kiểm soát tuân thủ xuất khẩu.

 Ảnh: AP

Ảnh: AP

Chỉ trong vòng 1 năm, Washington đã điều chỉnh quy định xuất khẩu 3 lần nhắm tới Huawei. Thay đổi chính sách này đã ảnh hưởng đến cả các nhà cung cấp Mỹ và các nhà cung cấp nước khác của Huawei. Giờ đây, các nhà cung cấp vô cùng thận trọng về luật Mỹ. Hai năm gần nhất, chính quyền Trump không ngừng bổ sung danh sách đen bao gồm khoảng 70 công ty và tổ chức Trung Quốc

Giờ đây, ban đầu từ việc chính phủ Mỹ gây áp lực lên doanh nghiệp Mỹ nhằm tẩy chay doanh nghiệp Trung Quốc, phía Mỹ đã làm mạnh hơn, buộc các nhà cung cấp ngoài Mỹ cùng tham gia vào việc ngăn chặn sự phát triển của công nghệ Trung Quốc.

Nghiên cứu viên tại quỹ Hinrich Foundation và đồng thời là giáo sư tại trường kinh doanh Singapore, ông Alex Capri, nói: “Washington đã vũ khí hóa chuỗi cung ứng công nghệ, ví dụ như trong ngành bán dẫn, để chặn lại tham vọng công nghệ của Trung Quốc”. Mỹ đang đặt mục tiêu ngăn chặn mô hình phát triển công nghệ của Trung Quốc, ông Capri khẳng định.

TRUNG QUỐC SẼ DẦN "VẮNG BÓNG" TRONG CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU?

Theo giới điều hành doanh nghiệp công nghệ Đài Loan, thông điệp từ phía Mỹ khá dồn dập: Chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, giảm quan hệ với khách hàng Trung Quốc kiểu Huawei và hợp tác với Mỹ, nếu không sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Washington.

Nếu như hai năm trước, chẳng ai nghĩ rằng sẽ có ngày những khâu tinh vi nhất trong chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc sẽ được chuyển khỏi nước này. Tuy nhiên áp lực từ chính quyền Trump đã biến điều đó thành sự thật, nhiều công ty lớn của thế giới, từ Apple cho đến Google chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia.

Đối với ngành công nghệ thế giới, câu hỏi ở đây là liệu chuỗi cung ứng thay thế đang hình thành có thể có thể có hiệu quả cao như chuỗi cung ứng Trung Quốc có khả năng sản xuất 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm.

Doanh nghiệp Đài Loan sẽ chững kiễn rõ ràng nhất sự chuyển biến chính sách của Mỹ bởi các công ty công nghệ Đài Loan bán hàng cho cả hai bên, cả doanh nghiệp Đài Loan ví như hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới TSM hay tập đoàn Foxconn – doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Doanh nghiệp Đài Loan cũng đang có danh sách đối tác là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft, Google, Amazon, Qualcomm, Hewlett-Packard, và Dell. Ngoài ra còn rất nhiều công ty hàng đầu Trung Quốc khác như Huawei, Lenovo, Xiaomi, Alibaba và Oppo. Cuộc chiến tranh lạnh trong ngành công nghệ đang chia rẽ Trung Quốc và Mỹ, đáng tiếc, doanh nghiệp Đài Loan đang bị buộc phải chọn bên.

Chủ tịch Pegatron, một nhà cung cấp chủ chốt của Apple, ông Tung Tzu-hsien, không khỏi băn khoăn: “Thực sự là một kỷ nguyên khó hiểu. Ngành công nghệ suốt nhiều thập kỷ qua chưa bao giờ phải quan tâm quá nhiều đến chính trị như bây giờ”.

Tháng trước, chính phủ Mỹ, thông qua AIT, đã công khai đề nghị các công ty cung cấp công nghệ nước ngoài phải rời khỏi Trung Quốc.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/the-gioi/my-dang-truc-dien-gay-ra-cuoc-chien-tranh-lanh-trong-nganh-cong-nghe-nhu-the-nao-3552936.html