Mỹ đẩy nhanh kế hoạch dự trữ vũ khí hạt nhân nâng cấp tại châu Âu

Báo Politico ngày 27/10 đưa tin Mỹ sẽ triển khai bom hạt nhân B61-12 tại các căn cứ châu Âu của NATO vào cuối năm 2022 thay vì năm 2023.

Máy bay chiến đấu F-35 thử nghiệm thả bom B61-12. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Máy bay chiến đấu F-35 thử nghiệm thả bom B61-12. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Theo trang tin tức Politico, kế hoạch chuyển giao phiên bản nâng cấp của bom hạt nhân B61-12 dự kiến diễn ra vào mùa Xuân năm 2023. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, trong cuộc họp kín với các đồng minh NATO ở Brussels tổ chức vào tháng 10, các quan chức Mỹ đã thông báo kế hoạch được đẩy sớm hơn, cụ thể là vào tháng 12 năm nay.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang và Lầu Năm Góc nhận thấy các mối đe dọa xuất phát từ Nga, mặc dù chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng liên kết rõ ràng nào.

Việc nâng cấp chương trình bom hạt nhân B61-12 đã được thảo luận công khai trong các tài liệu ngân sách nhiều năm trước. Các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định việc nâng cấp là cần thiết để đảm bảo kho dự trữ được hiện đại hóa và an toàn. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Chuẩn Tướng Patrick Ryder trả lời khi được hỏi về vấn đề: “Mặc dù chúng tôi không được phép thảo luận chi tiết về kho vũ khí hạt nhân, song kế hoạch hiện đại hóa bom hạt nhân B61 đã được Mỹ tiến hành trong nhiều năm. Đây là một phần của nỗ lực hiện đại hóa vũ khí theo kế hoạch và dài hạn. Nó hoàn toàn không liên quan đến các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine và không được đẩy nhanh theo bất kỳ nguyên do nào”.

Trước thông tin trên, một số nhà quan sát kỳ cựu tỏ ra lo ngại điều này có thể đẩy châu Âu vào tình thế nguy hiểm hơn. Thông báo đẩy nhanh việc triển khai bom hạt nhân tại cuộc họp ở Brussels được đưa ra vài ngày trước khi NATO bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân thương niên “Steadfast Noon”. Cuộc tập trận kéo dài hai tuần với sự tham gia của khoảng 70 máy bay các loại. Ngày 26/10, Nga cũng tiến hành tổ chức một cuộc tập trận hạt nhân mà Bộ trưởng Quốc phòng nước này mô tả là "cuộc tấn công hạt nhân lớn" nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng NATO ở Brussels. Ảnh: AP

Các nhà quan sát nhận định Mỹ muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai những quả bom đầu tiên vào tháng 12 là muốn gửi thông điệp đến các đồng minh châu Âu đang cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương trước Moskva.

Tom Collina, Giám đốc chính sách của tổ chức giải trừ quân bị Plowshares Fund, cho biết: “Tôi đoán là động thái này nhắm vào NATO nhiều hơn là Nga. Tại các căn cứ đó vẫn có bom hạt nhân B61 đời cũ. Nga biết rõ điều đó và chúng hoạt động tốt. Vũ khí được nâng cấp thì mới hơn nhưng không thực sự quá khác biệt. Đây có thể chỉ là một cách để trấn an các đồng minh khi họ đang cảm thấy bị đe dọa”.

Theo tài liệu ghi lại nội dung cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng của NATO, 15 nước đồng minh đều nêu lên lo ngại rằng liên minh không được nhượng bộ trước mối đe dọa hạt nhân của Nga.

Tuy nhiên, nhà quan sát Collina cũng cảnh báo động thái triển khai sớm bom hạt nhân đến châu Âu có thể mang đến những hậu quả không mong muốn, đó là làm leo thang căng thẳng.

B61 là một bộ bom hạt nhân được phát triển lần đầu tiên vào đầu những năm 1960 và tham gia các vụ thử hạt nhân ở Nevada. Trong nhiều thập kỷ qua, hàng chục phiên bản ra đời và hầu hết đã hết hạn.

Bộ Năng lượng Mỹ đã được giao cho nhiệm vụ quản lý chương trình nâng cấp B61-12 trị giá 10 tỷ USD nhằm thay thế một số phiên bản trước đó, bao gồm khoảng 100 quả bom đang được cất giữ tại các căn cứ không quân ở Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, quá trình cải tổ chỉ được thực hiện ở những bộ phận phi hạt nhân, như bỏ dù, lắp một bộ đuôi mới cũng như các cải tiến khác để có độ chính xác cao đáng kể. Phiên bản mới cũng được thiết kế để các máy bay như máy bay ném bom B-2, chiến đấu cơ F-15, F-16, F-35 và Tornado có thể mang theo.

Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nhận xét Mỹ đẩy nhanh tiến độ triển khai bom hạt nhân là dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc đã xác định loại vũ khí này sẵn sàng sớm hơn dự định.

Ông chỉ ra Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng dự kiến hoàn thành việc xem xét hiệu suất của vũ khí trước khi đào tạo phi công vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Không quân đã tiến hành bay thử nghiệm phiên bản bom hạt nhân này trên F-35A vào tháng 10/2021. Tháng 2/2022, Lầu Năm Góc báo cáo họ có kế hoạch hoàn thành chứng nhận thiết kế hạt nhân của B61-12 với F-35A trước tháng 1/2023. Sau đó, Lực lượng Không quân ở Châu Âu sẽ có thể bắt đầu đào tạo cấp chứng chỉ.

Trong cuộc họp NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các đồng mình rằng Bản đánh giá quan điểm hạt nhân của chính quyền Tổng thống Joe Biden - có thể được công bố trong những ngày tới – là vẫn duy trì chính sách hạt nhân kéo dài hàng thập kỷ của Washington.

Tuy nhiên, điều này khác hoàn toàn so với những cam kết trước đó của Tổng thống Biden khi vận động tranh cử vào năm 2020. Vào thời điểm đó, ông chủ Nhà Trắng khẳng định ông sẽ xem xét thay đổi chính sách hạt nhân của Mỹ, tuyên bố vũ khí nguyên tử chỉ được sử dụng trong trường hợp duy nhất là ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân nhằm Mỹ hoặc các đồng minh.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Politico)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/my-day-nhanh-ke-hoach-du-tru-vu-khi-hat-nhan-nang-cap-tai-chau-au-20221027163038609.htm