Mỹ đem pháo đài bay B-1B và siêu tên lửa hành trình tới sát Syria, tình huống cực nguy cấp?

Mỹ bất ngờ đưa máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer mang theo 24 tên lửa AGM-158 JASSM đến căn cứ không quân Udeid, Qatar, từ đây Mỹ có thể dễ dàng bất ngờ tấn công vào Syria.

Chiến trường Syria đang có dấu hiệu nóng bùng phát trở lại sau khi Mỹ đe dọa sẽ tiếp tục tấn công vào nước này.

Truyền thông Syria cho biết toàn bộ lực lượng phòng không nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất nhằm chuẩn bị ứng phó với một cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào thủ đô Damascus

Động thái của quân đội Syria diễn ra chỉ vài ngày Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 23-8 cảnh báo Washington sẽ phát động một cuộc không kích mới nhằm vào Syria nếu phát hiện Damascus sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường.

Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, ngày 25-8 cáo buộc các nhóm phiến quân ở Idlib, miền bắc Syria, đang chuẩn bị dàn dựng một cuộc tấn công hóa học nhằm đổ tội cho quân đội chính phủ và tạo cớ cho Mỹ cùng đồng minh phát động không kích.

Moscow cũng cáo buộc Lầu Năm Góc đang tập trung lực lượng bao gồm hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình Tomahawk và một oanh tạc cơ B-1B Lancer mang theo tên lửa hành trình tiến đến xung quanh Syria, sẵn sàng nhận lệnh tấn công.

Cụ thể Mỹ đã đưa máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer mang 24 tên lửa AGM-158 JASSM đến căn cứ không quân Udeid ở Qatar.

B-1B Lancer được coi là một trong những pháo đài ném bom cực mạnh hiện nay trên thế giới.

B-1B nằm trong bộ ba máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. Khả năng bay siêu âm, tải trọng bom lớn cùng hệ thống điện tử hiện đại, đây được coi là một trong những pháo đài bay nguy hiểm nhất thế giới.

Với khả năng mang 57 tấn bom đạn, B-1B Lancer trở thành máy bay ném bom có khối lượng bom lớn nhất thế giới vượt trên Tu-160 Nga (40 tấn) và B-52 (27 tấn)

B-1B Lancer là máy bay ném bom hạng nặng được phát triển từ những năm 1970 với mục đích thay thế "pháo đài bay" B52.

B-1B Lancer thực chiến lần đầu tiên vào năm 1998. Trong chiến tranh Iraq, B-1B Lancer thả khoảng 40% lượng bom đạn của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Phi cơ chiến đấu này được sản xuất bởi Boeing, một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất Mỹ.

Theo kế hoạch, B-1B Lancer sẽ tiếp tục là máy bay ném bom chủ chốt của quân đội Mỹ cho đến năm 2040.

B-1B Lancer dài 44,5 m, cao 10,4 m, với sải cánh 24 m khi cụp và 42 m khi xòe.

B-1B được trang bị 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102 giúp có thể đạt vận tốc 1.335 km/h ở độ cao trên 15.000m.

Đặc biệt máy bay vẫn có thể bay siêu âm với vận tốc 1.100km/h trong độ cao 60 tới 152m.

Phạm vi hoạt động của máy bay ném bom chiến lược B-1B lên tới 12.000 km. Đây cũng là loại máy bay ném bom có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân.

B-1B Lancer có tải trọng cất cánh tối đa 216,4 tấn. Nó có thể mang 57 tấn vũ khí, bao gồm 34 tấn bom ở các khoang chứa trong thân và 23 tấn vũ khí dưới các giá treo bên ngoài.

Năm 2014, Lầu Năm Góc từng nâng cấp khả năng chiến đấu cho B-1B Lancer bằng cách lắp đặt các màn hình màu đa chức năng, giúp phi công kiểm soát tình huống dễ dàng hơn.

Cho đến hiện tại B-1B Lancer được coi là máy bay cực kỳ nguy hiểm bởi hệ thống điện tử hiện đại, kết hợp với nước sơn đặc biệt cho độ bộc lộ radar thấp. Chúng xứng đáng đứng trong bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Mỹ nhằm răn đe đối thủ.

Trong khi đó tên lửa hành trình tầm xa AGM-158 JASSM được mang bởi máy bay B-1B Lancer được coi là hung thần mới của không quân Mỹ.

Sự kết hợp giữa B-1B Lancer, B-2 Spirit với JASSM-ER cho phép Mỹ thực hiện những cuộc tấn công mà đối phương “chỉ còn biết đứng nhìn”.

AGM-158 JASSM là sự nâng cấp từ AGM-154 JSOW, chính thức được đưa vào biên chế Quân đội Mỹ từ giữa thập niên 1990, đây thực chất là một loại tên lửa hành trình tàng hình được trang bị động cơ phản lực với tầm bắn siêu xa, đủ sức qua mặt mọi hệ thống phòng không tiên tiến nhất.

AGM-158 JASSM được trang bị động cơ phản lực Teledyne CAE J402 cho phép hoạt động trên một khu vực rộng lớn trong thời gian lâu hơn.

Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình cùng các biện pháp che chắn hồng ngoại khiến nó khó bị phát hiện từ xa bởi các hệ thống radar cảnh giới.

AGM-158 được trang bị hệ thống điều hướng rất tinh vi kết hợp giữa dẫn hướng quán tính INS cập nhật từ hệ thống định vị toàn cầu GPS đi kèm bộ cảm biến hồng ngoại cho việc tìm kiếm và khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối.

Tên lửa còn được trang bị một bộ liên kết dữ liệu cập nhật trạng thái hoạt động trong suốt hành trình bay để thay đổi mục tiêu trong thời khắc cuối nếu cần thiết.

Những cải tiến quan trọng về động cơ và hình dáng khí động học khiến cho AGM-158 JASSM có tầm bắn tới 370 km và lên đến 1.000 km với biến thể JASSM-ER.

Tầm bắn của AGM-158 đã vượt ra ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay.

Khả năng tàng hình cùng động cơ phản lực thế hệ mới êm hơn, có thể hoạt động tại độ cao thấp dưới tầm của các radar cảnh giới cho phép tên lửa bất ngờ tung đòn tấn công khiến đối phương không kịp trở tay.

Ngoài trang bị cho B-1B Lancer, B-2 Spirit, AGM-158 JASSM-ER còn có thể triển khai trên cả máy bay tiêm kích.

Nếu một cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa AGM-158 nhắm vào Syria thì đây sẽ là một trong số những đòn tấn công khủng khiếp nhất mà Mỹ thực hiện trong những năm gần đây.

Hiện hệ thống phòng không Syria đang đặt trong tình hình báo động cao độ, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nga đang theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng cử lực lượng ứng cứu trong trường hợp cần thiết.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-dem-phao-dai-bay-b1b-va-sieu-ten-lua-hanh-trinh-toi-sat-syria-tinh-huong-cuc-nguy-cap/779928.antd