Mỹ đền tiền vụ bắn rơi máy bay dân sự Iran

Do nhầm lẫn chiếc Airbus A300B2 số hiệu 655 là máy bay chiến đấu F-14A của không quân Iran nên Hải quân Mỹ đã bắn hạ.

Cách đây 30 năm, một thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới đã xảy ra, đó là việc tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Vincennes của quân đội Mỹ đã bắn hạ máy bay dân sự Iran khiến toàn bộ 290 hành khách tử nạn.

Cụ thể vào khoảng 10h17 ngày 3/7/1988, cơ trưởng Mohsen Rezaian cùng phi hành đoàn của chiếc Airbus A300B2 số hiệu 655 của hãng hàng không Iran Air được lệnh cất cánh từ sân bay Bandar Abbas (phía nam Iran) lên đường đi Dubai.

Trong khoảng thời gian đó, Hải quân Mỹ đang thử nghiệm hệ thống chiến đấu AEGIS trên hạm tuần dương USS Vincennes gần eo biển Hormuz - nơi chuyến bay 655 sẽ bay ngang qua.

Tàu ngầm USS Vincennes lưu đỗ tại vịnh Persian trong bối cảnh cuộc chiến tranh Iran - Iraq vẫn đang diễn ra, được triển khai nhằm bảo vệ tàu chở dầu của Kuwait cũng như hạn chế các hoạt động tàu ngầm của Iran. Hạm trưởng USS Vincennes lúc đó là Tướng William C. Rogers III.

Chiếc A-300 số hiệu IR655 của Iran bị Mỹ bắn hạ.

Chiếc A-300 số hiệu IR655 của Iran bị Mỹ bắn hạ.

Giống như phần lớn các máy bay hiện đại, chiếc Airbus của Iran Air được trang bị hệ thống phát sóng nhận dạng - một phiên bản nâng cấp hơn của hệ thống “nhận dạng, bạn hay thù” (IFF) được dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Sau khi cất cánh khỏi đường bay số 21, chiếc Airbus A300B2 mã hiệu 655 được lệnh từ trạm kiểm soát không lưu Bandar Abbas yêu cầu bật hệ thống phát sóng nhận dạng và hướng về vịnh Persian.

Tín hiệu máy bay 655 xuất hiện trên radar của tàu tuần dương Vincennes vào lúc 10h17 và 10h19. Theo các tài liệu điều tra sau này của chính phủ Mỹ, tàu Vincennes đã nhầm chiếc máy bay dân sự này sang thành một chiếc chiến đấu cơ.

Giới chức lúc đó đã nhận dạng các thông số bay của chiếc A300B2 giống như một chiếc F-14A của không quân Iran. Theo Đô đốc William Crowe, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hệ thống phát sóng nhận dạng của máy bay dân sự 655 đã phát ra một mã ở kênh quân sự “Chế độ 2”.

Trong 3 phút tiếp theo, tàu Vincennes đã đưa ra tín hiệu cảnh báo ngược lại trên tần số báo động hàng không quân sự, và cũng đã nhiều lần cố liên lạc với phi hành đoàn chuyến bay 655 nhưng không có lời hồi đáp.

Đến 10h24, Tướng Rogers ra lệnh bắn hai tên lửa phòng không SM-2ER vào chiếc máy bay nghi ngờ là chiến đấu cơ F-14A kia. Chiếc máy bay chở 290 người bốc cháy và rơi xuống vịnh Persian., không một ai sống sót.

Ngay chiều hôm đó, trực thăng Iran và tàu cứu hộ đã khẩn trương đến khu vực máy bay rơi để tìm kiếm thi thể người gặp nạn. Chỉ cho đến tận tối muộn cùng ngày, binh sĩ hải quân và những người trên tàu Vincennes mới nhận ra sai lầm chết người của mình.

Tang lễ những nạn nhân trên chuyến bay của Iran Air năm 1988.

Ngày 6/7/1988, Hiệp hội điều tra Hải quân do Chuẩn Đô đốc William M. Fogarty chỉ đạo bắt đầu tiến hành điều tra tại Bahrain.

Các phiên điều trần chính thức diễn ra chỉ 1 tuần sau đó, và toàn bộ quá trình điều tra cũng như báo cáo gửi tới Hải quân được hoàn thành vào ngày 28/7.

Bản báo cáo điều tra kết luận, việc khai hỏa tên lửa nhằm vào máy bay 655 của Iran là một quyết định hoàn toàn tỉnh táo của chỉ huy trưởng dựa trên hoàn cảnh nghi ngờ tàu chiến đang cận kề mối đe dọa lớn từ phía đối phương.

Bày tỏ niềm thương tiếc trước các nạn nhân trong thảm kịch song chính phủ Mỹ khẳng định không nhận trách nhiệm cũng như xin lỗi về bất kỳ hành động sai trái nào gây nên vụ bắn rơi máy bay. Thậm chí thủy thủ đoàn có mặt trên tàu Vincennes còn được trao giải và nhận huân chương chiến công.

Cho đến năm 1996, Mỹ chấp thuận trả 62 triệu USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn với máy bay của hãng Iran Air, đổi lại Tehran rút đơn kiện Washington tại Tòa Án Công lý Quốc tế.

Liên quan đến thảm họa hàng không này, Chuyên gia quân sự Yuri Lyamin thừa nhận ở thời điểm xảy ra vụ tai nạn với máy bay số hiệu 655 của Iran Air, Tehran và Washington đang ở trên bờ vực xảy ra chiến tranh và “tình hình tại khu vực vô cùng căng thẳng, các tàu Hải quân Mỹ luôn trong trạng thái cảnh giác liên tục”.

Ông Lyamin cũng cho biết trong những tháng cuối cùng của cuộc xung đột Iran-Iraq (1980-1988), Mỹ thường tấn công các tàu của Iran. Để thể hiện ủng hộ với Iraq, Mỹ đã cử các chiến hạm tới Vịnh Ba Tư kể từ giữa năm 1988.

Theo chuyên gia Lyamin, qua vụ việc với chiếc phi cơ của hãng Iran Air, Mỹ muốn cho Iran thấy Washington có thể bắn hạ bất cứ phương tiện nào, kể cả là máy bay dân sự, nếu cho rằng đó là mối đe dọa với chiến hạm của Mỹ.

Một chuyên gia quân sự người Nga khác, ông Mikhail Khodaryonok nhận định với Sputnik rằng “sai sót là không tránh khỏi, đặc biệt ở trong khu vực nơi diễn ra các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn phi cơ dân sự với máy bay chiến đấu chỉ có thể ở trong suy nghĩ của Mỹ”.

Ông Khodaryonok bổ sung: “Khi nhận được thông tin radar, người vận hành phải định hình được tình huống cơ bản. Người vận hành có kỹ năng có thể sử dụng radar kép để nắm thông tin và tốc độ của phương tiện bay nhằm phân biệt đó là chiến đấu cơ hay phi cơ dân sự”.

Do đó, chuyên gia Khodaryonok đánh giá rằng các chỉ huy của phía Hải quân Mỹ đã thiếu chuyên nghiệp.

Quang Anh (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/my-den-tien-vu-ban-roi-may-bay-dan-su-iran-3361235/