Mỹ điều vệ binh chống Covid-19, Triều Tiên nhường 3 triệu liều vắc xin

Giới chức bang Idaho (Mỹ) cho biết sẽ triển khai vệ binh quốc gia, giúp các cơ sở y tế đối phó với số ca Covid-19 đang tăng mạnh.

“Bang Idaho gần như cạn kiệt khả năng điều trị cho bệnh nhân, bất kể họ nhiễm Covid-19 hay cần sự hỗ trợ y tế khác. Chúng tôi đang tiến gần tới việc kích hoạt các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe trong lúc khủng hoảng trên toàn bang. Điều này có nghĩa là người dân bang Idaho sẽ nhận được tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe thấp hơn hoặc có thể bị từ chối điều trị. Về bản chất, ai đó sẽ có quyền quyết định bệnh nhân nào được nhận sự điều trị, và điều này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, Thống đốc bang Idaho, ông Brad Little nói với hãng tin Sputnik.

Vệ binh quốc gia bang Idaho, Mỹ được triển khai chống dịch. Ảnh: Vệ binh quốc gia Idaho

Vệ binh quốc gia bang Idaho, Mỹ được triển khai chống dịch. Ảnh: Vệ binh quốc gia Idaho

Theo Thống đốc Little, sẽ có khoảng 370 vệ binh quốc gia được điều động. Ngoài ra, Lầu Năm Góc và Cơ quan Dịch vụ Công Mỹ (GSA) sẽ điều thêm hàng trăm chuyên gia tới giúp các cơ sở y tế bang này đối phó với số ca nhiễm đang tăng mạnh.

“Hệ thống chăm sóc sức khỏe của bang không thể ‘cầm cự’ lâu hơn trước dịch bệnh, cho nên tôi kêu gọi người dân hãy đi tiêm chủng, bởi các ca nhiễm ghi nhận thời gian gần đây đều chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19. Làm ơn, hãy đi tiêm vắc xin ngay để hỗ trợ cho những người dân Idaho đang cần tới các bạn”, ông Little nói thêm.

Triều Tiên nhường ba triệu liều vắc xin Sinovac

Hãng tin AP dẫn lời Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, lý do Triều Tiên từ chối nhận ba triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 Sinovac là bởi Bình Nhưỡng khẳng định kỷ lục hoàn hảo trong việc ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời yêu cầu gửi hàng triệu liều vắc xin này tới các quốc gia có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng.

Dù đã quyết định nhường ba triệu liều vắc xin Sinovac, UNICEF cho biết Triều Tiên vẫn sẽ “tiếp tục liên lạc với chương trình COVAX, để nhận vắc xin trong những tháng tới”.

Theo hãng tin AP, hiện Triều Tiên vẫn tập trung vào việc duy trì các biện pháp kiểm dịch và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập, trong khi việc tiêm chủng có vẻ như chỉ là ưu tiên số hai đối với họ.

Hàng loạt khu thương mại ở Bangkok, Thái Lan mở cửa trở lại

Nhiều khu thương mại, nhà hàng, công viên và trường học ở thủ đô Bangkok, Thái Lan đã mở cửa trở lại trong ngày 1/9, sau khi chính quyền nước này nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19.

“Các khách hàng cần phải đo thân nhiệt trước khi vào nhà hàng, và họ phải duy trì ‘giãn cách xã hội’ chỉ với hai người ngồi một bàn. Nhưng nếu là gia đình, thì họ có thể ngồi cạnh nhau”, anh Nichapha Jiwvaganont, chủ một nhà hàng ở Bangkok nói.

Theo hãng tin Reuters, việc chính quyền Thái Lan cho phép các khu thương mại, công viên, trường học và nhà hàng ở thủ đô Bangkok mở cửa trở lại là bởi Ủy ban Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Thái Lan vào hôm 23/8 đã phê duyệt chiến lược “học cách sống chung với Covid-19”, cũng như việc số ca nhiễm mới theo ngày đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 8.

Một số diễn biến khác về dịch bệnh

Cập nhật lúc 6h sáng 2/9 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 219,1 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 4,5 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt gần 196 triệu trường hợp.

Hãng tin Kyodo News dẫn thông cáo của Bộ Y tế Nhật Bản công bố hôm 1/9 cho biết, những vật thể nhỏ được phát hiện trong nhiều lọ vắc xin ngừa Covid-19 Moderna ở nước này là vụn thép không gỉ được trộn lẫn vào trong quá trình sản xuất.

“Có vẻ những mảnh vụn bắt nguồn từ các bộ phận kim loại lắp trong máy lúc pha trộn vắc xin đã va chạm nhau, dẫn tới việc lô vắc xin bị nhiễm bẩn”, Bộ Y tế Nhật Bản dẫn kết quả điều tra chung của công ty dược phẩm Moderna và nhà phân phối vắc xin Takeda cho biết.

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-tuc-covid-19-ngay-2-9-my-dieu-ve-binh-giup-co-so-y-te-771266.html