Mỹ đối mặt 'con ma thù hận IS'

Việc đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở TP Raqqa, được mệnh danh là 'thủ đô' của tổ chức khủng bố này ở Syria, có thể chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc chiến lớn hơn mà Mỹ phải đối mặt.

Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn hôm 17-10 tuyên bố đánh bại IS tại Raqqa, giương lá cờ chiến thắng lên các vị trí cuối cùng của chúng sau cuộc chiến kéo dài 4 tháng với cái giá phải trả là không ít.

Nhóm tay súng người Sunni này tiến vào Raqqa từ tháng 1-2014, chiếm quyền kiểm soát từ những phe phái nổi dậy muốn lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Đây cũng là thành phố lớn đầu tiên rơi vào tay IS trước khi chúng giành hàng loạt chiến thắng tại Iraq và Syria, đẩy hàng triệu người dân vào ách cai trị của cái gọi là vương quốc Hồi giáo do chúng lập ra.

Trong năm nay, IS đã mất nhiều lãnh thổ ở Syria và Iraq, trong đó nổi bật nhất là TP Mosul ở Iraq. Tại Syria, tổ chức khủng bố tàn độc này đã bị đẩy lùi tới dải thung lũng Euphrates và vùng sa mạc xung quanh.

Những người hùng thực sự ở Raqqa được cho là những người dân bám trụ, âm thầm trợ giúp các chiến dịch đánh bật IS ra khỏi thành phố Ảnh: REUTERS

Nhận định rằng chiếm lại được Raqqa là một biểu tượng quan trọng, chuyên gia cấp cao Bilal Saab của Viện Nghiên cứu Trung Đông (Mỹ) nhấn mạnh việc giải quyết những mâu thuẫn về kinh tế, chính trị của người Sunni để không có một IS nữa xuất hiện cũng quan trọng không kém.

Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu cấp cao Jim Phillips thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) cho rằng những phần tử còn lại của IS sẽ quay sang hoạt động ngầm và bám rễ sâu để chờ thời cơ trỗi dậy.

Các chuyên gia phân tích Trung Đông đều cho rằng hàng loạt vấn đề đau đầu đang lộ rõ sau khi IS bị đánh bại tại Raqqa, như tìm đâu ra tiền để tái thiết thành phố đã bị hủy hoại, làm sao hỗ trợ chính quyền địa phương non trẻ đối mặt "con ma thù hận IS" và làm sao ngăn chặn lực lượng của Tổng thống Assad, được Iran và Nga hỗ trợ, giành lại quyền kiểm soát Raqqa.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nick Heras của Trung Tâm An ninh Mỹ mới, thách thức lớn nhất đối với Raqqa và các đối tác địa phương của Mỹ ở Syria là sự mơ hồ trong chính sách của Tổng thống Donald Trump.

"Mỹ cần gửi đi tín hiệu rằng nước này sẽ duy trì một lực lượng tại các khu vực giành lại được từ tay IS để giám sát sứ mệnh ổn định và hạn chế ảnh hưởng của Iran trong quá trình tái thiết dưới danh nghĩa hỗ trợ ông Assad" - ông Heras nói.

Theo một số nhà phân tích, Mỹ dường như không có một chiến lược bền vững để ổn định khu vực và chỉ chờ đợi vào các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Geneva nhằm chấm dứt cuộc nội chiến.

Thu Hằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-doi-mat-con-ma-thu-han-is-20171018202204235.htm