Mỹ đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng

Theo dự báo, mực nước các hồ nhân tạo trữ nước cung cấp cho hàng triệu người ở miền Tây nước Mỹ sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những tháng tới, có thể gây ra sự thiếu hụt nước trầm trọng.

Mực nước hồ Mead xuống thấp ảnh hưởng hoạt động của đập thủy điện Hoover

Mực nước hồ Mead xuống thấp ảnh hưởng hoạt động của đập thủy điện Hoover

Chính phủ Liên bang Mỹ mới đây đã ra tuyên bố khẩn về nguy cơ thiếu nước ở bang Arizona và Nevada. Cục Khai hoang Mỹ cho biết, lượng nước hồ Powell và hồ Mead đổ vào sông Colorado quá thấp. Mực nước ở 2 hồ được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu làm thời tiết ấm hơn, ít băng tuyết hơn chảy vào hồ và sông. Đồng thời, nhiệt độ nóng hơn làm khô đất khiến nước sông bốc hơi nhiều hơn khi chảy qua miền Tây nước Mỹ đang bị hạn hán.

Theo dự báo, mực nước hồ Mead sẽ giảm xuống dưới 328m lần đầu tiên vào tháng 6-2021. Đây là mức có thể ra tuyên bố thiếu hụt theo thỏa thuận của 7 bang sống dựa vào nước sông Colorado, gồm: Arizona, California, Colorado, Nevada, New Mexico, Utah và Wyoming. Nếu đến thời điểm đó tình hình không cải thiện, Cục Khai hoang Mỹ sẽ tuyên bố tình trạng thiếu hụt nước cấp độ 1. Bang Arizona, Nevada đã tự nguyện cung cấp nước theo kế hoạch dự phòng hạn hán được ký kết vào năm 2019. Hai bang này đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Colorado nên thời điểm này phải chủ động cắt giảm lượng nước sử dụng. Trong đó, bang Arizona có thể mất khoảng 18% nguồn cung cấp nước. Các quan chức bang này cho biết, với các biện pháp bảo tồn và tìm kiếm nguồn nước thay thế, sẽ cho phép họ chịu được tình trạng thiếu nước nếu hạn hán kéo dài như dự kiến.

Ở bang Nevada, cơ quan cung cấp nước cho hầu hết tiểu bang đã xây dựng các “ống hút” để hút nước từ sâu hơn trong hồ Mead khi mực nước hồ giảm xuống. Bang cũng đã tạo ra một hệ thống dự trữ nước tái chế đưa trở lại hồ chứa. Bà Colby Pellegrino, Giám đốc nguồn nước của Cơ quan Cấp nước Nam Nevada, trấn an khách hàng rằng các biện pháp chuẩn bị đó sẽ giảm bớt tác động của việc cắt giảm. Bà Pellegrino khẳng định: “Tất cả những người sử dụng sông Colorado có nhiệm vụ phải tìm cách bảo tồn nguồn nước”.

Cục Khai hoang Mỹ cũng dự báo rằng, mực nước hồ Mead sẽ giảm xuống mức có thể đe dọa đến việc phát điện tại đập Hoover - đập thủy điện phục vụ hàng triệu khách hàng ở các bang Arizona, California và Nevada. Để chuẩn bị cho khả năng thiếu nước phát điện, cục đã dành 10 năm để thay thế các bộ phận của 5 trong số 17 turbin quay để tạo ra năng lượng, cho phép đập hoạt động hiệu quả hơn ở mực nước thấp hơn.

Theo các nhà môi trường, tình trạng thiếu nước ở các bang miền Tây nước Mỹ không phải là điều bất ngờ. Nó phản ánh tác động của điều kiện khí hậu khô và ấm trên lưu vực sông Colorado trong năm nay, cũng như do đợt hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của sông Colorado. Hạn hán nghiêm trọng trên khắp miền Tây nước Mỹ năm sau trầm trọng hơn năm trước. Một số nhà khoa học cho biết, khu vực này đang trên đà hạn hán vĩnh viễn. Miền Tây nước Mỹ ngay từ năm 2000 đã bước vào giai đoạn khởi đầu của cái mà các nhà khoa học gọi là “siêu hạn hán” tồi tệ thứ hai trong vòng 1.200 năm do sự kết hợp của chu kỳ khô hạn tự nhiên và biến đổi khí hậu do con người gây ra. Trong 20 năm qua, hai đợt hạn hán tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2003 và 2013. Tình hình hiện nay cho thấy trong giai đoạn sắp tới, hạn hán thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/my-doi-mat-tinh-trang-thieu-nuoc-tram-trong-726523.html